Những vụ bạo lực học đường diễn ra thời gian gần tuy không nhiều nhưng cũng khiến dư luận lo lắng.
Bạo hành, sỉ nhục học sinh
Ngày 3-10, mạng xã hội lại dậy sóng khi xuất hiện đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh một bé gái khóc lớn bên cạnh 2 nữ giáo viên. Không dỗ dành bé gái, nữ giáo viên còn lấy tay dí vào trán khiến cháu bé suýt ngã, sau đó bóp miệng bé rồi nói "gào cái mồm ra này, các cô sợ này, gào to lên…".
Đáng chú ý, một nữ giáo viên ngồi ngay cạnh chứng kiến sự việc nhưng không đứng ra khuyên can. Sự việc xảy ra tại lớp mẫu giáo độc lập tư thục Mầm non Ngôi sao nhỏ - Little Star Preschool ở khu đô thị tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Mẹ cháu bé 15 tháng tuổi rất bức xúc với thái độ của các cô giáo cũng như cách hành xử trốn tránh trách nhiệm của nhà trường.
Hay trước đó, chỉ vì học sinh không mua bánh sinh nhật đúng cửa hàng cô đã hẹn trước, một cô giáo Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã lớn tiếng đuổi một nữ sinh lớp 12 ra khỏi lớp bằng những lời lẽ khó nghe, đe dọa hạ hạnh kiểm em này để không được thi tốt nghiệp, khiến nữ sinh này quỳ khóc đến kiệt sức. Một thầy giáo dạy tiếng Anh ở Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đã bóp cằm, chỉ vào mặt nam sinh xưng "mày tao", nói lời xúc phạm học sinh lớp 10 chỉ vì em làm bài tập sai...
Nỗi bức xúc giáo viên bạo hành học sinh chưa lắng xuống thì liên tiếp các vụ học sinh đánh nhau cũng khiến dư luận dậy sóng. Do mâu thuẫn cá nhân, 4 nữ sinh lớp 9 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã đưa một nữ sinh khác đến khu vực rừng keo để đánh hội đồng rồi lột đồ. Trong 4 học sinh tham gia, 3 em trực tiếp hành hung nữ sinh A., mặc dù nạn nhân đã khóc lóc, van xin, một em khác dùng điện thoại quay lại sự việc. Tại Lạng Sơn, nhóm 9 nữ sinh đã hành hung một nữ sinh khác bằng cách xô đẩy, giựt tóc, dùng thước kẻ đánh, tát vào mặt, vào đầu tại phòng học lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn... Mặc dù nạn nhân đã van nài nhưng vẫn bị nhóm bạn đánh "hội đồng" trong khi nhiều học sinh khác đứng ngoài cổ vũ, reo hò, quay clip.
Khi sự việc được đưa lên các trang mạng xã hội, Ban Giám hiệu nhà trường đã triệu tập giáo viên chủ nhiệm và mời các phụ huynh có con em liên quan đến để làm việc. Vụ việc khiến ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, phải ký văn bản yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường phòng chống bạo lực học đường. Đồng thời, khẩn trương xem xét xử lý vụ đánh hội đồng ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Yên Lỗ, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 6-10.
Cô giáo Trường THPT Đa Phúc kéo lê học sinh
Không sự sẻ chia thì đừng chọn nghề giáo
Đau xót trước việc giáo viên bạo hành học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng đó là những thầy cô xem nhẹ đạo đức nhà giáo, ứng xử không gương mẫu, thiếu tôn trọng học sinh. "Họ dùng quyền uy của mình để bắt nạt học sinh là không được. Các thầy cô này phải chịu trách nhiệm trước những tổn thương mà họ gây ra cho học trò của mình" - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm làm hiệu trưởng một trường THPT nổi tiếng ở Hà Nội, TS Lâm cho rằng các giáo viên phải kiềm chế bản thân. "Khi đã chọn nghề giáo là phải có sự sẻ chia, thương yêu giúp đỡ học sinh. Nếu không làm được thì đừng chọn làm nhà giáo. Tôi hết sức hoan nghênh Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu đình chỉ các giáo viên này. Phải làm nghiêm như vậy" - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong một số vụ bạo lực học đường đáng tiếc xảy ra thời gian qua, phần lớn nạn nhân không chia sẻ, không lên tiếng do không tìm được người tin cậy để có thể nói ra vấn đề mình đang gặp phải. Ông Nam cho rằng để hạn chế bạo lực học đường, điều quan trọng là người lớn cần quan tâm, theo sát trẻ để trẻ dám nói ra những vấn đề đang gặp phải, dám lên tiếng khi bị bạo lực và bảo đảm rằng các em vẫn được bảo vệ, được giữ bí mật riêng tư.
