Chủ tịch Vinamit - Nguyễn Lâm Viên. Ảnh: Người Đô Thị - Trung Dũng
Trong thời gian qua, khi miền Nam – đặc biệt là TP.HCM và Bình Dương bước vào giai đoạn căng thẳng nhất kể từ đầu dịch, như nhiều doanh nghiệp khác, Vinamit cũng bước vào giai đoạn sản xuất 3T.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bất ngờ nhất, thay vì kêu ca về chi phí sản xuất đội giá hay tinh thần bất ổn vì ở lâu trong nhà máy của nhân viên, Chủ tịch Vinamit - Nguyễn Lâm Viên lại nói về vấn đề test quá nhiều.
"Vinamit có nhà máy tại Bình Dương và không hiểu tại sao, ở đây chỉ công nhân chưa lập gia đình mới chịu đi làm và chấp nhận 3T, trong khi người có gia đình không muốn. Có lẽ, vì những người đó đã đi làm lâu năm và gia đình khá giả hoặc có điều kiện nên không thiếu tiền.
Hơn nữa, chính sách của tỉnh Bình Dương là ai đi làm thì không được trợ cấp, những ai ở nhà thì được, thêm nữa, Vinamit cũng có trợ cấp riêng; nên càng khiến nhiều người không muốn đi làm", ông Nguyễn Lâm Viên kể trong Tọa đàm "Kinh nghiệm sản xuất 3 tại chỗ" do BSA tổ chức.
Ngoài ra, Vinamit còn 1 nhà máy ở Kiên Giang và chính quyền tỉnh này duyệt 3T rất khó. Họ xem xét rất kỹ chỗ ăn - ở - sinh hoạt của doanh nghiệp, tất cả phải đạt tiêu chuẩn mà tỉnh này đề ra, thì mới được cấp phép cho sản xuất theo hình thức 3T.
Việc quy định mỗi nơi mỗi khác nhau, nhiều khi mang tính địa phương khó chịu, đang gây những cản trở nhất định cho doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Dù thế, Vinamit vẫn đang tìm cách trở lại.
"Chưa hết, nhà máy in chuyên in bao bì xuất đi Nhật cho Vinamit có 50% nhân viên nhiễm dịch bệnh, buộc phải đóng cửa; thế nên, cách đây vài hôm, tôi phải chỉ đạo nhân viên mang phôi của nhà máy in đó sang nhà máy in khác, để chúng tôi có thể tiếp tục sản xuất sản phẩm và xuất khẩu sang Nhật Bản", Chủ tịch Vinamit kể tiếp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lâm Viên, áp lực lớn nhất của họ vẫn là phải test và bị ngoáy mũi quá nhiều, đến nỗi khiến một vài nhân viên bị viêm mũi. Thế nên, khi thấy mình phải test nữa, có nhân viên đã chạy về nhà.
Test 1 tuần/1 lần đã không chịu nổi, vậy mà trong đợt 3T vừa qua, có lúc nhân công của Vinamit còn bị test 3 ngày/lần. Sau này, nếu có test 20%, xoay vòng một hồi thì kiểu gì tất cả mọi người cũng đều tiếp tục bị ngoáy mũi.
Nhà máy của Vinamit tại Bình Dương.
"Nếu Nhà nước đã khuyến khích doanh nghiệp sản xuất lại, mà chưa có sự thoải mái thì vẫn chẳng hiệu quả. Không nên chỉ vì một vài ca dương tính mà bắt cả nhà máy dừng hoạt động và phải làm sao để công nhân yên tâm vào nhà máy làm việc, đừng bắt họ ngoáy mũi quá thường xuyên như trước nữa.
Nhà nước không nên tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp, vì họ cũng tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong giai đoạn tới, khi chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục bị đứt gãy, chi phí sản xuất cao. Nhà nước hãy nới lỏng các điều kiện, đừng bắt doanh nghiệp 3T nữa, vì không ai chịu nổi nữa!", ông Nguyễn Lâm Viên khẳng định.
Dù gặp nhiều trắc trở là thế, song có lẽ như Vinamit, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành F&B vẫn đang tìm mọi cách và mọi giá để có thể hoạt động bình thường trở lại. Bởi sau mỗi đợt cách ly, mặt hàng thực phẩm và F&B luôn bán rất tốt.
Trước khi lock-down tuyệt đối, doanh số của Vinamit đã tăng tới 5 lần, chỉ sau khi Nhà nước cấm buôn bán toàn bộ, thì các cửa hàng và hệ thống phân phối của Vinamit mới đóng toàn bộ.
Vị Chủ tịch này cũng phân tích thêm: sau ngày 15/9, sau khi giãn cách được nới lỏng một chút xíu, Phúc Long mở cửa và chuỗi trà sữa này đã sập hệ thống đặt hàng online vì nhu cầu của khách hàng quá lớn sau thời gian bị dồn nén. Vinamit cũng vậy, họ nhận nhiều toàn đơn hàng lớn – vì 1 gia đình/1 người mua giúp cho nhiều gia đình/nhiều người, đồng thời vì khan hiếm shipper, nên công ty phải cử nhân viên của mình đi giao hàng.
"Nếu được mở cửa thoải mái, thì thị trường bán lẻ sẽ tăng trưởng rất tốt – nhất là sắp đến Tết, sau đó lại nói sau", ông Nguyễn Lâm Viên dự đoán.
Còn may mắn duy nhất với Vinamit trong thời gian vừa qua: là không ai tại nhà máy Bình Dương trong lúc thực hiện 3T dương tính với Covid-19; chỉ có 3 nhân viên tại khối văn phòng bị dương tính, song không ai có trở nặng hoặc có biến chứng gì nguy hiểm.
Và cũng theo ông Viên, có lẽ nhờ sức đề kháng của nhân viên Vinamit tốt. 3 năm trước, sau đợt khám sức khỏe, ông thấy có tới 50% cán bộ công nhân viên của mình đau dạ dày hoặc có bệnh trào ngược dạ dày; nên ông đã yêu cầu CBCNV ăn cơm tập thể tại công ty, trước khi ăn phải uống chế phẩm sinh học – nước mía lên men mà công ty sản xuất, để nâng cao lượng men tiêu hóa cùng sức đề kháng.