Bóng đá tất nhiên chẳng thể giải quyết những vấn đề xã hội. Bóng đá không giúp môi trường Việt Nam trong lành hơn, không giảm học phí cho trẻ con, không nâng cao dịch vụ y tế. Bóng đá, trong một chừng mực nào đó, quả thực đã… đánh lạc hướng đám đông ra khỏi những chủ đề quan trọng. Nhưng chẳng phải được vui, được hồ hởi, được phấn khích cũng là việc quan trọng đó sao?
Một anh luật sư, một chị lao công, một em sinh viên, tất cả đều có thể ngồi xuống và cùng dõi theo trận bóng. Khi men say chiến thắng dâng trào, những gương mặt cả một đời lạ nhau trao nhau nụ cười, cùng hân hoan “Việt Nam vô địch”, đập tay nhau giữa đường. Không điều gì có thể tạo ra sự đoàn kết và lan tỏa yêu thương ấy, ngoài bóng đá.
Đầu tiên và trên hết là hành trình tìm lại niềm tin nơi người hâm mộ của một thực thể mang tên “Bóng đá Việt Nam”. Bóng ma Bacolod đã phủ hoài nghi lên tất cả, đến mức suốt chục năm sau đó, chỉ thấy đội tuyển đá dưới sức là chúng ta có phản xạ bật ra hai chữ “bán độ”. Đâu chỉ người hâm mộ, chính… Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khi còn đương nhiệm cũng từng bật ra hai chữ ấy sau khi Việt Nam thất bại trước chính Malaysia cũng tại AFF Cup. Nhưng trong năm 2018 này, đội tuyển Việt Nam đã trở lại, với trọn vẹn niềm tin yêu và tin tưởng. Cú cắm cờ trên tuyết tại Thường Châu của Đỗ Duy Mạnh quá đẹp, và đầy bi tráng. Giữa giá tuyết phương xa, các em thổi bừng lên ngọn lửa đã lạnh.
Chính Đỗ Duy Mạnh, 10 năm trước tại Mỹ Đình, là một cậu bé nhặt bóng, hồn nhiên chạy theo Công Vinh sau cú đánh đầu để đời. Cuối trận đấu ấy, Duy Mạnh và Đức Huy chạy theo các cầu thủ đàn anh, hy vọng có được một chiếc áo hay một đôi giày kỷ niệm. 10 năm trước họ là chứng nhân, 10 năm sau đã là những thanh niên dũng mãnh, với những cú lao người xoạc bóng giải nguy. Ước mơ hôm nay, thực tiễn ngày sau. Câu chuyện ấy chẳng phải là minh chứng sống động nhất cho việc theo đuổi ước mơ đó sao?
Đó là hành trình của chàng thủ môn Việt Kiều Đặng Văn Lâm, đi tìm sự thừa nhận trên chính quê hương. Anh từng phải vác đơn xin việc ở các CLB V-League, từng bị đồng đội rượt đánh vì chả chịu theo lệ làng, từng phải kêu gọi mọi người giúp mình chia sẻ một status, hòng được HLV Toshiya Miura chú ý và gọi anh lên tuyển. Người thủ môn ấy dứt trận đã ôm lấy… cái cột dọc, như một người bạn thân đã bao phen phụ anh cứu thua. Đã có thời gian, anh ngỡ mình phải rời xa cái cột dọc ấy, khi cuộc phiêu lưu ở Việt Nam hầu như đã kết thúc. Bố cho anh học nghề kế toán, khuyên anh bỏ mộng bóng banh. Anh ngồi trong lớp học, mà lòng như lửa đốt. Rồi anh vẫn xỏ găng trở lại. Vì chụp gôn là định mệnh của đời anh, vì tên Nga của anh có một chữ “Lev”. Mẹ anh đặt cho đấy, vì quá hâm mộ “con nhện đen” Lev Yashin. Câu chuyện người con xa đi tìm sự thừa nhận ấy, chả cảm động sao?
Giữa lúc Văn Lâm ôm lấy cột dọc, Bùi Tiến Dũng chạy đến, ôm chầm lấy anh. Họ là đối thủ của nhau đấy. Vị trí của Lâm, hai giải đấu đáng nhớ trước đó, vốn là của Dũng. Những vinh quang, những lời tôn vinh, những màn thả tim miệt mài trên mạng trước đây cũng vốn là của Dũng. Nhưng trong giây phút hân hoan ấy, sự cạnh tranh chấm dứt, chỉ có tình đồng đội lên ngôi. Trong cái ôm ghì xiết ấy, ngoài tình đồng đội còn có cả tình… đồng hương, của những con người mang trong mình dòng máu Việt. Hai tiếng Việt Nam chẳng đáng tự hào sao? Cái ôm ấy chẳng đáng yêu lắm sao?
