Chưa từng có: Một DN đầu tư 1.500 tỷ làm băng tải dài 6km, chuyển than vượt biên giới từ Lào về Việt Nam

Pha Lê |

Thời gian hoạt động của dự án là 30 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

* Tuyến băng tải có tổng chiều dài 6.115 m (hơn 6km)
* Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 1.489 tỷ đồng

Hệ thống băng tải gần 1.500 tỷ

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị vừa xác nhận thông tin về việc ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn qua địa bàn xã A Ngo, huyện Đakrông đối với Công ty TNHH Nam Tiến.

Được biết, việc xây dựng hệ thống băng tải than cắt qua đường biên giới tại cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) - La Lay (Salavan, Lào) là dự án chưa có tiền lệ. Mục tiêu của dự án là để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ than trong nước, phục vụ phát triển ngành kinh tế; đồng thời giảm áp lực thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế La Lay, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Quốc lộ 15D.

Điểm đầu của hệ thống băng tải là đường biên giới Việt Nam - Lào đến trạm chuyển tải TKB2 (phía Việt Nam), điểm cuối tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Việt Nam (thôn A Đeng, xã ANgo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).

Dự án đầu tư xây dựng tuyến băng tải với tổng chiều dài 6.115 m (hơn 6km), sử dụng hơn 23ha đất. Công suất thiết kế 30 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 là 15 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 là 15 triệu tấn/năm.

Chưa từng có: Một DN đầu tư 1.500 tỷ làm băng tải dài 6km, chuyển than vượt biên giới từ Lào về Việt Nam- Ảnh 1.

Than từ Lào về VN đang được vận chuyển bằng xe tải. Ảnh: VnEconomy.

Theo tiến độ thực hiện dự án được đề ra, ở giai đoạn 1 nhà đầu tư sẽ hoàn tất các thủ tục để quý 1/2025 khởi công dự án, đến quý 4/2026 tổ chức nghiệm thu đưa vào hoạt động. Ở giai đoạn này, chủ đầu tư sẽ đầu tư tuyến băng tải có năng suất vận chuyển 3.000 tấn/giờ (tương đương 15 triệu tấn/năm). Tuyến băng tải được bố trí gồm 2 băng tải công suất mỗi băng là 1.500 tấn/h nằm song song trên hệ thống cột, dàn, cầu đỡ chung.

Giai đoạn 2 sẽ khởi công vào quý 2/ 2030 và đưa vào hoạt động quý 4/2031. Chủ đầu tư sẽ đầu tư bổ sung tuyến băng tải có năng suất vận chuyển 3.000 tấn/giờ (tương đương 15 triệu tấn/năm), chạy song song và gần sát với tuyến băng tải giai đoạn 1.

Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 1.489 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 297,85 tỷ đồng, chiếm 20% giá trị tổng mức đầu tư dự án; vốn vay từ các ngân hàng thương mại là 1.191,41 tỷ đồng, chiếm 80% giá trị tổng mức đầu tư. Thời gian hoạt động của dự án là 30 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Theo chia sẻ trước đó, tại cuộc họp để nghe báo cáo tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam do UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hồi tháng 5/2023, phía Nam Tiến cho biết, băng tải sẽ được thi công đặt trên các trụ đỡ, khoảng cách tiêu chuẩn giữa các trụ đỡ là 24m. Kết cấu trụ đỡ và cầu dàn băng tải bằng thép; chiều cao trụ đỡ từ 5 - 20m tùy địa hình.

Về phía Quảng Trị, tỉnh này cho biết, khi thực hiện dự án, nhà đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, thuế sử dụng đất đối với dự án đầu tư mới thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tỉnh kỳ vọng, khi dự án đi vào hoạt động sẽ giảm áp lực thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông) và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Quốc lộ 15D.

Chưa từng có: Một DN đầu tư 1.500 tỷ làm băng tải dài 6km, chuyển than vượt biên giới từ Lào về Việt Nam- Ảnh 2.

Trong năm 2023, Quảng Trị nhập khẩu 2,2 triệu tấn than đá từ Lào. Ảnh: Quang Thành

Chân dung doanh nghiệp làm băng tải chuyển than từ Lào về Việt Nam

Công ty TNHH Nam Tiến có địa chỉ trụ sở tại tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Đây là doanh nghiệp với kinh nghiệm 18 năm trong ngành khai thác quặng kim quý hiếm...

Doanh nghiệp được Sở KH&ĐT Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 22/03/2006, cấp thay đổi lần thứ 12 ngày 7/6/2024. Ông Phan Thế Nam (SN 1973, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm người đại diện pháp luật.

Trong vòng 3 tháng từ tháng 4 - 6/2024, doanh nghiệp này đã 2 lần tăng vốn điều lệ. Trong đó, ông Phan Thế Nam góp 96,7% vốn điều lệ, 3,3% còn lại của ông Nguyễn Văn Đại.

Theo thông tin đăng tải trên tờ Vietnamnet, Sở Tài chính Quảng Trị cho biết, Công ty TNHH Nam Tiến đã cung cấp báo cáo tài chính năm 2022 và năm 2023, đã được kiểm toán độc lập.

Theo báo cáo, tính đến hết ngày 31/3/2024, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp là 384,3 tỷ đồng, trong đó vốn góp 268 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty là 46,3 tỷ đồng. Vốn lưu động còn lại là 227,5 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương đương tiền của doanh nghiệp đạt 70,8 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn phải trả 1.232,5 tỷ đồng; hàng hóa tồn kho 193,6 tỷ đồng; tỷ lệ nợ phải trả /vốn chủ sở hữu 3,27 lần.

Nam Tiến cũng góp mặt trong liên danh nhà đầu tư gồm Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn; Công ty TNHH Nam Tiến và Công ty TNHH Phonesack Việt Nam đã được UBND Quảng Trị tỉnh chấp thuận cho lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đối tác công tư (PPP) dự án đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư đưa ra 3 phương án gồm: phương án 1 có chiều dài 42,11km với tổng mức đầu tư 3.995 tỷ đồng; phương án 2 có chiều dài 42,18km, có hầm với tổng mức đầu tư 5.686 tỷ đồng và phương án 3 có chiều dài tuyến 43,08km, thiết kế 2 hầm với tổng mức đầu tư 7.165 tỷ đồng. Nhà đầu tư đề xuất lựa chọn phương án 1 vì mức đầu tư thấp nhất, thời gian thu hồi vốn ngắn nhất (gần 19 năm).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại