Đã có những bàn tán về một cuộc chiến sắp xảy ra giữa Mỹ và Iran. Trong những ngày qua, Washington đang tham gia vào việc xây dựng sự hiện diện tăng cường ở Vịnh Ba Tư và đưa ra những tuyên bố cảnh báo chiến tranh.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, một cuộc xung đột toàn diện giữa hai quốc gia vẫn khó xảy ra, bởi vì Iran sẽ không phải là một đối thủ "dễ xơi" đối với Mỹ như các mục tiêu trước đó trong quá khứ, theo RT.
Mỹ nên lượng sức mình
Mỹ đã triển khai nhóm tấn công tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một lực lượng đặc nhiệm ném bom đến Trung Đông hồi đầu tháng này. Lầu Năm Góc cũng thông báo rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và tàu vận tải USS Arlington đang trên đường đến Vịnh Ba Tư.
Cùng với những tuyên bố chống Iran quyết liệt của các nhân vật cao cấp trong chính quyền Donald Trump, như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, bên cạnh cáo buộc Iran phá hoại bốn tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư, nhiều người tin rằng hai nước đang hướng đến một cuộc xung đột.
Tuy nhiên, cây bút Neil Clark của RT cho rằng, Mỹ sẽ không dám tấn công Iran vì đơn giản Tehran là "loại quả" nằm ở "cành cao" mà Washington khó với đến.
Theo nhà báo này, tất cả các quốc gia mà Mỹ từng tấn công và giành thắng lợi trong quá khứ đều được xếp vào nhóm "quả ở cành thấp", còn Iran thì lại ở một đẳng cấp khác.
Theo đó, các nước từng thất bại trước Mỹ đều vì nhiều lý do hạn chế khác nhau. Đầu tiên là yếu về quân sự, thứ hai là không có đồng minh lớn nào có thể giúp đỡ, hay đơn giản hơn là không nắm trong tay một đòn răn đe đáng tin cậy nào có thể ngăn chặn một cuộc tấn công.
Nam Tư năm 1999 có một quân đội mạnh mẽ và được nể trọng, đồng thời có năng lực phòng thủ trên không khá tốt. Nhưng quốc gia này bị quốc tế cô lập, suy yếu bởi các lệnh trừng phạt và không có đồng minh nào đến viện trợ.
Mặc dù vậy, quân đội Nam Tư đã không hề bị đánh bại và Mỹ phải đưa ra các lời đe dọa về việc phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng của đất nước để đạt được mục đích của mình.
Chỉ hơn hai năm sau, Mỹ xâm chiếm Afghanistan. Không quân Afghanistan lúc đó gần như mờ nhạt. Không có gì ngạc nhiên khi có sự chênh lệch lớn về quân sự, chính quyền Taliban ở Kabul đã bị lật đổ trong vòng chưa đầy hai tháng.
Vào tháng 3/2003, Iraq là mục tiêu xâm lược thành công tiếp theo với lý do mà Mỹ gọi là sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tuy nhiên, Iraq thất bại một phần vì sau nhiều năm bị trừng phạt, đất nước này rơi vào tình trạng suy yếu; hệ thống cảnh báo sớm và phòng thủ trên không bị phá hủy nặng nề trong các cuộc tấn công. Đội máy bay chiến đấu chỉ có 90 chiếc và không chiếc nào được huy động khi cuộc tấn công ập tới.
8 năm sau Iraq là cuộc chiến ở Libya. Một lần nữa, đây là một mục tiêu nhẹ nhàng khác và cái kết đến nhanh chóng là chiến thắng dành cho Mỹ và đồng minh NATO.
Ví dụ về sự thất bại của Mỹ đối với các mục tiêu "mềm" có thể kể đến việc tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn diện vào Syria. Rất nhiều lần trong cuộc xung đột, Mỹ có thể đã thắng thế nhưng cuối cùng cái kết bị đảo ngược khi có Nga đến can thiệp.
Moscow đã học được bài học về Libya và sẽ không phạm sai lầm tương tự hai lần khi nói đến việc bảo vệ một đồng minh khác.
Đối thủ ở một tầm vóc khác
Sức mạnh và đòn răn đe của Iran ở đẳng cấp rất khác so với các đối thủ trước đó của Mỹ.
Nếu Syria đã là chiến trường khó khăn, thì Iran thậm chí còn khó khăn hơn đối với Mỹ. Global Firepower xếp Iran đứng thứ 14 trên thế giới về khả năng quân sự. Đó là vị trí còn cao hơn Israel hai bậc.
Nếu muốn tiến hành một cuộc xâm lược trên mặt đất, Mỹ sẽ phải đối đầu với quốc gia có hơn nửa triệu quân thường trực và 350.000 quân dự bị.
Sự kháng cự này còn chưa kể đến cái gọi là "Trục kháng chiến" của Iran, bao gồm các đơn vị Hezbollah và dân quân Shia ở Iraq chiến đấu với IS, có thể được triển khai chống lại các mục tiêu khu vực của Mỹ.
Về sức mạnh không quân, Iran có hơn 500 máy bay, trong đó có 142 máy bay chiến đấu. Cùng với đó là 1.634 xe tăng chiến đấu, 2.345 xe chiến đấu bọc thép và 1.900 pháo phản lực.
Nếu Mỹ muốn một trận chiến trên biển, Iran cũng sẽ không ngại đáp ứng lại với số tàu chiến, vũ khí lên đến con số 400. Iran cũng sở hữu các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm trung gian có thể tấn công các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Israel và các quốc gia vùng Vịnh.
Hồi tháng 2, Iran đã chính thức công bố tên lửa hành trình tầm xa phóng từ mặt đất Hoveizeh, có tầm bắn hơn 1.350km.
Tuy nhiên, yếu tố ngăn chặn lớn nhất mà Iran sở hữu chính là khả năng phá vỡ nền kinh tế thế giới, (theo nhận định của Deutsche Welle). Bằng cách chặn eo biển Hormuz, Iran có thể làm tê liệt 1/5 lượng dầu được giao dịch trên thế giới - bao gồm gần 90% thuộc về Saudi Arabia.
Hậu quả ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu sẽ là không thể tưởng tượng nếu điều đó xảy ra.
Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và không ai nghi ngờ rằng nếu chiến tranh với Iran, thì cuối cùng Mỹ vẫn sẽ là người giành chiến thắng.
Nhà phân tích quân sự Nga Mikhail Khodarenok nói rằng Mỹ có thể tấn công Iran từ xa, sử dụng chiến tranh điện tử để làm tê liệt các hệ thống phòng không.
Một cuộc tấn công bất ngờ lớn từ trên không và trên biển, kết hợp với Israel, sẽ khiến Iran quay cuồng. Nhưng rủi ro vẫn còn cao. Lực lượng ủy nhiệm của Iran sẽ vẫn là một mối đe dọa và nguồn cung cấp dầu sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu Iran bị chinh phục và bị chiếm đóng, lực lượng mặt đất sẽ được huy động toàn bộ, tạo ra một cuộc chiến khốc liệt.
Điều đó cũng đồng nghĩa với lượng lớn binh sĩ Mỹ sẽ thiệt mạng. Đó là điều mà công chúng Mỹ không hài lòng với chính quyền Trump.
Với tất cả các lý do đáng xem xét ở trên, chiến tranh với Iran sẽ là một ý tưởng rất khác đối với Mỹ so với các cuộc chiến trước đây chống lại Afghanistan, Nam Tư, Iraq và Libya. Đó là lý do tại sao, chống lại Iran cũng giống như chống lại Trung Quốc hay Nga - khả năng là điều đó sẽ không xảy ra.
Thay vào đó, Mỹ sẽ tìm cách làm mọi thứ có thể để gây bất ổn cho Iran mà không tiến hành một cuộc tấn công toàn diện.