Những ngày này làng hoa Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) khá vắng vẻ, lái buôn lẫn khách mua hoa lẻ đều hiếm hoi. Chủ vườn than trời vì nguy cơ lỗ vài tỷ do nhập hoa ngoại mà không có khách mua.
Giữa những vườn hoa nở bạt ngàn nhiều màu sắc, hầu như không bóng người qua lại. Theo các chủ vườn, nếu không có dịch Covid-19, thời điểm cuối năm, làng Xuân Quan rất nhộn nhịp vì khách tứ xứ đến mua hoa trang trí dịp Tết Nguyên đán.
Còn năm nay, do dịch bệnh, mọi hoạt động văn hoá tập trung đông người đều tạm dừng, nhu cầu chơi hoa dịp Tết cũng giảm đi nên làng hoa bị ảnh hưởng rất nhiều.
Thiệt hại nặng nhất vẫn là những chủ vườn hoa nhập hàng ngoại về nhưng khách buôn hủy đơn, hoặc lấy rất ít. Nhiều thùng hoa còn không được mở ra để bán.
Cảnh vắng vẻ hiếm thấy dịp Tết ở chợ hoa Xuân Quan, Hưng Yên.
Chị Tuyên Tú (chủ một nhà vườn tại làng hoa Xuân Quan) ngậm ngùi chia sẻ: "Năm ngoái giờ này coi như bán hết sạch rồi, nhưng năm nay 25 Tết mà tôi mới bán chưa được 1/3.
Những năm trước toàn bán cả kiện, còn năm nay phải tháo ra bán lẻ vì dịch nên nhiều chủ buôn ở Quảng Ninh, Hải Dương không đến lấy hàng được. Nhiều tỉnh, thành cũng không bán được nên cũng không lấy nhiều. Nhà tôi năm nay dự tính lỗ một nửa vốn bỏ ra, ít cũng vài tỷ".
Rất ít khách đến mua hoa.
Ông Lê Mạnh Tuyến - Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho biết: "Dịch Covid-19 bùng phát trở lại gần dịp Tết đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân kinh doanh, sản xuất hoa cây cảnh ở địa phương.
Địa bàn xã Xuân Quan đặc thù phức tạp do nhiều khách hàng ở nơi khác về mua hoa cả sỉ và lẻ nên chúng tôi đã chủ động tuyên truyền phòng chống dịch đến từng hộ gia đình buôn bán hoa, yêu cầu mỗi nhà đều phải có khẩu trang, nước sát khuẩn để khi khách đến phải đảm bảo an toàn".
Hàng chục thùng mai nhật được chủ vườn nhập về nhưng không bán buôn được đành phải mở ra bán lẻ.
Hiếm hoi có một khách hỏi mua hoa, bà chủ một nhà vườn tiết lộ: "Bình thường mỗi chậu hoa Dạ Yến Thảo có giá 40.000 đồng nhưng năm nay chỉ bán được nửa giá. Thời điểm này năm ngoái, đây là loại hoa được chọn nhiều để trang trí ngoại cảnh, nhưng năm nay thì không mấy ai hỏi".
Gắn bó với nghề trồng hoa hàng chục năm nay, anh Phạm Văn Tiêm (chủ vườn hoa Minh Phúc) buồn rầu tâm sự, chưa năm nào anh lại thấy công việc vất vả như năm nay.
Ròng rã nhiều tháng trời để chăm sóc, vun trồng gần hàng nghìn chậu hoa cúc, hoa hồng, hoa ly,… tuy nhiên đến thời điểm này lượng hoa được thương lái đặt mua không đáng kể, chỉ khoảng 30%.
Lo lắng, tiếc công, anh Tiêm và gia đình đã tự mang hoa ra nhờ bán trước bãi đất của UBND xã Xuân Quan nhưng cả buổi mới có được vài khách vào hỏi mua.
Cảnh đìu hiu ở khắp các nhà vườn trong làng hoa Xuân Quan.
Dạo khắp các nhà vườn chỉ thấy lác đác vài khách mua hoa, không phải khách quen tìm đến mà do tiện việc đi qua khu vực này nên rẽ vào. Cả người bán, người mua đều tuân thủ quy định đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Không chỉ bị ảnh hưởng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, người trồng và bán hoa dịp Tết còn nỗi lo khác là tâm lý người mua chờ đến 30 Tết để chờ hạ giá. Tết Tân Sửu 2021 đang cận kề, với sức tiêu thụ như hiện nay, nhiều nhà vườn, tiểu thương bán hoa lo lắng nguy cơ "không có Tết".
Cả ngày chỉ có một vài xe về mua hoa buôn nhưng số lượng cũng rất ít.
Hàng nghìn giỏ hoa của anh Phạm Văn Tiêm đã được khách đặt mua nhưng cận Tết không thấy khách đến lấy.
Hàng trăm chậu hoa đào thất thốn nhập từ Trung Quốc để bán buôn nhưng khách không đến, chủ hàng phải bật thùng ra bán lẻ.
Các vườn hoa đang vào độ nở rộ nhưng vắng bóng người mua.
Các kiện hoa lan nhập ngoại nằm yên trong kho hàng dù Tết đã cận kề.
Chủ vườn ngao ngán trước cảnh vắng khách ngày cận Tết.