Nhóm học sinh đánh hội đồng bạn ở Nghệ An
Đồng tình với quan điểm này, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, việc Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc (TP Hà Nội) cho hay "có thể xem xét xử lý học sinh phát tán video cô giáo túm cổ, kéo lê học sinh" ở trường này thì cần phải xem lại. "Nếu clip không được đưa lên mạng, cô giáo P. tiếp tục bạo hành học sinh khiến nữ sinh bị tổn thương và có hành động dại dột thì sao? Người đưa clip lên mạng đã đưa ra những chứng cứ về việc bạo hành học sinh của cô giáo. Nếu người lớn dùng quyền lực để đe dọa học sinh khiến các em lo sợ không dám nói lên sự thật thì bạo lực học đường sẽ còn đau xót hơn" - TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Chia sẻ về xây dựng trường học hạnh phúc, đẩy mạnh văn hóa học đường trong năm học 2023-2024, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng văn hóa học đường coi trọng tính gương mẫu của người thầy, coi trọng phát triển nhân cách, đạo đức, phẩm chất, tinh thần của người học. Đặc biệt, văn hóa học đường đòi hỏi vai trò mẫu mực của nhà giáo. "Muốn có văn hóa học đường, có trường học hạnh phúc thì phải có những người thầy chuẩn mực để dẫn dắt học sinh" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói. Tuy nhiên, bộ trưởng cũng thừa nhận điều đáng tiếc là trong thời gian gần đây bạo lực học đường diễn biến phức tạp, do nhiều nguyên nhân. Sau một thời gian học sinh học trực tuyến, các em bị ảnh hưởng tới tâm lý góp phần làm gia tăng bạo lực học đường. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như ảnh hưởng của phim ảnh không phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội khiến cho bạo lực học đường gia tăng, sự kết nối giữa gia đình và nhà trường còn lỏng lẻo, nhiều em học sinh thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, đặc biệt là từ bố, mẹ…
Không thể thiếu trách nhiệm của hiệu trưởng
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay các trường phổ thông trong toàn quốc đều có bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Tuy nhiên, thời điểm này, cần rà soát, làm mới để phù hợp với tình hình, bối cảnh của trường học đang đổi mới căn bản, toàn diện. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ mong muốn các nhà trường phổ thông phải tăng cường phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh, đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong nắm bắt tâm lý học sinh, giúp các em có kỹ năng xử lý tình huống. Vai trò của các hiệu trưởng cũng rất quan trọng trong kiểm soát tình hình để đề phòng, ngăn chặn bạo lực học đường.
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM:
Lỗi rất lớn là giáo dục đánh đồng
Bất cứ phương pháp giáo dục nào cũng nên bắt đầu từ tình thương. Chỉ có tình thương mới cảm hóa được tất cả. Thầy cô dạy học vì cái tâm, đối xử với học trò như con em thì học trò cũng sẽ thương thầy cô như thế. Cho đi thì sẽ được nhận lại, các em đủ tinh tế để cảm nhận. Nhiều giáo viên mắc lỗi rất lớn là giáo dục đánh đồng trong khi mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt với cá tính riêng. Bản thân mỗi giáo viên cũng có cuộc sống riêng, với những nỗi buồn, hạnh phúc khác nhau nhưng khi lên lớp thì phải gạt hết tâm tư. Có như vậy, cảm xúc cá nhân người thầy mới không ảnh hưởng đến học trò.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM:
Nghề giáo phải biết giới hạn cho phép
Hơn ai hết, nghề giáo phải biết giới hạn cho phép, không nên nóng giận, kiểm soát bản thân để tránh vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm xấu hình ảnh về nghề giáo. Giao tiếp sư phạm trong mỗi cơ sở giáo dục hiện nay là vấn đề lớn, không phải chỉ đọc bộ quy tắc ứng xử trường học là đủ. Phải được hiện thực hóa bằng từng hành động, việc làm để thẩm thấu mỗi ngày, không chỉ từ phía giáo viên, mà cả học sinh, phụ huynh và lãnh đạo nhà trường. Bất kể mối quan hệ nào trong trường học cũng cần sự tôn trọng nhất định. Phải nhìn nhận có những học sinh làm sai nhưng tất cả đã có nội quy, giáo viên không dùng những hình phạt tự chế. Lãnh đạo nhà trường phải hỗ trợ thầy cô, phải đứng sau thầy cô, cùng giải quyết vấn đề, phải đề phòng sự việc xảy ra chứ không để xảy ra rồi mới cân đo đong đếm để xử phạt. Bởi khi vấn đề xảy ra làm tổn thương rất nhiều con người.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục:
Nhiều thầy cô mới chỉ làm tròn vai dạy học
Mối quan hệ thầy - trò và nhiều ứng xử trong giáo dục phải đúng chuẩn mực. Nhiều thầy cô mới chỉ làm tròn vai dạy học, chứ chưa thật sự là giáo dục. Một khi mối quan hệ đổ gãy từ những ứng xử thiếu văn minh, chuẩn mực khiến quá trình hình thành nhân cách, trí tuệ, cảm xúc của học sinh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nghề giáo không chỉ đòi hỏi chuyên môn mà còn đòi hỏi sự đúng mực trong ứng xử sư phạm.