"Nhờ ơn Thượng đế"
Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) đã bùng phát mạnh tại Trung Quốc và lây lan đến nhiều quốc gia trên thế giới trong vài tuần qua, đặc biệt là trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, Indonesia vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào trên lãnh thổ của mình, dù nước này có vị trí địa lý khá gần với Trung Quốc, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông).
Đối với các quan chức y tế Indonesia, thì đây vừa là tin mừng, lại vừa là áp lực. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Havard dựa trên xác suất toán học và các điểm đến du lịch đã kết luận rằng Indonesia nằm trong số các quốc gia có "nguy cơ", và đã đặt ra nghi vấn về số liệu do chính quyền nước này đưa ra.
Phản ứng trước kết quả nghiên cứu của Havard, Bộ trưởng Y tế Indonesia Terawan Agus Putranto cho biết: "Đó là nhờ ơn Thượng đế. Là do chúng tôi đã cầu nguyện. Chúng tôi đã cầu cho thứ đó [virus COVID-19] đừng đến Indonesia".
Bộ trưởng Y tế Indonesia Terawan Agus Putranto. Ảnh: Reuters
>> Việt Nam đang có những hành động quyết liệt nhằm ứng phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra như thế nào? Xem tại đây để hiểu đúng và cập nhật thông tin nhanh nhất.
Thực tế, sau khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại Trung Quốc, chính quyền Indonesia đã có các động thái phòng chống dịch tích cực như tăng cường giám sát dịch tễ và hủy các chuyến bay thương mại đến và đi tới Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, lời giải thích mang yếu tố tâm linh của Bộ trưởng Y tế nước này đã khiến giới chuyên gia y tế càng thêm lo ngại, đặc biệt là sau khi thế giới đã chứng kiến phản ứng của Indonesia trước các đại dịch SARS, Ebola và cúm gia cầm trước đó.
Hơn 10 năm trước, khi dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát tại Indonesia, nước này đã có gần 200 ca tử vong, với tỉ lệ tử vong lên đến 84%. Cuối cùng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải can thiệp.
"Hãy bảo Havard đến Indonesia đi"
Bộ Y tế Indonesia đã báo cáo về 62 trường hợp nghi nhiễm virus COVID-19. Một số trường hợp được xét nghiệm đều âm tính, tuy nhiên vẫn có những trường hợp chưa được xét nghiệm.
Đầu tháng này, chính phủ Indonesia cũng đã đưa 238 công dân của họ từ vùng tâm dịch Vũ Hán về nước và tiến hành cách ly trong vòng 14 ngày trên đảo Natuna theo khuyến nghị của WHO. Cuối tuần trước, nhóm này đã hết hạn cách ly và không có ai nhiễm bệnh.
Hiện tại, các quan chức Indonesia cũng đang nhanh chóng điều tra trường hợp của một du khách Trung Quốc nhiễm virus COVID-19 từng đến Bali và trở về Trung Quốc vào đầu tháng này.
Ảnh minh họa: Reuters
Giáo sư Marc Lipsitch, một thành viên của nhóm tác giả nghiên cứu nói trên, khẳng định rằng Indonesia rất có thể đã có trường hợp nhiễm virus COVID-19. Tuy nhiên, Bộ trưởng Terawan đã bác bỏ nhận định này, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực của ngành y tế cũng như sức mạnh của việc cầu nguyện.
"Hãy bảo Havard đến Indonesia đi. Tôi sẽ yêu cầu cho phép họ nhập cảnh để điều tra. Chúng tôi chẳng che giấu điều gì cả", ông Terawan nói.
Tại Indonesia, có rất nhiều "tin giả" lan truyền liên quan tới dịch bệnh do virus COVID-19, ví dụ như loại virus này lây truyền từ dơi, hay lây truyền qua bưu phẩm, qua đồ ăn Trung Quốc, qua hơi thở của người gốc Hoa... Cũng có nhiều "tin giả" về cách trị bệnh như dùng tỏi, nước nóng hay dầu gió.
Trước tình hình "tin giả" lan truyền nhanh hơn virus, lãnh đạo các tôn giáo tại Indonesia đã đặc biệt cảnh báo các giáo dân cần tỉnh táo trước các tin giả và biết cách kiểm tra lại thông tin, đặc biệt là các thông tin về nguyên nhân và cách trị bệnh.