"Chưa bao giờ nghĩ đột quỵ rơi vào mình": Tâm sự đầy hối hận của thanh niên 33 tuổi

Ngọc Minh |

Theo chuyên gia, các thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt đang khiến nguy cơ đột quỵ gia tăng ở người trẻ.

Bác sĩ Cường đang khám cho bệnh nhân, ảnh L.P.

Bác sĩ Cường đang khám cho bệnh nhân, ảnh L.P.

"Chưa bao giờ nghĩ đột quỵ sẽ rơi vào mình"

Trong quá trình khám và chữa bệnh, BSCKI Phạm Văn Cường, khoa Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), đã gặp không ít trường hợp bệnh nhân trẻ (chỉ mới hơn 30 tuổi) đã bị đột quỵ do duy trì thói quen xấu kéo dài.

Mới đây, bác sĩ Cường tiếp nhận một bệnh nhân 33 tuổi bị đột quỵ. Bệnh nhân kể hôm trước vẫn khoẻ mạnh, đi làm bình thường. Vào buổi tối đi làm về, bệnh nhân cảm thấy mệt, ăn uống, tắm rửa xong thì lên giường đi ngủ. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, bệnh nhân đã tê liệt nửa người.

Nam bệnh nhân được gia đình đưa tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu. Tại khoa Đột quỵ não, kết quả phim chụp cho thấy bệnh nhân có nhồi máu não. Khi được bác sĩ thông báo bị đột quỵ và đã qua giai đoạn 'vàng' can thiệp, bệnh nhân đã rất "ngỡ ngàng".

Bệnh nhân tâm sự với bác sĩ: "Sức khoẻ rất tốt nên chưa bao giờ nghĩ đột quỵ sẽ rơi vào mình. Khi đột quỵ đến tôi vẫn không biết vì sao tai ương ập đến với mình".

Theo bác sĩ Cường, khi vào viện, bệnh nhân đã được làm mọi xét nghiệm, kết quả có rối loạn mỡ máu, huyết áp hơi cao, còn mạch máu não và tim mạch không có vấn đề bất thường.

Tuy nhiên, khi bác sĩ khai thác sâu hơn tiền sử, bệnh nhân chia sẻ công việc của mình là làm chủ nhà hàng nên thường xuyên phải tiếp khách. Trung bình mỗi ngày, bệnh nhân uống khoảng 500-750ml/rượu với khách. Bên cạnh đó, mỗi ngày, bệnh nhân hút khoảng 2 bao thuốc lá.

Bác sĩ phân tích chính những thói quen xấu như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia đã khiến cho bệnh nhân tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu và xơ vữa mạch máu, dẫn tới đột quỵ. Khi đó, bệnh nhân mới hiểu rõ nguyên nhân và hối hận.

Bác sĩ Cường cho biết bệnh nhân này vào viện khi đã qua mất giờ 'vàng' can thiệp nên bác sĩ chỉ có thể điều trị nội khoa và phục hồi chức năng. Rất may mắn, sau một thời gian dài tập luyện, bệnh nhân đã phục hồi gần như hoàn toàn.

4 thói quen xấu làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ

Bác sĩ Cường phân tích căn bệnh đột quỵ não có 2 nhóm yếu tố nguy cơ:

- Nhóm yếu tố nguy cơ không thể thay đổi: Các bệnh lý mạn tính như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường,  rối loạn chuyển hóa lipid máu…

- Nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi: Những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày như hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, lười vận động, thức khuya, sử dụng các chất kích thích…

Chưa bao giờ nghĩ đột quỵ rơi vào mình: Tâm sự đầy hối hận của thanh niên 33 tuổi - Ảnh 1.

BSCKI Phạm Văn Cường

"Đối với nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được hiện nay, các bạn trẻ mắc phải rất nhiều. Ví dụ, tỷ lệ béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường… đang gia tăng ở người trẻ, nguyên nhân chủ yếu là do chế độ, thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học", bác sĩ Cường nói.

Bác sĩ Cường liệt kê ra 4 thói quen xấu thường gặp ở người trẻ Việt Nam làm gia tăng nguy cơ đột quỵ:

- Lạm dụng đồ uống có cồn: Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sử dụng đồ uống có cồn. Không hiếm để bắt gặp những hình ảnh người trẻ uống rượu bia tại nhà hàng, hè phố.

- Hiện nay, người trẻ Việt bị ảnh hưởng của lối sống Tây hoá. Do vậy, thức ăn nhanh được giới trẻ ưu thích sử dụng thường xuyên. Các loại thức ăn nhanh thường giàu chất béo, tinh bột, hàm lượng natri cao, ít chất xơ, vitamin và khoáng chất, nếu thường xuyên ăn sẽ ảnh hưởng rối loạn chuyển hoá lipid máu, tăng nguy cơ thừa cân béo phì, xơ vữa mạch máu, đột quỵ.

- Lười vận động, ít tập thể dục: Lối sống nhanh, ngồi nhiều khiến người trẻ ít vận động thể lực. Đó cũng là yếu tố thuận lợi phát sinh thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hoá khác trong cơ thể.

- Thói quen thức khuya, chơi điện tử, lướt web, làm việc và sinh hoạt không điều độ cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới huyết áp và sức khoẻ tim mạch.

Bên cạnh đó, những căng thẳng, áp lực trong công việc cũng là một điều kiện thuận lợi khởi phát đột quỵ khi người bệnh đã có sẵn nguy cơ cao.

Theo bác sĩ Cường, phòng ngừa đột quỵ không hề khó. Người có bệnh lý nền cần kiểm soát tốt bệnh lý đang có, kết hợp với  lối sống lành mạnh. Người trẻ cần giảm bớt các thói quen xấu, thậm chí phải từ bỏ thói quen như hút thuốc, lạm dụng rượu bia…, đồng thời tăng cường rèn luyện thể lực để có một sức khoẻ tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại