Bản đồ mới về sao Hỏa được tổng hợp từ các quan sát của tàu vũ trụ Hope. Ảnh: NYUAD.
Theo Space, Bản đồ độ phân giải cao, được tạo ra bởi Đại học New York Abu Dhabi (NYUAD) và Trung tâm Khoa học Vũ trụ Quốc gia của UAE, có thể giúp các nhà khoa học trả lời một số câu hỏi cấp bách về sao Hỏa, chẳng hạn như làm thế nào mà nó trở thành một vùng đất khô cằn như ngày nay mặc dù từng có nhiều nước lỏng trong quá khứ.
Tàu vũ trụ Hope - quay quanh sao Hỏa trên quỹ đạo hình elip - được trang bị hệ thống chụp ảnh hiện đại EXI, cung cấp những góc nhìn độc đáo về hành tinh đỏ. Khả năng quan sát của nó là một minh chứng cho ảnh hưởng ngày càng tăng của UAE trong lĩnh vực khoa học vũ trụ.
Để tạo bản đồ, Atri cùng các cộng sự đã thu thập hơn 3.000 quan sát từ EXI được thực hiện trong một năm trên sao Hỏa, khoảng thời gian tương đương với hai năm trên Trái Đất, sau đó ghép chúng lại với nhau để tạo ra hỗn hợp màu.
Bản đồ đã thể hiện nhiều đặc điểm địa chất quan trọng của hành tinh đỏ ở độ phân giải cao, bao gồm các chỏm băng ở hai cực, núi và núi lửa đã ngừng hoạt động từ lâu, cũng như tàn dư của các sông, hồ và thung lũng cổ đại cách đây khoảng 3,5 tỷ năm. Nhờ đó, các nhà khoa học hiểu rõ hơn khí hậu của sao Hỏa đã thay đổi như thế nào trong hàng tỷ năm để trở thành thế giới khô cằn như ta thấy ngày nay.
Bằng cách cho phép các nhà khoa học nghiên cứu sự phân bố của hố va chạm trên bề mặt, bản đồ mới cũng tiết lộ lịch sử của các tiểu hành tinh đã bắn phá sao Hỏa trong thời kỳ đầu. Do đó, tổng hợp các hình ảnh EXI có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các điều kiện trong hệ Mặt Trời từ thời kỳ sơ khai đầy hỗn loạn, khi các tác động của đá vũ trụ phổ biến hơn nhiều so với ngày nay.
Tàu quỹ đạo Hope là sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của UAE và của thế giới Ả Rập nói chung. Nó được phóng từ Nhật Bản vào ngày 20/7/2020 và sau hành trình kéo dài khoảng 7 tháng, con tàu đã đến quỹ đạo quanh sao Hỏa vào ngày 9/2/2021.