Nó còn là câu chuyện của lão tướng Anh Đức, giữa lúc hân hoan đã chạy lên khán đài ôm lấy chị gái, dáo dác nhìn và hỏi “Mẹ đâu”. Anh Đức là một tài năng nở muộn, một thứ rượu để càng lâu lại càng ngon. Trên mạng vẫn còn tấm hình tuyệt đẹp ấy. Anh Đức ngồi với hai đồng đội cùng lứa là Văn Quyến và Công Vinh. Cuộc đời ba người đi theo ba ngã rẽ. Văn Quyến mang đến những xúc cảm mà cực hiếm những cầu thủ Việt Nam có thể làm được, nhưng sống bản năng và sa ngã. Công Vinh là hình mẫu tuyệt vời cho sự nguyên nghiệp, đã trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử đội tuyển Việt Nam, trong đó có cú đánh đầu mang về chức vô địch AFF Cup vào năm 2008.
Nếu như cái tên Văn Quyến và Công Vinh xuất hiện thường trực trên môi người hâm mộ cả nước, Anh Đức là người bị lãng quên. Anh có bộ sưu tập danh hiệu ít ai sánh kịp ở cấp độ CLB. 11 năm đá cho đội bóng quê hương Bình Dương, anh có bốn lần vô địch V-League, hai lần vô địch Cúp quốc gia, một lần giành giải Vua phá lưới và một lần giành Quả Bóng Vàng. Nhưng Anh Đức vẫn vô duyên với đội tuyển. Lần gần nhất anh dự AFF Cup đã… 8 năm trước. Nhưng đội tuyển phớt lờ Anh Đức, chứ Anh Đức có phớt lờ đội tuyển đâu. Anh vẫn chờ đợi, dẫu cho ngày trở lại đội tuyển còn gần hơn ngày… giải nghệ.
Tám năm sau kỳ AFF đầu tiên, Anh Đức dự kỳ AFF có lẽ là cuối cùng. Giữa Mỹ Đình, cú vô lê chân trái của anh đầu trận đánh sập nhuệ khí của đối thủ. Một sự tỏa sáng muộn màng, những vẫn ngọt ngào. Câu chuyện về sự nhiệt thành và miệt mài ấy chẳng đẹp sao?
Đó còn là câu chuyện vượt qua bão tố của Quế Ngọc Hải. Người trung vệ năm nào bị cả nước lên án vì pha vào bóng ác hại khiến đồng nghiệp phải giải nghệ nay vẫn quyết liệt, nhưng đã bớt nhiều bạo lực. Đeo bám thông minh, chuyền bóng chuẩn xác, Hải mang đến sự yên tâm tuyệt vời nơi hàng thủ ba người. Hôm qua, kết thúc trận đấu, anh trao lại băng thủ quân cho Văn Quyết. Câu chuyện vượt qua khủng hoảng, lễ độ với đàn anh ấy chẳng đáng chia sẻ sao?
Tất nhiên một chức vô địch chả tăng chút nào vị thế của Việt Nam trên thế giới. Nhưng… có sao đâu? Bóng đá không mang vác những trọng trách ấy. Tất cả những gì bóng đá làm được là lan tỏa một niềm vui tích cực, tạo ra bầu không khí đoàn kết mà không một điều gì có thể thay thế được. Trong mấy tiếng đồng hồ, chúng ta có thể lãng quên những nỗi mệt nhọc, những tranh đấu nơi công sở, những mối quan hệ đổ vỡ, những vết thương từ cơ thể đến tâm lý, để có thể nhìn về một hướng, để có thể hô vang hai tiếng “Việt Nam”.
Bạn đã từng xem các bệnh nhân trong bệnh viện xem bóng đá chưa? Đấy là một cảm giác rất lạ lùng, khi ta có thể hân hoan dẫu cho chân hay đầu vẫn còn băng bó trắng toát. Đêm thứ Bảy tại Đà Lạt, mưa rơi lạnh buốt, người dân vẫn mặc áo mưa ra đứng xem tại màn hình lớn, như đón giao thừa. Giao thừa thì chỉ vui được một vài giây, còn bóng đá thì vui suốt mấy ngày trước trận và mấy ngày sau trận. Tết Nguyên Đán sao vui được như Tết Nguyên… Đám?
