Theo South Front, trong một tuyên bố mới đây, bà Ksenia Svetlova - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Israel lên tiếng thừa nhận, kể từ khi Nga cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Syria, chưa có một máy bay nào của Israel tiếp cận không phận quốc gia Trung Đông này.
South Front cho rằng, phát biểu của bà Svetlova một lần nữa khẳng định bản tin của Reuters là ví dụ điển hình cho kiểu "fake news" (tin giả).
Trước đó, hôm 29/10, Reuters dẫn nguồn tin giấu tin từ chính phủ Israel cho rằng các máy bay nước này vẫn tiếp tục tấn công nhiều mục tiêu ở Syria ngay cả sau khi chiếc máy bay trinh sát IL-20 của Nga bị bắn rơi hôm 17/9. Tuy nhiên, hãng tin này đã không đưa ra được bằng chứng nào rõ ràng rằng Israel vẫn tổ chức không kích sau thảm kịch khiến Nga "nổi trận lôi đình".
Kể cả nếu có thực hiện một phi vụ tấn công như vậy thì chắc hẳn Syria-Nga trong "cơn bùng nổ" rõ ràng phải lên tiếng phản ứng. Do đó, nhiều khả năng sau thảm kịch IL-20 mà đặc biệt là sự xuất hiện của S-300, Không quân Israel thật sự vẫn chưa tìm được "cửa vào" không phận Syria thoải mái như trước kia.
Thế nhưng, điều đó không có nghĩa người Israel sẽ "bó tay đầu hàng" và không bao giờ "quấy nhiễu Nga-Syria". Điều này ít nhất đang được thể hiện bởi các chính trị gia của nước này với các tuyên bố mạnh mẽ rằng sẽ "xóa sổ" S-300.
Thật vậy, mặc dù S-300 đang là "bức tường thành khổng lồ" bảo vệ Syria trước các đòn tấn công ngang ngược của Israe nhưngcần phải nhớ rằng, trong lịch sử của mình, Quân đội Israel mà nhất là lực lượng không quân nước này chưa bao giờ chịu đầu hàng nghịch cảnh, bất kể thách thức đó khó khăn tới cỡ nào.
Chiến công hiển hách
Tháng 5/1948, Không quân Israel (IAF) chính thức được thành lập với vốn liếng là một số máy bay cánh quạt thời chiến tranh thế giới II được các nước Tây Âu viện trợ. Mặc dù lực lượng lúc đó vô cùng non trẻ, IAF nhanh chóng giành được chiến thắng đầu tiên vào ngày 3/6/1948 trước Không quân Ai Cập.
Máy bay Ai Cập bị phá hủy ngay trên mặt đất trong chiến tranh 6 ngày.
Sau nhiều trận đánh nhỏ, tháng 6/1967 Không quân Israel vươn mình trở thành "ngôi sao sáng nhất trên bầu trời ngàn sao không quân thế giới" khi giành chiến thắng tuyệt đối trước Không quân Ai Cập trong chiến tranh 6 ngày.
Đúng 7h45 phút sáng ngày 5/6, toàn lực lượng không quân Israel gồm 196 máy bay chiến đấu đồng loạt xuất kích phá hủy phần lớn Không quân Ai Cập trên mặt đất. Theo các sử gia, chỉ trong một buổi sáng ngày định mệnh đó, Israel đã hủy diệt 450 máy bay các loại của Ai Cập, Syria, Jordan, Iraq, Lebanon mà chỉ mất có 19 máy bay.
Năm 1973, Không quân Israel lần đầu gặp phải "bức tường lớn" được Liên Xô giúp Ai Cập tạo nên. Có thể nói, sức mạnh của tên lửa SA-6 (hay tên gọi chính thức của nó là 2K12 Kub) được ví như S-300 hiện tại với nhiều công nghệ mới và đặc biệt tinh vi.
Nhờ sự có mặt của SA-6, Ai Cập lần đầu khiến Không quân Israel nếm mùi đau đớn khi để mất hàng chục máy bay (khoảng 40-65 chiếc) mà không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra.
Bị tên lửa Liên Xô cho một vố đau, tuy nhiên Không quân Israel không vì thế mà lùi bước, họ lao vào nghiên cứu và chỉ vài năm sau đã khiến Moscow "sốc nặng".
Ngày 9/6/1982, IAF khởi động chiến dịch Mole Cricket 19 với mục tiêu dập tắt hệ thống phòng không Syria được xây dựng bằng các hệ thống vũ khí tiên tiến của Liên Xô. Chỉ nội trong một ngày, IAF đã phá hủy 17 trong tổng số 19 khẩu đội tên lửa đất đối không (bao gồm cả "thần chết" SA-6), đó là chưa kể họ bắn hạ đến 90 máy bay MiG của Syria.
