Trước đây, trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường, các nhà mạng tìm mọi cách để chạy đua phát triển thuê bao mới. Đủ thể loại SIM với các gói cước hấp dẫn được tung ra và SIM được bán thoải mái như bánh mì ở khắp nơi.
Các nhà mạng phải vào cuộc
Mặt tối là SIM nhanh chóng trở thành "trợ thủ đắc lực" cho tội phạm, đặc biệt là những kẻ lừa đảo qua mạng. Ngay cả các doanh nghiệp cũng khai thác SIM rác để nhắn tin, gọi điện quảng cáo sản phẩm và dịch vụ.
Trước tình trạng quấy rầy của các quảng cáo di động cũng như có nhiều người dùng trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo qua di động, nhà chức trách đã vào cuộc, yêu cầu các nhà mạng phải hành động để chống SIM rác. Các thuê bao trả sau phải có hợp đồng cụ thể, còn các thuê bao trả trước phải cung cấp thông tin nhân thân mới sở hữu được SIM.
Từ năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã nỗ lực giải quyết tận gốc kho SIM rác khổng lồ và đến giữa năm 2017 có khoảng 20 triệu SIM do các kênh phân phối kích hoạt sẵn bị thu hồi.
Cuối tháng 7-2019, Bộ TT-TT quyết liệt hơn, đã yêu cầu các nhà mạng phải cam kết thu hồi toàn bộ các SIM kích hoạt sẵn trên thị trường trước tháng 9-2019; đồng thời quy trách nhiệm cụ thể cho chủ tịch, tổng giám đốc các nhà mạng trong việc chỉ đạo xử lý SIM kích hoạt sẵn, SIM rác.
Đầu tháng 4-2022, Bộ TT-TT yêu cầu các nhà mạng xóa toàn bộ SIM rác và đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM rác, thậm chí đến những điểm viễn thông ủy quyền.
Khách hàng có thể đến các điểm giao dịch của nhà mạng để chuẩn hóa thông tin thuê bao. (Ảnh: VNPT cung cấp)
Việc chuẩn hóa dữ liệu thuê bao di động cũng là dịp để các nhà mạng cập nhật số thuê bao 2G để chuẩn bị cho thời điểm tắt sóng 2G trên cả nước. Theo Bộ TT-TT, hạn cuối cho việc dừng công nghệ 2G tại Việt Nam là tháng 9-2024, sau đó sẽ dừng 3G.
Ngày 25-12-2022, kết luận Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 (đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030) và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu phải xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác.
Việc kiên quyết chống SIM rác lần này sẽ được kết hợp với việc các doanh nghiệp viễn thông di động đến thời điểm phải thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc triển khai những biện pháp kết nối, cung cấp dữ liệu, đối soát trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Phải bảo đảm quyền lợi người dùng
Sau ngày 31-3, các nhà mạng sẽ tiến hành khóa 1 chiều (không thể gọi đi) đối với các thuê bao di động chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa thông tin. Theo lộ trình, đến ngày 15-4, nhà mạng sẽ khóa dịch vụ 2 chiều đối với các thuê bao chưa đáp ứng yêu cầu và sẽ thực hiện việc thu hồi số thuê bao từ ngày 15-5 nếu khách hàng vẫn không bổ sung, điều chỉnh lại thông tin kịp thời.
Theo quy trình, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất 1 lần để yêu cầu các khách hàng cụ thể cập nhật dữ liệu. Nhưng việc này lại gặp nhiều khó khăn, do khách hàng thường e ngại, ít phản hồi thông tin vì sợ bị lừa đảo.
Thực tế trong mấy ngày qua, nhiều thuê bao di động đã nhận được những cuộc gọi đe dọa sẽ bị khóa SIM trong vòng vài giờ tới nếu không cung cấp thông tin cá nhân theo yêu cầu của kẻ mạo danh Cục Viễn thông hay nhà mạng.
Các nhà mạng đang áp dụng các biện pháp cả kỹ thuật, công nghệ lẫn thủ công cho việc chuẩn hóa. Chẳng hạn, nhà mạng VNPT-VinaPhone hỗ trợ khách hàng cập nhật qua ứng dụng, website và tại điểm kinh doanh dịch vụ. Nhà mạng cũng gửi tin nhắn được cá thể hóa tới từng thuê bao có thông tin chưa trùng khớp.
Vì thế, để tiện lợi cho khách hàng cũng như giúp việc đồng bộ thông tin dễ dàng hơn, các nhà mạng chủ động làm việc để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà đối soát thông tin của các thuê bao của mình trước.
Viettel cho biết sau khi sử dụng AI để phân tích, nhà mạng này bước đầu ghi nhận còn khoảng 1,3 triệu thuê bao cần chuẩn hóa thông tin để khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; VNPT-VinaPhone có khoảng 1,1 triệu thuê bao và MobiFone tính đến đầu tháng 3, có khoảng 1,4 triệu thuê bao.
Tuy nhiên, các phương thức cập nhật thông tin thuê bao cần đa dạng nhưng phải bảo đảm an toàn cao nhất có thể. Phương thức cập nhật qua ứng dụng hay trang web chỉ dành cho những thuê bao thông thạo và biết cách tự bảo vệ.
Vì vậy, phương thức trực tiếp được cho là phù hợp hơn, đặc biệt là với những người lớn tuổi và không rành kỹ thuật. Bên cạnh việc mời thuê bao đến các điểm dịch vụ chính thức, các nhà mạng nên cử nhân viên đến tận nhà các thuê bao (có yêu cầu cụ thể) để hỗ trợ. Tất nhiên, nhân viên nhà mạng cần phải đi cùng công an khu phố hay tổ trưởng dân phố.
Cục Viễn thông vừa tổ chức cuộc họp trao đổi thông tin về kế hoạch triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao. Lần này, các thuê bao đang sử dụng các SIM mà không có thông tin nhân thân hợp chuẩn và trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa tiến tới thu hồi.
Cục Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện phải bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, tránh làm ảnh hưởng đến các thuê bao đã có thông tin đúng quy định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ trong việc phối hợp chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Các nhà mạng cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dùng, cảnh báo khách hàng để tránh việc kẻ xấu lợi dụng mạo danh nhắn tin với nội dung tương tự để lừa đảo, đánh cắp thông tin.
Cơ quan chức năng quản lý đã vào cuộc quyết liệt và các nhà mạng cùng hành động, cuộc chiến chống SIM rác dù khó lòng xóa triệt để nhưng có thể giảm mạnh.
Ở nhiều nước, SIM phải đăng ký bằng tên thật
Ở nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore..., SIM chỉ bán cho người có giấy tờ cá nhân hợp lệ (với du khách là hộ chiếu).
Hồi tháng 2 năm nay, nhà chức trách Trung Quốc quy định tất cả thẻ SIM tại đặc khu Hồng Kông phải đăng ký bằng tên thật, có đủ thông tin như ngày sinh và số chứng minh thư. Kênh Fox Business cho biết theo quy định mới này, những số điện thoại không liên kết với danh tính của một người sẽ bị vô hiệu hóa.
Trước đó, tháng 6-2021, Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra quy định kể trên, chưa đầy 1 năm sau khi thực thi Luật An ninh quốc gia. Quy định nhắm vào phần lớn người dùng điện thoại di động ở Hồng Kông, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9-2021.
Người dùng được yêu cầu đăng ký thẻ SIM bằng tên thật với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông từ ngày 1-3-2022. Tại đặc khu này, ước tính hơn 9 triệu người đang sử dụng thẻ SIM trả phí hằng tháng, được ký với nhà mạng.
Các thẻ SIM đó cũng là hình thức nhận dạng danh tính cần thiết, đồng thời là một trong những biện pháp giúp chống lại việc tội phạm sử dụng thẻ SIM rác để lừa đảo nhằm tránh bị phát hiện.
Để tạo điều kiện cho việc triển khai quy định thẻ SIM phải đăng ký bằng tên thật, chính quyền Hồng Kông đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ở 25 trạm tàu điện ngầm và 18 bưu điện được chỉ định trên toàn đặc khu.
Tổng Giám đốc Cơ quan Truyền thông Hồng Kông Leung Chung-yin cho biết tính đến ngày 21-2-2023, khoảng 12 triệu thẻ SIM ở Hồng Kông đã được đăng ký theo quy định mới.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đề nghị China Unicom - nhà khai thác viễn thông thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc - thu thập thông tin nhận dạng của những người sử dụng dịch vụ di động ở nước này.
Theo trang Tech In Asia, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) từng đặt mục tiêu tất cả người dùng ở Trung Quốc sẽ sử dụng thẻ SIM đăng ký bằng tên thật trong điện thoại di động của họ đến ngày 30-6-2017. Tuy nhiên, vì một số lý do, mục tiêu đó vẫn chưa đạt được cho đến nay.