Càng lớn, chả phải càng ít thứ khiến ta nao nao, khiến ta rạo rực ấy sao? Vậy thì ta còn dè dặt với niềm vui ấy làm gì? Một dân tộc mang đầy thương tổn, cái gì cũng có thể khiến ta phản biện, đấu tranh. Nhưng bóng đá giúp cho ta lãng quên. Tại sao chúng ta xem phim, đọc tiểu thuyết hay đắm mình trong một bài nhạc? Chính là bởi sự lãng quên ấy. Khi thưởng thức nghệ thuật, ta quên chính ta để bước vào một thế giới hoàn toàn khác, để được khóc và cười với… câu chuyện của người khác. Mở tai phone ra, rời khỏi rạp hát, ta trở về với cuộc sống bộn bề thường nhật, phát hiện ra mọi thứ không có gì thay đổi, ngoài việc lòng mình nhẹ đi một chút. Bóng đá chính là một liều thuốc lãng quên cực mạnh. Bởi vì 90 phút quả bóng lăn trên sân, cả chục triệu người có những mục tiêu khác nhau trong đời bỗng có duy nhất một mục tiêu: chiến thắng. Trong tiếng Anh, khung thành là “Goal” (mục tiêu). Nhìn cả một tập thể cùng nhau bảo vệ khung thành nhà, rồi cùng dâng lên cố đưa quả bóng đến “mục tiêu”, ta biết giá trị của tình đoàn kết. 11 cầu thủ đoàn kết trên sân, hàng vạn khán giả đoàn kết trên khán đài và hàng triệu người đoàn kết trước màn hình.
Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Câu nói kinh điển ấy chúng ta đã nghe hàng nghìn lần, nhưng bóng đá một lần nữa xác tín điều ấy.
Chỉ hơn chục ngày nữa, các cầu thủ của chúng ta sẽ bước vào một hành trình mới: Asian Cup. Một giải đấu thực sự cam go mà ngay vòng bảng, ta đã phải động ngay hai gã không lồ Iran, Iraq. Nhưng Nguyễn Quang Hải và đồng đội mang đến cho chúng ta một điều tuyệt vời: hy vọng. Họ còn quá trẻ, rất ngoan và đang biến mỗi trận đấu thành một lần tôn vinh tình đồng đội, giá trị tập thể.
Nhưng không phải là không có những âu lo. Chức vô địch Đông Nam Á là một dấu son, giúp ta khép lại một năm 2018 viên mãn, nhưng Asian Cup lại là một câu chuyện rất khác. Giấc mộng World Cup lại càng là một ước mơ vĩ đại hơn. Và để hoàn thành những mục tiêu xa hơn ấy, bóng đá Việt Nam cần những CĐV tốt hơn lẫn những người quản lý tốt hơn.
Những ai có mặt ở Mỹ Đình đều phải thừa nhận: chỉ vài trăm người của Malaysia, nhưng họ cổ vũ chuyên nghiệp và tuyệt vời hơn chúng ta nhiều. Họ có cả một “văn hóa cổ động” với bộ trống, với những người lĩnh xướng, với những điệu nhảy, với những bài ca cổ động. Họ hát lẫn hét suốt cả trận, ngay cả khi đã bị dẫn trước ngay cả khi đội nhà đã thất bại. Mỗi lần đội tuyển thi đấu, chính họ cũng đang thi đấu trên sân.
Mái vòm của Mỹ Đình không khuếch đại âm thanh của chúng ta, và chính chúng ta cũng chưa có được văn hóa cổ động. Có thể vì… vé mời nhiều quá, khiến những CĐV thực sự chân chính đành phải đứng ngoài. Có thể vì chúng ta chưa có nhiều những hội CĐV thực sự chính quy để diễn tập cổ động liên tục. Nếu muốn đội tuyển tiếp tục tiến lên thì chính văn hóa cổ động của chúng ta cũng cần phải tiến lên.
Đội tuyển Việt Nam là nhà máy sản xuất niềm vui cho hàng triệu người, nó tất nhiên cũng cần một sự quản lý minh bạch và chính trực. Giữa lúc AFF Cup đang diễn ra, cuộc bầu cử tại VFF diễn ra trong âm thầm. VFF chỉ “lên sóng” khi những CĐV mang mác thương binh lao xe thẳng vào trụ sở để đòi vé. VFF cần nhiều sự minh bạch trong bầu bán, cần một hệ thống phân phối vé ít gây tranh luận hơn. V-League cần là một mảnh đất lành để tiếp tục cho ra những mầm xanh mới. Giải đấu này cũng cần những nguồn lực tài chính mới thay vì phải sống phập phù theo cảm hứng của những ông bầu. Những lời rì rầm về việc văn hóa phong bì của trọng tài, những thỏa thuận ngầm “ba đi, ba về”, những màn lót tay ám muội cũng phải chấm dứt.
Lứa cầu thủ tuyệt đẹp và tài nghệ của HLV Park Hang Seo mang đến hy vọng mát lành. Nhưng chỉ hy vọng là chưa đủ. Chúng ta mất đến tận 10 năm để trở lại một trận chung kết AFF Cup. Đấy là vì chúng ta mãi để giấc mơ con đè chết cuộc đời con. Đấy mới là điều đáng âu lo, chứ không phải chúng ta đã vui và hạnh phúc như thế nào khi cùng nhìn về một hướng.
Đời người có mấy cái mười năm!