Chủ tọa xử gian lận điểm thi ở Hà Giang: "Không biết mà điểm tăng vù vù, nói phải có tính thuyết phục"

Hoàng Cư |

Khai trước tòa, ông Trần Hà Thắng, cán bộ Công an tỉnh Hà Giang nói nhờ đồng nghiệp "quan tâm" 4 thí sinh nhưng lại không biết khả năng người mình nhờ đến đâu.

Ngày 16/10, HĐXX TAND tỉnh Hà Giang dành toàn bộ thời gian xét hỏi những nhân chứng liên quan để làm rõ các tình tiết trong vụ án gian lận điểm thi, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh này.

Lời khai hài hước, thiếu thiết phục của cán bộ công an

Với tư cách là người làm chứng, ông Trần Hà Thắng (công tác tại Phòng PA03 - Công an tỉnh Hà Giang) cho biết, có quen bị cáo Lê Thị Dung (cựu cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang).

Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, ông Thắng đã nhờ bị cáo Dung quan tâm giúp đỡ 4 trường hợp gồm: em họ Hoàng Việt Hải (chiến sĩ công an nghĩa vụ); Nguyễn Khắc Cường; Hoàng Văn Thiện và Nguyễn Đức Anh.

Nói trước HĐXX, ông Thắng bảo nhờ bà Lê Thị Dung khoảng đầu tháng 6/2018 trong một chuyến đi qua đường đã vào nhà chơi, ông khẳng định khi nhờ thì không đưa tiền, vật chất gì.

Mục đích của ông Thắng là mong bà Dung có mối quan hệ tạo điều kiện cho các cháu thi. Khi HĐXX hỏi có biết số điểm các thí sinh nhờ vả được nâng bao nhiêu điểm, ông Thắng nói rằng không biết.

"Lúc nhờ tôi không hình dung là phức tạp như thế này, tôi chỉ nhờ mong giúp đỡ, tạo điều kiện chứ không đặt vấn đề nâng điểm, hay là gì đó, vì bản thân tôi không hề biết quan hệ của bà Lê Thị Dung này như thế nào", ông Thắng trả lời như vậy khi chủ tọa Vương Thị Thu Hà hỏi việc nhờ vả "giúp đỡ" như thế đúng hay sai.

Trước những câu trả lời không "hợp lý" của ông Thắng, chủ tọa Vương Thị Thu Hà bức xúc nói: "HĐXX giải thích cho anh biết, ở phiên tòa hôm nay, lát nữa còn nhiều người khác cũng không biết, không liên quan nhưng tôi giải thích cho anh biết, không có câu chuyện không đề cập, không trao đổi mà thi được nâng điểm cho nhiều thí sinh cao như vậy".

Chủ tọa xử gian lận điểm thi ở Hà Giang: Không biết mà điểm tăng vù vù, nói phải có tính thuyết phục - Ảnh 2.

Bị cáo Lê Thị Dung - người được cán bộ công an Trần Hà Thắng nhơ "giúp đỡ" 4 thí sinh. Ảnh: Hoàng Cư.

Khi chủ tọa vừa dứt lời, ông Thắng nói tiếp "tôi khẳng định trước tòa không có hứa hẹn gì, mà chỉ nói với bà Dung quan tâm, tạo điều kiện". Chủ tọa hỏi tiếp "theo anh thì khả năng của bà Dung quan tâm tạo điều kiện được đến đâu? Ông Thắng đáp lời "tôi cũng không biết khả năng bà Dung đến đâu".

"Không ai làm gì không có mục đích, khi làm là phải đặt vấn đề mong muốn nguyện vọng của mình là gì, phía bên kia trả lời có được không. Làm gì có chuyện trao đổi nhắn tin, gửi cho nhau tên, số báo danh thí sinh không thể nói không biết được. Không biết mà điểm tăng vù vù, nói phải có tính thuyết phục", chủ tọa Vương Thị Thu Hà đáp lại lời ông Thắng.

Cùng trong phần chất vấn này, một thành viên khác của HĐXX nói, "khi muốn nhờ ai giúp đỡ thì phải biết mình cần họ giúp gì, cụ thể việc gì, chứ nhờ không thì câu trả lời của anh nghe nó không thuyết phục".

Còn ông Thắng tiếp tục phân trần thêm khi nhờ bà Dung cũng chỉ nói "Ừ, tao biết thế, nếu giúp được gì tao giúp". Khi được HĐXX hỏi sau khi xảy ra sự việc xảy ra anh đã làm gì? Ông Thắng cho hay, đã chủ động báo cáo lãnh đạo và tới thời điểm hiện tại chưa bị kỷ luật gì.

Giải thích thêm về nội dung phần trả lời của cán bộ công an Trần Hà Thắng, chủ tọa Vương Thị Thu Hà nói "anh đã trả lời trước HĐXX, tuy nhiên có những nội dung chưa đảm bảo tính khách quan nên HĐXX cần phải làm rõ. Như lời trình bày của anh không có cơ sở nào khẳng định đó là lời khai đúng sự thật. Nói phải có sách, mách có chứng, phải khách quan".

Chủ tọa xử gian lận điểm thi ở Hà Giang: Không biết mà điểm tăng vù vù, nói phải có tính thuyết phục - Ảnh 4.

