Chứng cứ "mật" phía bà Hứa Thị Phấn cung cấp tại tòa không được VKS chấp nhận

Bảo Minh |

Đại diện VKS TP HCM đưa ra nhiều lý do để quyết định không công nhận tài liệu, đồ vật mà luật sư của bà Hứa Thị Phấn cung cấp.

Ngày 21/5, TAND TP HCM tiếp tục xét xử vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) do bà Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm gây thiệt hại 6.326 tỉ đồng.

Mở đầu phiên tòa, chủ tọa Phạm Lương Toản thay mặt HĐXX cho biết đã tiếp nhận lại đồ vật, tài liệu do luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) từ Viện KSND TP HCM.

Chứng cứ mật phía bà Hứa Thị Phấn cung cấp tại tòa không được VKS chấp nhận - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa.

Trước đó, cuối phiên tòa ngày 16/5, luật sư Thơ bất ngờ cung cấp tài liệu đồ vật gồm một USB màu trắng chứa file ghi âm cuộc trao đổi giữa bị cáo Hứa Thị Phấn với các lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Phương Trang: Nguyễn Hữu Luận (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phương Trang), Phạm Đăng Quan (Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Trang) và ông Trịnh Thanh Cao.

Đoạn băng này có nội dung nói về khoản vay trên 9.000 tỉ đồng của doanh nghiệp này tại TrustBank. Tuy nhiên, trong file ghi âm cũng thể hiện nội dung rằng khoản nợ này chưa được đối chiếu. Sau đó, HĐXX đã chuyển cho Viện KSND TP HCM để đưa lên Viện KSND Tối cao đánh giá rồi chuyển lại cho TAND TP HCM

Sau 3 ngày kiểm tra và đánh giá chứng cứ này, VKSND TP HCM có công văn thể hiện quan điểm không chấp nhận toàn bộ tài liệu, đồ vật nói trên.

Cụ thể, theo VKS, Bà Thơ cho rằng phát hiện chiếc USB trong thùng hồ sơ do bà Phấn giao khi nhận bào chữa cho bà này. Như vậy, cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở xác định chiếc USB này là luật sư Thơ nhận từ bà Phấn.

Theo VKS, việc luật sư Thơ cho rằng có trao đổi với bà Phấn về việc nhận chiếc USB là không có căn cứ. Cụ thể, trong phần xét hỏi, luật sư Thơ cũng cho rằng bà Phấn mời mình bào chữa, giao thùng tài liệu vào tháng 3-2017. 

Trong khi đó, cũng khoảng thời gian này, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can Hứa Thị Phấn. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không làm việc được với bà Phấn vì bà này luôn trong tình trạng "khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời".

Chứng cứ mật phía bà Hứa Thị Phấn cung cấp tại tòa không được VKS chấp nhận - Ảnh 3.

Tài liệu, đồ vật mà luật sư của bà Hứa Thị Phấn cung cấp không được chấp nhận.

Đại diện VKS cho rằng luật sư Thơ cung cấp các tài liệu, đồ vật nhưng không có yêu cầu của bà Phấn là không phù hợp. Viện dẫn điều 88 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, đại diện VKS cho rằng luật sư cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến bà Phấn phải có yêu cầu của bị cáo này. Từ đó, VKSND TP HCM không chấp nhận tài liệu, đồ vật mà luật sư Thơ cung cấp.

Tuy nhiên, HĐXX cho biết để đảm bảo khách quan, tòa vẫn xem xét tài liệu này. Từ bây giờ các luật sư liên quan sẽ được tiếp cận tài liệu.

Đồng thời trong phiên xử sáng nay, HĐXX cho biết để đảm bảo việc xét xử đúng thời hạn, tuần này phiên tòa sẽ làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật, lịch làm việc mỗi tuần sẽ được thông báo cụ thể sau.

Theo cáo trạng, bà Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, mua đi bán lại cho TrustBank, gây thất thoát 1.105 tỷ đồng.

Ngoài ra bà này còn chỉ đạo cấp dưới hạch toán khống, đẩy dư nợ khống 5.265 tỷ đồng cho Công ty CP Phương Trang (Công ty Phương Trang).

Cụ thể, bà Hứa Thị Phấn biết Công ty Phương Trang có nhiều tài sản, cần vốn mở rộng kinh doanh nên buộc doanh nghiệp này ksy trước hồ sơ, chứng từ vay vốn rồi mới giải ngân sau.

Từ năm 2010 - 2012, TrustBank chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng 18 công ty, 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 83 khoản vay, 1 khoản phát hành trái phiếu. Tổng số tiền TrustBank giải ngân trên sổ sách cho Công ty Phương Trang gần 16.468 tỷ đồng.

Sau khi Công ty Phương Trang đã tất toán một số khoản vay, đến nay còn dư nợ gốc là 9.437 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Phương Trang xác định chỉ nhận được hơn 3.936 tỷ đồng trong tổng số dư nợ gốc theo sổ sách mà TrustBank giải ngân.

Điều 88. Thu thập chứng cứ (Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015)

1. Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

2. Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.

3. Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

4. Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.

5. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại