Ngày 13/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố bản cập nhật mới của Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2020. IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Philippines từ mức 3,6% xuống -8,3%.
Điều này khiến Philippines trở thành quốc gia có mức sụt giảm GDP dự kiến sâu nhất năm nay trong số các nước ASEAN-5.
Tính toán theo dự báo của IMF, trong năm 2020 nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia. GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia với 336,3 tỷ USD.
Bên cạnh đó, GDP của Thái Lan đạt 509,2 tỷ USD tiếp tục là nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á, Indonesia tiếp tục giữ vững phong độ là nền kinh tế đứng đầu trong khu vực với quy mô 1088,8 tỷ USD.
Theo IMF, các số liệu này dựa trên giả định các quốc gia sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đến năm 2021 và cuối năm 2022, các ca nhiễm trên toàn cầu sẽ giảm.
Tuy nhiên, dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á ADB ngày 15/9 lại cho ra thứ hạng khác. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 là 1,8% cao hơn so với dự báo của IMF.
ADB phân tích rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang xảy ra từ Trung Quốc sang việt Nam; sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc và các hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Theo ADB Thái Lan là nền kinh tế có mức độ sụt giảm GDP sâu nhất trong khu vực Đông Nam Á là -8%, tiếp theo là Philippines với -7,3%.
Dự báo của ADB khiến quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2020 cao hơn so với dự báo của IMF cụ thể đạt 341,2 tỷ USD.
Tuy nhiên với dự báo này quy mô nền kinh tế Việt Nam chỉ vượt Malaysia và trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia (1094,1 tỷ USD), Thái Lan (501,7 tỷ USD), Philippines (368,8 tỷ USD), Singapore ( 349 tỷ USD).
Nhìn chung IMF và ADB đều đánh giá kinh tế Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng dương dao động trong khoảng 1,6% - 1,8% và Việt Nam sẽ vượt quy mô nền kinh tế với Malaysia.
Tổng kết 9 tháng đầu năm GDP của Việt Nam tăng trưởng 2,12% (yoy), thặng dư xuất khẩu đạt kỷ lục 17 tỷ USD, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tăng trở lại trong tháng 9, đạt 52,2 điểm so với 45,7 điểm của tháng 8.
Những dấu hiệu trên cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã và đang phục hồi ấn tượng sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.