Luật sư Hoàng Văn Hướng. Ảnh: Hoàng Cư.

Tham gia chất vấn ông Thắng, luật sư Hoàng Văn Hướng (người bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính) phát biểu, "nhờ 4 người một cách vô tư như thế này tôi tạm thời tin ông, nhưng để minh bạch hơn cho ông, cho cả ngành công an, ông có thấy cần thiết kiến nghị mở cuộc điều tra với cái năng lực tố tụng của cơ quan trung ương không?" Ông Thắng trả lời, bản thân hoàn toàn tin tưởng vào thẩm phán tòa án, ông không kiến nghị.

Cán bộ công an bê hộ hòm đựng bài thi giúp bị cáo

Cũng trong phiên xét hỏi người làm chứng ngày 16/10, phát biểu trước HDXX, anh Nguyễn Thái Học (cán bộ Phòng PK02 - Công an tỉnh Hà Giang) cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 anh được phân công nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại trường THPT chuyên tỉnh Hà Giang, thời gian bảo vệ là 24/24. Anh và các đồng nghiệp được bố trí ăn nghỉ một phòng ngay tại trường.

Theo lời nhân chứng, khoảng 11h ngày 7/7/2018, bị cáo Vũ Trọng Lương vào phòng an ninh và nói: "chú là Phó trưởng Ban thư ký, thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, đến đây chuyển đồ về Sở GD&ĐT và nhờ mấy anh em chuyển hộ".

"Tôi đã giúp vận chuyển 2 thùng cac-ton và 1 màn hình máy tính nhưng không biết bên trong chứa gì. Tôi chỉ biết là bị cáo Lương bảo chuyển đồ về Sở GD&ĐT. Tôi không được phổ biến quy chế nên không biết việc đó là đúng hay sai", Nguyễn Thái Học nói.

Chủ tọa xử gian lận điểm thi ở Hà Giang: Không biết mà điểm tăng vù vù, nói phải có tính thuyết phục - Ảnh 5.

Toàn cảnh phiên xử ngày 16/10 chủ yếu chất vấn người làm chứng. Ảnh: Hoàng Cư.

Một người làm chứng khác là anh Vi Hoàng Hiệp (cán bộ Phòng PC07 - Công an tỉnh Hà Giang) thừa nhận có giúp Lương khiêng đồ xuống tầng 1 và đặt cạnh xe tải. Anh Hiệp cũng không biết đó là những tài liệu gì. 

Theo lời nhân chứng, ông Lương đến làm việc nhiều nên ai cũng biết mặt. Khi đến ông Lương đánh cả xe tải để chở đồ công khai nên không ai nghi ngờ gì. Mãi sau này anh Hiệp mới biết ông Lương chở bài thi, máy tính về Sở để sửa chữa, can thiệp nâng điểm cho thí sinh.

Còn cán bộ tên Lịch (công tác tại Phòng PA03 – Công an tỉnh Hà Giang) cho biết, anh được phân công bảo vệ ban in sao đề thi, giám sát toàn bộ các hoạt động của tổ xử lý bài trắc nghiệm. Theo lời cán bộ này, trưa 7/7/2018, Vũ Trọng Lương ngang nhiên đánh xe tải đến Trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang (nơi lưu trữ bài dự thi của toàn bộ các thí sinh).

Tại đây, Lương phá niêm phong cửa phòng, sau đó mở cửa phòng để vận chuyển 5 hòm đựng bài dự thi và máy tính sang Sở GD&ĐT. Việc vận chuyển này để Lương sửa bài thi sao cho trùng khớp với kết quả đã sửa trên phần mềm từ trước.

Trả lời HĐXX, anh Lịch cho biết thời điểm đó anh đang đi ăn trưa nên không để ý đến việc làm của Lương. Sau đó, khi ông Vũ Văn Sử (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục) phát hiện, phía Sở có yêu cầu sang chứng kiến, anh Lịch xác nhận chữ ký trên mẫu niêm phong cửa và hòm chứa bài thi không phải của mình.

Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc, thống nhất rồi đưa danh sách 93 thí sinh cho Vũ Trọng Lương sửa kết quả bài thi để nâng điểm. Ngoài ra, Lương còn trực tiếp nhận nâng điểm cho 14 thí sinh khác. Sau đó, một mình vị Phó trưởng phòng Khảo thí đã sửa kết quả 309 bài thi các môn để nâng điểm cho 107 thí sinh.

Bị cáo Phạm Văn Khuông đã cung cấp thông tin của con ông này để nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng thêm 13,3 điểm.

Cựu công an Lê Thị Dung có mối quan hệ quen biết nên nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh. Sau đó, 20 em này đều được nâng điểm.

Riêng bị cáo Triệu Thị Chính bị cáo buộc không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao và chuyển danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài nhờ nâng và xem điểm thi.

Cơ quan điều tra không thu thập được chứng cứ chứng minh có vụ lợi hay tiền bạc trong vụ án. Công an cũng đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không ai khai nhận đưa tiền hay vật chất để nhờ nâng điểm.

Bên cạnh đó, 2 bị cáo Hoài và Lương cũng không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do quen biết, bạn bè, người thân.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định được 210 người là bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm. Căn cứ lời khai, cơ quan điều tra đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo xử lý những phụ huynh này theo quy định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại