Chủ tịch xã "run" mỗi khi có số lạ gọi

Minh Anh |

Đây là thực tế mà ông Trần Quang Vinh đang phải đối diện trong hơn 20 ngày qua kể từ thời điểm người dân xã này đánh chìm một tàu nạo vét trên sông Hồng.

Sáng 6/5, phản ánh với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam cho biết, mỗi lần nghe điện thoại đổ chuông và hiện số lạ là ông phát run.

Nguyên nhân khiến người đứng đầu chính quyền cấp xã này lâm vào tình trạng nêu trên là do vừa qua trên địa bàn đã xảy ra vụ đánh chìm một tàu nạo vét đang thực hiện dự án nạo vét sông Hồng do Cục đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cấp phép.

Ông Vinh cho biết, ngày 16/4, trong khi liên ngành của huyện Lý Nhân trong đó đích thân Chủ tịch huyện là bà Ngụy Thị Tuyết Lan đứng trên bờ nhưng dưới sông người dân tổ chức đánh chìm tàu nạo vét.

Hiện trên sông Hồng đoạn chảy qua địa phương có một số đơn vị khai thác khoáng sản được UBND tỉnh Hà Nam cấp phép, một dự án nạo vét sông Hồng được Cục đường thủy nội địa cấp phép.

Chiếc tàu bị đánh chìm là của ông Trần Văn Thủy (Trung Hòa, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) là người được đơn vị thi công thuê thực hiện dự án nạo vét.

Chủ tịch UBND xã Chân Lý cho biết, hiện chiếc tàu chìm vẫn đang nằm ở dưới sông.

Ông Vinh khẳng định, xã không còn đủ thẩm quyền để giải quyết vụ việc vì các đơn vị khai thác thì do tỉnh cấp phép, chỗ còn lại là do đơn vị của Bộ GTVT cấp phép.

Theo quy định, đơn vị nào cấp phép thì mới có đủ thầm quyền để yêu cầu dừng hoặc chấm dứt hoạt động.

“Xã không đủ thẩm quyền nên mỗi khi người dân gọi điện đến yêu cầu giải quyết là tôi phát run” – ông Vinh chua xót nói.

Về tàu nạo vét bị chìm, ông Trần Văn Thủy, chủ tàu cho biết, ngày 15/3, công ty TNHH đầu tư và xây dựng Phú Hiệp Phát, có trụ sở tại số 34 ngõ 28 đường Tăng Thiết Giáp, Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội (Công ty Phú Hiệp Phát) liên hệ với ông đề nghị thuê Tàu cuốc và kèm theo công nhân vận hành để phục vụ thi công Dự án nạo vét, duy tu và cải tạo nâng cấp luồng đường thủy nội địa Quốc gia sông Hồng, đoạn qua địa phận xã Chân Lý (Lý Nhân, Hà Nam).

Công ty Phú Hiệp Phát đã cung cấp cho ông Thủy hồ sơ nạo vét, duy tu và cải tạo nâng cấp luồng đường thủy nội địa quốc gia sông Hồng.

Trong đó có văn bản của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) về việc“chấp thuận về chuẩn tắc nạo vét, duy tu, cải tạo, nâng cấp tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia - Sông Hồng, khu vực bãi Việt Hùng, Phạm Lỗ, Hà Nam và Bãi Chim”.

Văn bản của Bộ TN&MT đã “phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nạo vét, duy tu, cải tạo, nâng cấp tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia - Sông Hồng, khu vực bãi Việt Hùng, Phạm Lỗ, Hà Nam và Bãi Chim”.

Ngày 12/4, ông Thủy điều tàu về vị trí phân luồng có phao tiêu tại mốc giới MC195-MC229 đúng phạm vi luồng lạch và vị trí thi công theo hồ sơ nạo vét.

Tàu hoạt động bình thường từ ngày 12/4 đến 12h00 ngày 16/4 khi đoàn kiểm tra của UBND huyện Lý Nhân đến làm việc thì xuất hiện khoảng 20-30 người dân đi xuồng máy tràn ra sông, trèo lên tàu, đẩy tàu cuốc vào bờ.

Khoảng 10h00 ngày 17/4, hàng chục người lại ùa xuống, tiếp tục đập phá tàu, nhóm người này dùng gàu múc nước đổ vào boong, đập phá, tới khoảng 14h00 cùng ngày thì tàu chìm hẳn.

Ông Thủy cho biết, chi phí trục vớt sẽ không dưới 700 triệu và ông không có đủ khả năng để thực hiện việc này.

Theo ông Vinh, Chủ tịch UBND xã Chân Lý, hiện tình hình địa phương vẫn đang rất phức tạp cho nên UBND tỉnh Hà Nam đã cắm chốt một đoàn với đầy đủ lực lương, ban ngành trong đó có cả công an gồm 15 người tại khu vực xảy ra sự cố chìm tàu để bảo vệ hiện trường.

Tổ công tác này túc trực 24/24, và UBND xã phải nấu ăn hàng ngày để phục vụ tổ. Cũng theo ông Vinh, ngày 25/4, UBND tỉnh Hà Nam đã ra văn bản yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động trên khúc sông. Giao Công an tỉnh lập chuyên án điều tra vụ việc.

Và trong khi cơ quan chức năng cấp tỉnh đang vào cuộc thì Chủ tịch xã vẫn hằng ngày sống trong nơm nớp lo âu và run mỗi khi có điện thoại lạ gọi đến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại