Loại quả này là sầu riêng , được mệnh danh là "Vua quả" của Việt Nam.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 9 năm 2024, sản lượng sầu riêng của Việt Nam đạt 984.800 tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, tháng 10 mới bước vào vụ thu hoạch sầu riêng tại các vùng trồng có sản lượng lớn ở nước ta, như Lâm Đồng, Gia Lai. Ngoài ra, vào các tháng cuối của năm nay, sầu nghịch vụ tại các tỉnh miền Tây cũng sẽ được thu hoạch.
Do đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính tổng sản lượng sầu riêng của Việt Nam có thể đạt trong năm nay lên tới trên 1,2 triệu tấn. Bên cạnh việc phục vụ cho nhu cầu tại thị trường nội địa, có lượng rất lớn sầu riêng sẽ được dùng để xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Quốc, Thái Lan…
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, trong tháng 9 vừa qua, xuất khẩu sầu riêng của nước ta đã chiếm tới 65% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt 2,7 tỷ USD. Đây là kỷ lục xuất khẩu chưa từng có đối với một loại trái cây của Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, sầu riêng của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn ở thị trường chính là Trung Quốc. Do đó, đây là thời điểm để nước ta đẩy mạnh việc hình thành các mô hình sầu riêng bền vững.
Việt Nam tăng nhập khẩu sầu riêng
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam chi gần 9 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng đột biến 1.057% so với cùng kỳ năm ngoái , tức là gấp gần 11,6 lần. Những loại sầu riêng được nhập khẩu về nước ta là từ Thái Lan, Malaysia.
Trên thực tế, tại Việt Nam, ngoài sầu riêng Việt, tại các cửa hàng cũng bày bán nhiều loại sầu riêng nhập khẩu từ các nước như Thái Lan và Malaysia, với giá đắt đỏ. Chẳng hạn, sầu Fumoni có giá 200.000 -340.000 đồng/kg, sầu Kanyao giá dao động từ 430.000-700.000 đồng/kg, sầu Musang King giá 650.000-900.000 đồng/kg sầu riêng; Black Thorn có giá 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg…
Theo các đầu mối bán sầu riêng nhập khẩu, giá của mỗi loại sầu riêng còn phụ thuộc vào việc chúng là hàng loại 1 hay loại 2. Hơn nữa, giá sầu riêng đắt hay rẻ còn phụ thuộc vào việc di chuyển. Cụ thể, sầu riêng được vận chuyển bằng máy bay sẽ có giá đắt hơn so với đường bộ và đường biển. Nguyên nhân là thời gian vận chuyển càng ngắn thì sầu riêng càng tươi ngon.
Theo các chuyên gia, việc nhập khẩu sầu riêng ngoại là do nhu cầu tiêu thụ trong nước. Việc này cũng không làm ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu "vua quả" của nước ta.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, sầu riêng là loại trái cây mang lại những kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ. Dù chính vụ sẽ kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn có hàng trái vụ. Điều này giúp dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay của nước ta có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD. Đây là một con số mà hiếm loại trái cây nào đạt được.
Sầu riêng duy trì mức giá cao
Tại Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sầu riêng Ri6 có mức giá dao động từ 50.000 đồng/kg – 110.000 đồng/kg, tùy thuộc vào loại A, B, C. Tương tự, ở khu vực miền Đông Nam Bộ, loại sầu riêng này cũng được bán với mức giá từ 90.000 – 95.000 đồng/kg.
Tại khu vực Tây Nguyên, giá sầu riêng Ri6 chỉ ở mức từ 57.000 – 59.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với sầu riêng Thái đẹp ở khu vực này lại được bán với mức giá từ 94.000 – 100.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, dự báo giá sầu riêng sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định trong ngắn hạn, với sự điều chỉnh nhẹ. Điều này tùy thuộc vào nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ. Đáng chú ý, sầu riêng tại khu vực Tây Nguyên có khả năng duy trì ở mức giá cao, nhờ có chất lượng vượt trội cũng như nhu cầu lớn từ những thị trường xuất khẩu.
Sầu riêng có nguồn gốc từ Đông Nam Á, chủ yếu được trồng ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Loại quả này có vỏ ngoài cứng, bao phủ bởi gai, có hình dạng cũng như kích thước khác nhau tùy thuộc từng loại.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt Việt Nam, diện tích trồng sầu riêng của nước ta năm 2021 là 84.800 ha. Đến năm 2023, diện tích trồng sầu riêng tăng hơn 110.000 ha, với sản lượng khoảng trên 1.000.000, tấn tăng 30% so với năm 2021.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế, như sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm và thời gian vận chuyển nhanh, có giá thành hợp lý.