Video: Chưa bao giờ nước mắt lại rơi nhiều đến thế vì người dân bị nạn bão lũ.
Bão số 3 (Yagi) với cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua đổ bộ các tỉnh miền Bắc từ ngày 7/9. Mặc dù các địa phương đã có sự chuẩn bị, ứng phó nhưng siêu bão để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề, bão lũ khiến 299 người chết, 34 người mất tích, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị ngập, hư hỏng.
Ngay lập tức tinh thần đoàn kết của người Việt thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Không chỉ bày tỏ sự xúc động, thương cảm, xót xa, rất nhiều người đã tự nguyện ủng hộ tiền bạc, đồ đạc, công sức để cứu giúp những người dân bị nạn trong bão lũ. Nhờ những sự giúp đỡ kịp thời mà người dân bị nạn trong bão lũ đã phần nào vượt qua hoạn nạn, sớm trở lại với nhịp sống đời thường.
Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính đến 17h ngày 18/9, tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương tiếp nhận tổng số tiền 1.432 tỷ đồng. Đó là những biểu hiện sinh động nhất trong tinh thần “Bầu ơi thương lấy bí cùng; tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”; “Lá lành đùm lá rách" của người Việt.
Trước, trong và sau bão, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và Nhân dân cả nước đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.
Cứu dân là ưu tiên cao nhất
Với tinh thần khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, quyết liệt tìm phương án ứng phó với diễn biến phức tạp của hoàn lưu sau bão, chiều 9/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất.
Tinh thần chỉ đạo thống nhất là toàn hệ thống chính trị và Nhân dân không được chủ quan, tăng cường cảnh giác, chủ động các phương án đối phó với diễn biến bất thường, nguy hiểm của thời tiết; huy động tối đa các nguồn lực để bảo đảm an toàn và ổn định đời sống của Nhân dân.
Tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động tối đa nguồn lực và các lực lượng để ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Trước mắt, các địa phương vùng bị ảnh hưởng bão hạn chế các hoạt động khác, tập trung cho việc cứu trợ, cứu nạn; triển khai các phương án tiếp cận người dân để hỗ trợ đồ ăn, nước sạch giúp đỡ người dân vượt qua thời gian khó khăn.
Theo người đứng đầu Đảng và Nhà nước, cần sử dụng các phương tiện, biện pháp để tiếp cận nhanh những vùng bị chia cắt do lũ lụt. Bên cạnh những việc đã phân công theo đúng chức năng, nhiệm vụ, từng bộ, ngành, địa phương, các lực lượng phải chủ động bám sát để thực hiện, không chờ đợi sự chỉ đạo, hỗ trợ.
Khi những dòng lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, gây thiệt hại nghiêm trọng tại vùng núi phía Bắc, trong ngày 12/9, các lãnh đạo chủ chốt đã trực tiếp đến những điểm nóng vùng “rốn lũ” hay nơi xảy ra trận sạt lở đất kinh hoàng… để sẻ chia với những mất mát của đồng bào, động viên các lực lượng cứu nạn, cứu hộ; kịp thời có những chỉ đạo sát sao với chính quyền, lực lượng chức năng.
Đến kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên Nhân dân vùng lụt, bão tại xã Trường Sinh (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), chiều 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ sâu sắc và mong muốn người dân tiếp tục đoàn kết hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Đảng, Nhà nước sẽ nỗ lực hết sức để sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh không chỉ với Tuyên Quang mà với cả các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão, cần xác định "cứu dân là ưu tiên cao nhất", "sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt" để triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi biện pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị rà soát, xác định ngay những điểm có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá, vỡ đê, ngập úng để di dời người dân đến nơi an toàn; thường xuyên phát hiện, cảnh báo người dân, bố trí lực lượng chốt chặn không để người dân đi lại, ở những nơi có nguy cơ cao; thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay những nguy cơ có thể xảy ra đối với hệ thống đê điều, hồ đập, cầu cống; có kế hoạch phân lũ trong trường hợp khẩn cấp để chủ động di dân…
Nước mắt lãnh đạo đất nước hòa với nỗi đau của Nhân dân
Để kịp thời triển khai chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành liên tiếp 9 công điện trước, trong và sau bão nhằm chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương ứng phó từ sớm, từ xa, kịp thời, quyết liệt, bao quát và hiệu quả. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ chủ trì nhiều cuộc họp trực tuyến với các địa phương.
Thủ tướng cũng phân công, thành lập các đoàn do các Phó Thủ tướng trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ở các địa phương...; quyết định lập Ban Chỉ đạo tiền phương để trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão.
Chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chống gậy lội bùn, cùng đoàn công tác vào thị sát hiện trường tại Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai), nơi vừa hứng chịu trận lũ quét, sạt lở đất vùi lấp cả làng.
Từ trung tâm huyện Bảo Yên, khi bắt đầu vào thôn Làng Nủ, Thủ tướng không ngồi xe vào Sở Chỉ huy ngay mà xuống đi bộ từ bên ngoài để khảo sát hiện trường, hỏi thăm từng người dân và động viên các lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
Chứng kiến cảnh hoang tàn, tang thương của bản làng dưới chân núi Con Voi sau trận lũ, khi phía sân nhà văn hóa thôn nhiều cỗ quan tài đợi khâm liệm các thi thể được tìm thấy, Thủ tướng bật khóc và nói hết sức đau lòng khi chứng kiến nỗi đau của người dân thôn Làng Nủ và sự vất vả của lực lượng tìm kiếm.
Nắm tay chia sẻ với từng người dân, Thủ tướng động viên bà con cố gắng vượt qua nỗi đau, sớm ổn định lại cuộc sống. " Thiên tai là điều không ai mong muốn, nhưng trời đã định rồi chúng ta không biết phải làm sao. Tôi mong bà con cố gắng vượt qua nỗi đau, sống thuận thiên và sớm ổn định cuộc sống. Chính quyền sẽ lo cho bà con nơi ở mới, và sẽ xong trước ngày 31/12 ", người đứng đầu Chính phủ động viên những người may mắn còn sống sót sau trận lũ dữ.
Hai ngày sau đó, tại Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi để nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng (sáng 15/9), người đứng đầu Chính phủ thêm một lần nữa nghẹn giọng, bật khóc khi đề cập tới sự tàn phá của bão dữ và những mất mát, thiệt hại của người dân, của đất nước.
" Chúng ta đã nỗ lực hết mình, tìm phương án tốt nhất trong các phương án có thể, chúng ta tìm cái còn trong cái mất..., song mất mát không gì có thể bù đắp được là tính mạng và tinh thần của người dân, những gia đình có người thân thiệt mạng ", Thủ tướng xúc động.
Tối cùng ngày, trong chương trình Điểm tựa Việt Nam được truyền hình trực tiếp trên VTV1, khi chứng kiến hoàn cảnh thương tâm của bé Nguyễn Quốc Bảo (8 tuổi) bị mất cả bố và em gái khi 3 người bị nước lũ cuốn trôi trong lúc đi xe máy qua cầu tràn thôn Cầu Treo (xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang), Thủ tướng ôm chặt cậu bé vào lòng.
Thủ tướng tặng Bảo chiếc cặp sách với mong muốn cậu bé mạnh mẽ tiếp tục đến trường. Bảo cũng chia sẻ ước mơ làm cảnh sát như Đại úy Lục Văn Nguyên (người trực tiếp cứu Bảo và nhận bé làm con nuôi). " Lớn lên con làm cảnh sát nhé ", Thủ tướng động viên Nguyễn Quốc Bảo.
Khẳng định rằng trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách, ai cũng cần điểm tựa, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về 6 "điểm tựa Việt Nam".
Điểm tựa thứ nhất là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Điểm tựa thứ hai là có Đảng lãnh đạo, và Đảng ta không có mục tiêu nào khác là giành độc lập, tự do cho dân tộc, chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Thứ ba là điểm tựa truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc; tinh thần "tương thân, tương ái", "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách".
Điểm tựa thứ tư là Nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh Nhân dân làm nên lịch sử vì "dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng qua".
Điểm tựa thứ năm là quân đội, công an. "Lúc cần, lúc khó có quân đội, công an"; "Quân đội ta từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu"; "Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Điểm tựa thứ sáu là tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc ta, của mỗi người khi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt qua giới hạn của bản thân, với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”.
Với những điểm tựa vững chắc ấy, Thủ tướng kêu gọi mọi người làm việc bằng hai, "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm" để khắc phục hậu quả siêu bão số 3, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Không để người dân nào bị đói
Trưa 12/9, ngay sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và chủ trì khai mạc phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thăm, động viên và kiểm tra tình hình và chỉ đạo khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Thăm hỏi và động viên Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương.
Trong đó, tiếp tục tập trung cao độ, huy động cả hệ thống chính trị để khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về người và tài sản.
" Kịp thời tổ chức cứu trợ người dân khu vực ngập sâu, tổ chức tốt các điểm di dân, cứu trợ, bảo đảm không có người bị đói, không có chỗ ngủ, không có nơi tránh trú an toàn, nhất là người già, trẻ em, các đối tượng yếu thế, không nơi nương tựa ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau khi nước rút, bảo đảm người dân sớm ổn định cuộc sống; thăm hỏi động viên gia đình người bị nạn, người bị thiệt mạng.
Đồng thời, nhanh chóng khắc phục thiệt hại bảo đảm cấp điện, kết nối thông tin liên lạc; khắc phục các đoạn đường sạt lở, sụt lún; kiểm tra lại hệ thống cầu đường trên địa bàn, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân; có cảnh báo vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ lụt, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tình huống bất ngờ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục sớm khắc phục các điểm trường ngập lụt, bảo đảm 100% các cháu ở các cấp học, từ mẫu giáo đến các cấp học đều được đến trường, sớm ổn định việc dạy và học ngay trong những ngày đầu tiên của năm học mới, quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên, hỗ trợ để các em sớm trở lại trường học.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cấp, ngành, chính quyền của tỉnh tổ chức ứng trực 24/24 giờ để nắm bắt tình hình để có biện pháp ứng phó kịp thời, không chủ quan, lơ là. Bên cạnh các nhiệm vụ đươc phân công, các cấp, các ngành, các lực lượng phải chủ động bám sát để thực hiện, không chờ đợi sự chỉ đạo, hỗ trợ...
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, sự chung tay đồng lòng của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành... và sự đoàn kết, tinh thần tự lực tự cường của mọi tổ chức, cá nhân, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng tỉnh Thái Nguyên sẽ sớm khắc phục các hậu quả thiên tai.
Tỉnh nhanh chóng giúp đỡ người dân sớm vượt qua khó khăn, đưa mọi hoạt động trở lại bình thường, ổn định an ninh, trật tự và kinh tế - xã hội của địa phương.
Thống kê sơ bộ của Chính Phủ đến ngày 17/9, bão lũ khiến 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; hơn 234.000 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị bị gãy đổ…
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão số 3.