Đợt dịch Covid - 19 lần này, Bắc Giang là một trong những tâm dịch của cả nước, bị ảnh hưởng rất nặng nề. Cả nước đã và đang chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Trong gian khó, tỉnh cũng đã có cách mới, chưa tiền lệ là thiết kế mô hình sản xuất an toàn, thích ứng với dịch. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã chia sẻ về nội dung này.
UBND tỉnh Bắc Giang đã cân nhắc rất kỹ khi quyết định tạm dừng và khôi phục lại sản xuất tại các KCN.
- Với phương châm “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, Bắc Giang đã quyết định khôi phục sản xuất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp. Đây là mô hình chưa có tiền lệ. Xin đồng chí cho độc giả biết rõ hơn về cách làm này?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương: Trong chống dịch, khi dịch ở giai đoạn đang bùng phát mạnh, việc đóng cửa các khu công nghiệp (KCN), dừng hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài KCN là một trong những biện pháp quan trọng để phòng, chống dịch, đặc biệt là khi dịch có nguy cơ lây lan với cường độ mạnh. Tuy nhiên, khi qua giai đoạn dịch bùng phát mạnh, chúng ta bước đầu kiểm soát được dịch thì cần phải tính đến việc khởi động lại chuỗi sản xuất với các lý do:
Chúng ta đưa sản xuất trở lại cũng chính là giải pháp để chống dịch bởi vì sản xuất trước dịch và sau dịch là hai mô hình khác nhau. Trước khi có dịch, chúng ta vẫn quan tâm đến công tác phòng dịch nhưng biện pháp chưa có thực tiễn, mới chỉ dừng lại ở việc phòng dịch trên lý thuyết, tức là chúng ta vẫn tính là phòng dịch ở xung quanh để dịch không lọt vào trong DN.
Ảnh 1: Đồng chí Lê Ánh Dương cùng đại diện một số sở, ngành nghe phương án phòng, chống dịch của Công ty TNHH Presicion Component. Ảnh 2: Xét nghiệm sàng lọc cho công nhân KCN tỉnh. Ảnh 3: Công nhân KCN được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Còn mô hình sản xuất bây giờ thì chúng ta đã có bài học thực tế là phòng dịch xung quanh DN vẫn không đủ, không hiệu quả mà phải phòng dịch ngay từ trong DN, bản thân mô hình sản xuất phải là mô hình có khả năng chống chọi được với cả dịch bệnh. Chính vì vậy, bây giờ chúng ta tổ chức sản xuất trở lại thì sẽ là mô hình mới để thích ứng với điều kiện có dịch. Khi chúng ta sản xuất trở lại sẽ giải quyết được nhiều bài toán quan trọng.
- Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về những bài toán quan trọng đó và cách làm, lời giải như thế nào?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương: Đó là chúng ta đưa được những người công nhân an toàn, qua nhiều lần xét nghiệm không nhiễm Covid- 19 từ nơi ở trọ đến KCN, nhà máy, qua đó giảm mật độ tập trung đông người ở khu dân cư, nhất là khu vực có nhiều nhà trọ. Tạo được công ăn việc làm cho công nhân tỉnh ngoài ở lại Bắc Giang chống dịch, giảm gánh nặng xã hội và áp lực hỗ trợ đời sống của địa phương.
Cùng đó khi đến nhà máy, họ vừa có công việc, có thu nhập lại vừa có môi trường an toàn và nhìn thấy tương lai. Do đó việc đưa công nhân, nhất là công nhân tỉnh ngoài quay lại DN không chỉ giải quyết vấn đề xã hội mà còn tư tưởng, tinh thần cho công nhân. Thực tế, ngay khi có thông tin các nhà máy được hoạt động trở lại, nhiều công nhân bày tỏ vui mừng, hưng phấn và thấy rằng những tháng ngày ở lại chống dịch với Bắc Giang có ý nghĩa và là quyết định lựa chọn đúng của họ. Hãy tưởng tượng, nếu họ ở mãi mà không quay lại sản xuất thì họ thấy rằng quãng thời gian ở đây là lãng phí, không có tương lai, từ đó nảy sinh những vấn đề tiêu cực về tư tưởng và vấn đề xã hội khác.
Bài toán thứ hai là, các KCN của tỉnh Bắc Giang nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những chi tiết, sản phẩm sản xuất tại Bắc Giang được cấu thành hoặc lắp ráp thành những sản phẩm toàn cầu đang sử dụng, từ điện thoại di động đến các chi tiết cho ô tô, tàu thủy cũng như nhiều loại máy móc, thiết bị khác. Nếu chúng ta dừng sản xuất quá lâu sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt đoạn chuỗi sản xuất toàn cầu. Khi đó không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của Bắc Giang mà cả các tỉnh lân cận, cả nước, thậm chí thế giới.
