Bài viết dưới đây là chia sẻ của bà Trần kể về trải nghiệm của bà và chồng mình sau quãng thời gian đến ở lần lượt nhà của từng người con.
Khoảng cách thế hệ dẫn đến mâu thuẫn
Tôi năm nay vừa bước sang tuổi 67, còn ông xã đã chạm mốc 69. Chúng tôi có 2 người con, 1 trai, 1 gái đều làm việc và sinh sống ở thành phố hạng nhất. Cuộc sống nghỉ hưu của chúng tôi ở những ngày đầu khá thoải mái. Mức lương hưu đủ chi tiêu nên không áp lực tài chính. Vợ chồng tôi cũng không phải chăm cháu cho con. Hàng ngày, chúng tôi chỉ ra công viên tập thể dục, giao lưu với vài người bạn già rồi lo cơm nước, việc nhà.
Thời gian trôi qua, sức khoẻ của ông xã ngày càng sa sút, nhất là sau khi bị ngã cầu thang dẫn đến gãy xương. Kể từ đó, mọi công việc hàng ngày đổ lên vai tôi khiến cuộc sống của 2 vợ chồng già vô cùng khó khăn.
Ảnh minh hoạ
Nhận thấy không yên tâm, các con đề xuất đón chúng tôi lên thành phố để tiện chăm sóc. Ban đầu, vợ chồng tôi nhất định không đồng ý bởi hiểu được những bất tiện sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, sau vài lần các con đề xuất, chúng tôi đã gật đầu đồng ý. Tôi vẫn còn nhớ rõ gương mặt vui mừng của chúng khi nhận được sự chấp nhận từ bố mẹ. Không làm khó cả 2, vợ chồng tôi quyết định 6 tháng ở nhà con trai và sau đó lại chuyển sang nhà con gái.
Trong 3 tháng đầu tiên, cuộc sống của vợ chồng chúng tôi ở nhà con trai không có vấn đề gì. Con dâu rất hiếu thảo và luôn quan tâm chăm sóc đến bố mẹ chồng. Không chỉ được tẩm bổ bởi nhiều món ngon, các con còn bổ sung cho bố mẹ nhiều loại thực phẩm chức năng, các thiết bị máy móc hỗ trợ bảo vệ sức khoẻ.
Tuy nhiên, không khí vui vẻ này không kéo dài được lâu cho đến khi tôi dần can thiệp vào việc nhà của hai vợ chồng chúng. Thực tế, tôi chỉ đưa ra quan điểm của mình giúp ích cho các con. Nhưng có lẽ do khoảng cách thế hệ nên suy nghĩ cũng khác. Vì thế, chúng tôi nảy sinh những mâu thuẫn từ đó. Tôi và các con dần trở nên xa cách dù sống cùng một nhà.
Tự do là một loại hạnh phúc
Cảm thấy không được thoải mái, vợ chồng tôi lại khăn gói sang nhà con gái ở dẫu chỉ mới chỉ bước sang tháng thứ 5. Con gái và con rể đều bận công việc nên việc nhà thường do người giúp việc đảm nhận. Chính vì điều này, chúng tôi cũng chẳng có mâu thuẫn nào. Không những vậy, con rể còn là một người rất có trách nhiệm, luôn quan tâm, chăm sóc bố mẹ vợ bằng nhiều cách khác nhau. Thậm chí, các con thường tổ chức những chuyến đi dã ngoại để bố mẹ được ra ngoài và tận hưởng.
Tuy nhiên, trong một lần nghe được cuộc trò chuyện giữa con gái và con rể, chúng tôi biết rằng gia đình thông gia không mấy vui vẻ khi bố mẹ vợ đến đây sống. Trước đây, họ chưa từng đề cập muốn đến sống cùng con cái. Tuy nhiên, từ khi vợ chồng tôi đến đây, họ tuyên bố sẽ đến nhà con trai để ở. Dù con rể hứa sẽ tìm cách giải quyết nhưng chúng tôi chọn cách rút lui trước trước khi kết thúc 6 tháng ở nhà con gái.
Ảnh minh hoạ
Sau khi dọn ra nhà ở thuê gần đó, tôi và ông xã quyết định trở về quê. Dẫu phải tự lo cho mình và cuộc sống kém tiện nghi hơn nhưng chúng tôi cảm thấy thoải mái về mọi mặt.
Trải nghiệm này giúp chính tôi nhận ra chúng ta dành cả đời để tìm kiếm một điểm tựa là một ai đó. Nhưng cuối cùng, chúng ta đều phải thừa nhận rằng điểm tựa vững chắc nhất chính là bản thân mỗi người. Sự tự do và bình yên đó chỉ bản thân chúng ta hiểu được nó như thế nào.
Con cái dù thân thiết đến đâu cũng khó tránh khỏi những khác biệt. Mỗi người sống ở những giai đoạn cuộc đời khác nhau. Việc chung sống chắc chắn sẽ khó có thể hoà hợp.
Sống cùng con cái hay không không phải là yếu tố quyết định chất lượng cuộc sống khi về già. Đôi khi, được tự do lại là một loại hạnh phúc.
Tất nhiên, điều gì cũng có ưu và nhược điểm. Nếu sống cùng con cái, bạn chắc chắn sẽ phải chấp nhận những quan điểm sống, thói quen của lớp trẻ. Tuy nhiên, sống một mình được tự do, bạn lại cần tập quen với sự cô đơn.