Tờ Lianhe Zaobao của Singapore mới đây đã đưa tin về một vụ việc lừa đảo hết sức tinh vi. Từ một cuộc gọi điện đến số máy bàn, cô gái bị lừa khoản tiền 120.000 SGD (đô la Singapore – tương đương 2 tỷ đồng) mà không hề hay biết. Kẻ lừa đảo cũng có cách che giấu manh mối rất tài tình, khi toàn bộ cuộc trò chuyện với nạn nhân đều bị xóa từ xa.
Trò lừa từ chiếc điện thoại cố định
You Mei Zhen bị đột quỵ vào tháng 5 năm ngoái khiến nửa người bị liệt và không thể đi làm.
Ngồi trên xe lăn, người phụ nữ 38 tuổi chia sẻ về việc cô đã nhận được một cuộc điện thoại qua máy điện thoại cố định tại nhà vào cuối tháng 4 năm nay. Người ở đầu dây bên kia tự xưng là nhân viên của một ngân hàng ở Thượng Hải.
Người này cho biết, ai đó đã sử dụng danh tính của You để đăng ký thẻ tín dụng, chi khoảng 40.000 nhân dân tệ để mua ngọc bích. Nhân viên ngân hàng sau đó chuyển cuộc gọi cho một người đàn ông tự xưng là cảnh sát ở Trung Quốc.
Ông hướng dẫn You hợp tác, đồng thời nhấn mạnh cô không được tiết lộ chi tiết vụ án trong quá trình điều tra.
Vài ngày sau, người đàn ông liên lạc với You, nói với cô rằng nghi phạm đã bị bắt và nghi phạm đã biển thủ khoảng 65 tỷ nhân dân tệ trong "quỹ cứu trợ dịch bệnh Covid-19".
Ông nói thêm rằng nghi phạm đã chuyển số tiền bất chính vào các tài khoản ngân hàng lừa đảo được mở bằng cách sử dụng thông tin cá nhân của người khác, đồng thời chia sẻ rằng You là một trong những "nạn nhân" này.
Sau đó, người đàn ông chia sẻ với You một số video được cho là quay cảnh những người đang đau khổ vì không thể nhận được trợ cấp từ quỹ đại dịch.
"Viên cảnh sát đã nói chính xác tên và số chứng minh nhân dân của tôi, đó là lý do tại sao tôi bị thuyết phục"- You nói với tờ Lianhe Zaobao.
Tiếp sau, một người phụ nữ tên là "Lu Xi" liên lạc với You. Lu tự xưng là phó giám đốc cục chống tham nhũng và tuyên bố các khoản tiền gửi trong tài khoản ngân hàng của You phải được xác minh để đảm bảo chúng không phải từ tiền bị đánh cắp.
Lu hướng dẫn You chuyển tất cả các khoản tiền trong tài khoản ngân hàng sang tài khoản ngân hàng UOB, để họ có thể "công chứng" số tiền ngay lập tức. Lu cũng bảo You tải xuống một số ứng dụng để họ thực hiện quy trình công chứng từ xa thông qua điện thoại di động của cô.
"Lu nói với tôi rằng cô ấy bị ung thư dạ dày, căn bệnh này cũng chính là căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của mẹ tôi", You nói.
"Cô ấy cũng nói có một cô con gái trạc tuổi tôi và thể hiện sự quan tâm đến tôi", You mô tả cách kẻ lừa đảo tạo dựng niềm tin trong mối quan hệ. "Tôi chưa bao giờ nghi ngờ cô ấy cả”.
Chiến thuật tinh ranh
Tin lời Lu, You đã qua mặt chính cha của mình và chuyển số tiền tiết kiệm trong tài khoản Ngân hàng ICBC chung của cả hai sang tài khoản UOB.
"Lu nói với tôi rằng trước tiên họ sẽ chuyển tiền ra ngoài để công chứng trước khi trả lại vào tài khoản"- You kể lại. Cô cho biết mình khi ấy "không nghĩ nhiều" vì chuẩn bị phẫu thuật võng mạc.
Sau ca phẫu thuật, You muốn rút một phần tiền tiết kiệm để mừng sinh nhật lần thứ 70 của cha. Cô đến một chi nhánh ngân hàng UOB vào ngày 17/6 để kiểm tra sổ tiết kiệm và đó là lúc cô nhận ra hơn 120.000 SGD (đô la Singapore – tương đương 2 tỷ đồng) đã được chuyển ra khỏi tài khoản, chỉ để lại khoảng 700 SGD.
Nói chuyện với một nhân viên ngân hàng, cô được cho biết số tiền đã bị chuyển ba lần trong khoảng thời gian từ ngày 26 đến ngày 29/5.
"Tôi không thể tin mình đã bị lừa đảo và đã không nói sự thật với cha tôi. Ông ấy không biết 100.000 SGD bị mất đó là từ khoản tiết kiệm lương hưu của mình”.
Sau đó, You nhận ra rằng các ứng dụng mà cô được hướng dẫn tải xuống cũng như các cuộc trò chuyện với "cảnh sát" và Lu đã tự động bị xóa sạch khỏi điện thoại.
Chỉ đến khi người cha phát hiện số tiền bị mất, You mới nói sự thật và thông báo cho cảnh sát.
"Cảnh sát nói tôi đã bị lừa đảo và những người đó không tồn tại. Đó là lúc tôi nhận ra sự thật", You nói.
Số tiền nói trên đã được cha You lên kế hoạch đi du lịch và tận hưởng thời gian nghỉ hưu, nhưng giờ tất cả đã tan tành.
"Sau cơn đột quỵ năm ngoái, tôi phải dựa vào đồng lương quản lý nhà kho của cha mình để tồn tại. Và bây giờ khi một phần lớn tiền tiết kiệm của ông ấy biến mất, tôi cảm thấy vô cùng tội lỗi”-You dằn vặt.
Cô lưu ý những kẻ lừa đảo đã sử dụng các chiến thuật mới bằng cách gọi vào số điện thoại cố định thay vì điện thoại di động. Cách làm này khiến nạn nhân tin tưởng hơn về việc đầu máy bên kia là cơ quan có thẩm quyền.
Kẻ gian cũng yêu cầu cô chuyển tất cả các khoản tiền gửi vào một tài khoản khác cũng như tải xuống các ứng dụng giúp chúng có thể bí mật kiểm soát điện thoại của cô.
"Tôi không nghĩ mình ngờ nghệch đến mức bị lừa đảo, thật khó để đề phòng những kẻ như vậy”,-You phân trần.