Trao đổi với báo Lao Động, ông Vũ Ngọc Kiệm, phó Giám đốc sân bay Nội Bài cho biết cơ sở hạ tầng Cảng Quốc tế Nội Bài tập trung vào đường băng cất hạ cánh, đường lăn với 2 đường băng 1B và 1A trong đó đường băng 1B bị hư hỏng nghiêm trọng nhất.
Đường băng 1B đã đưa vào khai thác 12 năm và ban đầu xây dựng để đáp ứng cho tàu bay 747 trở xuống với tần suất bay khoảng 10.500 lượt cất hạ cánh trong 20 năm. Tuy nhiên, hiện nay tần suất bay ngày càng tăng và đến hết tháng 4.2018, tổng số lần cất hạ cánh trên đường băng này đã lên 284.200 lượt.
Đường băng 1B có hiện tượng nước bị xâm nhập ở dưới bề mặt bê tông dẫn đến tình trạng phụt bùn mỗi khi có mưa.
Nếu không xử lý nhanh, không kịp sẽ dẫn tới gẫy tấm bê tông, gẫy các góc cục bộ thì rất nguy hiểm cho máy bay khi cất hạ cánh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hàng không.
Còn đường băng 1A đã được xây dựng chất lượng khá tốt và mới sửa chữa nâng cấp lại bằng cách đổ thêm 1 lớp polime, vật liệu đặc biệt lên bề mặt bê tông nên bề mặt đường băng hiện nay đảm bảo an toàn khai thác tốt.
Tuy nhiên, với đường băng này khu vực đầu cất hạ cánh đã bắt đầu có hiện tượng lún vệt bánh lốp máy bay với chiều dài khoảng 600m ở đầu và trong những đoạn lăn nối giữa polime và bê tông.
Đã không ít lần sân bay đã phải tạm dừng khai thác 1-2h ở những đoạn hư hỏng để xử lý sự cố.
Có những điểm vừa làm xong 1 tuần đã lại nứt và cứ thế làm đi làm lại. Hiện tình trạng nứt vỡ trên đường băng 1B là tương đối nhiều và thời điểm hiện nay tốc độ nứt vỡ ở góc tấm rất nhanh.
Theo đại diện sân bay Nội Bài, hiện công tác giám sát kiểm tra xử lý nóng Nội Bài vẫn đáp ứng để đảm bảo an toàn bay thường xuyên.
Ngoài công tác giám sát kiểm tra thường xuyên mỗi ngày lực lượng giám sát ở đây 4 lần đi kiểm tra trực tiếp và kết hợp với giám sát thông qua hệ thống camera để nếu phát hiện điểm nứt vỡ sẽ xử lý ngay.
Trước tình trạng này, Bộ GTVT đã văn bản gửi Bộ Tài chính về kiến nghị bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đồng thời đề nghị Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ với số tiền dự kiến gần 4.500 tỉ.