Điều 15 Nghị định 123/2015 quy định, UBND cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh, họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh của trẻ để trống.
Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì UBND kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Theo đó, họ của con sẽ theo cha hoặc mẹ căn cứ vào thoả thuận của cha, mẹ. Bởi vậy, nếu cha mẹ chưa kết hôn nhưng có thoả thuận con mang họ cha thì khi thực hiện đồng thời 2 thủ tục nhận cha con và đăng ký khai sinh thì trẻ hoàn toàn có quyền được mang họ của người cha.
Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm:
Tờ khai đăng ký khai sinh; Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định.
Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch.
Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con.
Theo đó, chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
Trường hợp không có văn bản trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất 2 người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Ngoài ra, người yêu cầu đăng ký khai sinh phải xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân.