Theo đó, từ nay đến năm 2025, 33% nguồn cung điện cho hệ thống điện quốc gia sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Đến năm 2025, sản xuất điện hàng năm từ năng lượng tái tạo kỳ vọng sẽ đạt khoảng 2,3 ngàn tỷ KWh, trong đó sản lượng điện gió và điện Mặt trời sẽ tăng gấp đôi.
Trung Quốc ước tính, chỉ cần tăng gấp đôi công suất điện gió và điện Mặt trời từ nay đến năm 2030, nước này sẽ thực hiện đúng cam kết theo Hiệp định khí hậu Paris. Nhưng nếu kế hoạch mới công bố được thực hiện đúng tiến độ, Trung Quốc có thể đạt mục tiêu này sớm hơn.
Trung Quốc, nước sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, đang đẩy nhanh đầu tư vào các dự án điện gió và điện Mặt trời để trở thành nước trung hòa khí thải carbon vào năm 2060. Đầu tư vào điện Mặt trời đã tăng gần gấp 3 lần trong 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, lên 29 tỷ nhân dân tệ (4,3 tỷ USD).
Tuy nhiên, chính sách năng lượng của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào than đá khi kế hoạch mới vừa công bố cũng cho phép có thêm các nhà máy điện chạy bằng than đá để tăng cường an ninh năng lượng.
Trong cuộc họp khẩn hồi tuần trước để giải quyết các vấn đề kinh tế, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh, than là cơ sở cho an ninh năng lượng của Trung Quốc, trong khi Ngân hàng trung ương chấp thuận khoản tín dụng 15 tỷ USD tài trợ cho các nhà máy chạy than và khai thác than.
Than đá đóng vai trò thiết yếu với an ninh năng lượng Trung Quốc khi chiếm tới gần 60% lượng tiêu thụ năng lượng của nước này. Để đạt được cam kết đến năm 2060 trở thành quốc gia trung hòa carbon, Trung Quốc cần phải cắt giảm trên 80% nhu cầu than đá và với kế hoạch vừa công bố.
Như vậy, cho dù có đẩy mạnh đầu tư cho năng lượng tái tạo thì việc chính phủ tài trợ cho các nhà máy chạy than và khai thác than đá cũng sẽ đẩy mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 của Bắc Kinh càng xa vời.