Israel đã khiến "3 ngón tay thần chết" SA-6 thảm bại trong cuộc chiến 1982.
Cuộc tấn công hủy diệt thực sự đã gây sốc cho chính quyền Tổng thống Assad "cha" lúc đó, Damascus trong cơn hoảng loạn vì không hiểu điều gì đã xảy ra ngay lập tức cầu viện Liên Xô. Tuy nhiên, lúc này Moscow không thể làm gì hơn, đơn giản là chỉ gửi thêm vũ khí trang bị cùng các chuyên gia cho Syria.
Đây được xem là lần đầu tiên trong lịch sử một lực lượng không quân trang bị vũ khí phương Tây phá hủy thành công các hệ thống tên lửa đất đối không do Liên Xô xây dựng.
Mặc dù đã diễn ra từ cách đây hơn 40 năm, thế nhưng cuộc chiến năm 1982 có cái gì đó cũng giống với cuộc chiến Syria hiện tại. Israel bây giờ cũng gặp phải "thử thách tương tự" như SA-6 năm 1973-1982.
Không bao giờ có chuyện Israel đầu hàng S-300!
Dẫu cho tới lúc này Israel vẫn chưa có bất kỳ sự thiệt hại nào về trang bị và nhân lực bởi tên lửa S-300.
Thế nhưng, một lực lượng không quân danh tiếng mà từ nay không thể tiến hành bất cứ chiến dịch nào nhắm vào mục tiêu số một của mình thì có khác nào đó là thất bại!
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, trong lịch sử, IAF thường xuyên tạo nên vô số "kỳ tích". Hiện tại, họ không hẳn là không có đủ vũ khí để làm nên điều bất ngờ.
Theo các thống kê không chính thức, IAF hiện có khoảng 300 máy bay chiến đấu, với đa phần là các máy bay tiêm kích "sừng sỏ" trên thế giới như F-15, F-16 và đặc biệt là 12 tiêm kích tàng hình F-35I (tương lai sẽ là 50 chiếc).
Các loại máy bay này đều có tính năng kỹ chiến thuật tiên tiến và nhất là trang bị vũ khí hiện đại bao gồm các loại bom thông minh chính xác cao GBU/Spice, tên lửa hành trình tầm xa tới vài trăm km như Deliah, tên lửa chống radar AGM-88 HARM "đã bắn là trúng".
Israel chắc chắn đang nghiên cứu cách hủy diệt S-300, họ nhất định không bao giờ chịu thua.
Ngoài vũ khí trang bị, điều quan trọng nhất IAF hiện sở hữu dàn phi công chất lượng, giàu kinh nghiệm. Phải nhớ rằng, các phi công Israel thường xuyên tiến hành nhiều phi vụ không kích Syria kể cả khi tên lửa S-400 được Nga đưa tới Khmeimim.
Nhìn chung, Israel có sự thuận lợi lớn về trang bị và con người, nhưng điều họ còn thiếu bây giờ là cách đánh. Làm thể nào để vượt qua hệ thống tên lửa S-300 cùng các hệ thống phòng không tầm thấp – tầm trung và dàn radar cảnh giới tối tân mà Nga đã cung cấp cho Syria?
Kể cả khi đã có cách đánh, một chiến thuật hoàn hảo, phải làm thế nào để xác định được nơi bố phòng S-300 cùng hệ thống hỗ trợ. Nên nhớ rằng S-300 "có chân", các hình ảnh vệ tinh gửi về có thể chỉ sau 1 ngày, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.
Và chắc chắn rằng, các hệ thống phòng không tự hành của Nga-Syria sẽ không "đứng làm bia" mà sẽ đáp trả quyết liệt bất cứ một cuộc không kích nào nằm trong vùng mà các khí tài này bảo vệ.
Đó là chưa kể Nga vẫn đang từng ngày hỗ trợ Syria xây dựng và hoàn thiện mạng lưới cảnh giới báo động sớm để buộc mọi "thế lực" không được phép biến bầu trời Syria trở thành "cái chợ".
Dẫu vậy, không có hệ thống vũ khí nào là vô đối, luôn có kẽ hở có thể tận dụng mà Không quân Israel suốt nhiều cuộc chiến đã chứng minh được. Thế nên, không sớm thì muộn Tel-Aviv chắc chắn sẽ có hành động, ngay lúc này và cả về sau, Moscow-Damascus chớ có chủ quan trước Không quân Israel "bất khả chiến bại".
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Chiến đấu cơ Israel - Mỹ hiệp đồng tác chiến