Kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội chiều 29/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành ủy đánh giá cao, ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng chống dịch của các sở ngành, quận huyện.
Trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục công tác tuyên truyền để người dân tham gia phòng chống dịch một cách tự giác hơn nữa. Người dân khi phát hiện thấy có các triệu chứng nghi ngờ, ho, sốt phải thông tin ngay đến lực lượng chức năng; duy trì việc đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn, rửa tay xà phòng, giữ khoảng cách…
"Đó là những việc phải trở thành thói quen, nếp sống và thường xuyên bắt buộc với tất cả mọi người, từ trường học đến công sở hay ngoài đường. Đây là yếu tố quyết định đến sự thành công hay không của việc ngăn chặn dịch bệnh quay trở lại", Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Về việc thực hiện Chỉ thị 07 của thành phố (cụ thể hóa Chỉ thị 19 của Thủ tướng), Chủ tịch UBND TP cho biết, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, trong tuần tới, lượng người tham gia giao thông sẽ tăng lên cũng như việc 1,4 triệu của học sinh sinh viên quay lại trường thì nguy cơ về dịch bệnh sẽ có khi ở các điểm dừng đèn đỏ (có nơi có thể lên tới cả nghìn người) khó đảm bảo giãn cách 1m.
Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ, việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 07 trong đó có việc nhóm cửa hàng không thiết yếu phải mở cửa sau 9h sáng. Khi đó sẽ có từ 600.000 - 800.000 người là chủ cửa hàng, kinh doanh, nhân viên phục vụ không tham gia giao thông giờ cao điểm, giúp giảm tải đáng kể lưu lượng. "Việc mở cửa sau 9h với các cửa hàng này trước mắt sẽ thực hiện đến 31/12/2020", Chủ tịch UBND TP nêu rõ.
Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải tuyên truyền vận động người dân, hộ kinh doanh không được lấn vỉa hè dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt là các quán trà đá, cà phê, bia hơi…
“Từ ý kiến của các chuyên gia, thành phố xem xét có thể nghiên cứu giãn cách giờ làm việc và cần có tính toán cụ thể, chi tiết…”, Chủ tịch UBND TP nói.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 42, Nghị định 41 và Quyết định 15, Chủ tịch UBND TP giao Chủ tịch UBND các các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm rà soát các nhóm đối tượng được bảo trợ trong giai đoạn này; đồng thời, khuyến khích các đơn vị tổ chức chi trả ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Chủ tịch UBND TP đặc biệt nhắc nhở, trong dịp nghỉ lễ, tất cả các đội phản ứng nhanh, các cấp đã được phân công phòng, chống dịch tại các địa phương cấp thành phố đến xã phường phải đảm bảo chế độ trực 24/24/7.
Thành phố kêu gọi và khuyến khích người dân phản ánh các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch trên ứng dụng Smart City; Chủ tịch UBND phường, Trưởng Công an phường, Thanh tra giao thông, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các trường hợp cửa hàng không thiết yếu mở cửa trước 9h sáng, các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường; tổ chức ứng trực giải tỏa giao thông tại các ngã tư, ngã năm…
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện Hà Nội có 112 ca mắc Covid-19 (84 trường hợp được công bố khỏi bệnh). 14 ngày qua, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới.
Tuy nhiên, Hà Nội là địa phương có nguy cơ vì còn ổ dịch chưa qua 28 ngày, mặt khác hiện nay đã nới lỏng giãn cách xã hội nên người dân ra đường đông hơn, nhiều người đến vui chơi, tập thể dục tại các vườn hoa, công viên, không đảm bảo khoảng cách tiếp xúc và vẫn còn những trường hợp không đeo khẩu trang, tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Vì vậy cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, dập dịch, điều trị bệnh nhân, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh.