Đền chùa thường được đặt tại các vùng đồng bằng bằng phẳng, rộng rãi để người dân dễ dàng lui tới chiêm bái, tuy nhiên, có một ngôi chùa đặc biệt ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc lại chọn cho mình vị trí tọa lạc "cheo leo" trên vách núi cao 80m so với mặt đất - tương đương với chiều cao một tòa nhà 20 tầng.
Chùa Cam Lộ Nham (甘露岩) ẩn mình trong một hốc đá tự nhiên. Toàn bộ ngôi chùa chia làm 4 phần, trong đó, phần giữa được chống đỡ bằng cây cột gỗ linh sam cao 30m, các phần còn lại xây tựa vào vách đá. Công trình này được lát gạch đỏ uy nghi, thể hiện rõ phong cách kiến trúc của triều đại nhà Tống.
Toàn cảnh chùa Cam Lộ Nham nhìn từ trên cao. Ảnh: Ecns.cn
Có thể thấy rõ việc xây dựng một ngôi chùa trên vách đá là không hề dễ dàng nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn chính là toàn bộ công trình này khi thi công không sử dụng tới một chiếc đinh nào. Thay vào đó, các kiến trúc sư cổ đại đã ứng dụng triệt để kỹ thuật ghép mộng gỗ để các phần của công trình kết nối bền chắc với nhau, không cần vật dụng trung gian.
Người xưa sử dùng đục để đục phần gỗ thừa để tạo thành một bên lồi (凸) gọi là "mộng" và một bên lõm (凹) gọi là "lỗ mộng". Lúc này, đầu khúc gỗ sẽ có hai phần thừa thiếu vừa đủ để ôm khít vào nhau.
Kỹ thuật ghép mộng gỗ vừa giữ được các kết nối vững chắc, bền đẹp qua thời gian, vừa thể hiện triết lý "âm dương", phong thủy vô cùng sâu sắc.
Điều này khiến hậu thế phải thán phục sự tài tình của các kiến trúc sư cổ đại bởi trong thời đại không có công nghệ, họ chỉ dựa vào bàn tay, khối óc mà tính toán chính xác từng chi tiết nhỏ cho cả công trình vĩ đại.
Kỹ thuật ghép mộng gỗ được ứng dựng khi xây dựng toàn bộ công trình. Ảnh: Sohu
Tuy xây dựng vất vả là vậy nhưng vị trí trên vách đá cheo leo của chùa Cam Lộ Nham cũng phát huy những ưu thế nhất định. Do toàn bộ hang động có hình tam giá ngược, phần vách đá bên trên nhô ra như một chiếc ô che chở nên ngôi chùa ít phải chịu ảnh hưởng từ nước mưa và đá rơi.
Nơi đây cũng nằm ở vị trí cao, thời gian chiếu sáng của mặt trời tương đối dài, lại tránh được nguy cơ ngập lụt do mưa lũ nên chùa luôn sáng sủa, khô ráo.
Cây cột duy nhất
Du khách đến chùa Cam Lộ Nham hành hương luôn muốn được ôm cây cột gỗ linh sam chống chùa với niềm tin rằng cây cột sẽ giúp những điều họ cầu mong trở thành hiện thực, đặc biệt là với những người hiếm muộn đến chùa cầu con. Truyền thuyết này vốn bắt nguồn từ những ghi chép cổ liên quan đến ngôi chùa.
Vào thời điểm mới được xây dựng, trong chùa Cam Lộ Nham có pho tượng Quan Âm Tống Tử, một vị Bồ Tát tay bồng đứa bé, phù hộ cho các gia đình về đường con cái, sinh con trai thì phức đức trí tuệ; sinh con gái thì đoan trang, chánh trực.
Cây cột chống duy nhất của công trình chùa Cam Lộ Nham. Ảnh: Sohu
Tương truyền có cặp vợ chồng họ Nghiệp lấy nhau đã lâu mà chưa có con nên tìm đến ngôi chùa cầu tự, hứa rằng: "Nếu có được một người con trai để hương khói thì sẽ dùng hết của cải, sức lực để mở rộng ngôi chùa này. Hang đá lớn bao nhiêu thì xây chùa lớn bấy nhiêu!"
Một năm sau, cặp vợ chồng quả nhiên hạ sinh được một người con trai, đặt tên là Nghiệp Tổ Hiệp. Nghiệp Tổ Hiệp từ nhỏ đã thông minh, lanh lợi, sau này lớn lên trở thành một trong những học giả hàng đầu của triều đại Bắc Tống.
Để thực hiện lời hứa năm xưa của cha mẹ, Nghiệp Tổ Hiệp đã đi tìm những kiến trúc sư hàng đầu đất nước về xây dựng ngôi chùa tại đây. Tuy nhiên, do địa thế vách núi quá dốc nên việc xây dựng gặp nhiều khó khăn, ngay cả kiến trúc sư hoàng đế cử tới cũng đánh phải bó tay.
Người dân xếp hàng ôm lấy cây cột để cầu mong phước lành. Ảnh: Sohu
Bỗng một ngày, vị kiến trúc sư có tên Chu Trước Đầu nhìn thấy một người tiều phu khiêng thanh gỗ vừa dày vừa nặng, đặt vững vàng trên một cái đinh ba hình chữ Y.
Nhận thấy thanh gỗ dù rất nặng nhưng vẫn đứng vững, không bị suy chuyển, kiến trúc sư họ Chu bỗng nảy ra ý tưởng sắp đặt ngôi chùa cân bằng trên núi đá giống như vậy. Ông cho xây một chiếc cột chống vững vàng từ gỗ linh sam và hai khu nhà của chùa tựa vào vách đá, tạo nên thế chùa ngày nay!
Từ đó trở đi đã gần 900 năm, công trình này vẫn đứng vững, chưa từng lay chuyển, khiến các kiến trúc sư hiện đại phải cúi đầu nể phục. Chùa Cam Lộ Nham cũng từ đó trở thành mảnh ghép tuyệt vời trong lịch sử kiến trúc Trung Hoa.
Bài viết tham khảo từ Sohu