Dẫn chứng cụ thể, nếu Bắc Giang dừng quá lâu thì Samsung Bắc Ninh, Samsung Thái Nguyên sẽ không có chi tiết đầu vào và không thể cho ra các sản phẩm điện thoại, máy tính, ti vi được và sẽ phải cắt giảm sản lượng, đồng nghĩa phải cắt giảm công nhân, dừng sản xuất. Nếu chúng ta không sớm khởi động hoạt động của các KCN sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và cả nước. Đó là minh chứng cho thấy Bắc Giang nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu, không phải là nền kinh tế độc lập, khép kín. Do vậy việc khởi động lại các KCN càng sớm càng tốt, càng thuận lợi cho phát triển chung của đất nước và đóng góp vào thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển KT-XH".
- Khi quyết định cho DN hoạt động trở lại, tức là công nhân ở các địa phương, thậm chí là trong các khu nhà trọ, khu cách ly tập trung sẽ trở lại làm việc. Có thể nếu chúng ta kiểm soát không tốt sẽ dễ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động của DN thưa đồng chí?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương: Dưới góc độ của các chuyên gia chống dịch, họ đều đánh giá việc đưa công nhân từ xóm trọ, từ các gia đình ở vùng cách ly đến ăn, ở tại DN cũng là một hình thức cách ly để sản xuất.
Đây là hình thức cách ly an toàn hơn so với cách ly tại các khu phong tỏa và giảm gánh nặng cho Nhà nước bởi khi công nhân ra DN, DN sẽ có trách nhiệm chăm lo toàn diện, từ việc phòng dịch, xét nghiệm định kỳ đến việc chăm lo đời sống, thu nhập cho người lao động. Còn nếu công nhân ở tại địa phương thì địa phương phải lo.
Cho nên qua việc trở lại sản xuất cũng chính là đưa DN tham gia sâu hơn vào công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Thay vì đóng cửa nhà máy chờ xem sao thì giờ DN thực sự xắn tay áo vào làm cùng, chia sẻ khó khăn, gánh nặng đối với chính quyền.
Trong thực tế, công nhân ở trong DN sẽ an toàn hơn bên ngoài vì mô hình DN bây giờ khác với mô hình trước đây. Nếu trước đây phát hiện 1 trường hợp dương tính trong DN sẽ phải đóng cửa DN và cách ly hàng trăm, thậm chí hàng nghìn công nhân trong phân xưởng làm cùng. Nhưng bây giờ với mô hình sản xuất mới, DN sẽ chia nhỏ sản xuất và bố trí công nhân làm việc theo từng nhóm.
Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang lắp tấm lưới và rèm nhựa ngăn cách khu vực sản xuất giữa các công nhân để phòng dịch.
Ví như tại Công ty Hồng Hải đã thành lập các tổ an toàn Covid với 16 người cùng ăn, cùng ở, cùng đi xe, cùng làm một chỗ, nếu có bị nhiễm Covid thì cũng chỉ khoanh vùng, cách ly 16 người trong tổ, cả DN vẫn hoạt động bình thường.
Cùng đó, việc cách ly cũng được thực hiện ngay tại khu vực riêng trong DN, tránh lây chéo trong DN cũng như các DN khác. Do đó tỉnh rất tin vào hiệu quả và độ an toàn của mô hình này, dù nguy cơ xảy ra dịch vẫn còn song không thể bùng phát, lây lan rộng được.
Ảnh 1: Đồng chí tỉnh Lê Ánh Dương kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty TNHH Fuhong Presicion Component. Ảnh 2: Tiêm vắc - xin phòng dịch cho công nhân. Ảnh 3: Khu vực cổng vào Công ty New Wing Interconect Technology được khử trùng, bảo đảm an toàn dịch.
- Có ý kiến cho rằng, khởi động lại sản xuất của các DN trong KCN trong thời điểm dịch vẫn diễn biến phức tạp, số lượng ca F0 trên địa bàn tỉnh vẫn tăng là cách làm rất mạo hiểm. Xin Chủ tịch cho biết quan điểm về nội dung này?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương: Thực tế đây là mô hình mới, khác hoàn toàn mô hình cũ nên không thể coi việc khởi động lại các KCN trong thời điểm dịch vẫn diễn biến phức tạp là mạo hiểm được. Mô hình sản xuất mới này chính là pháo đài để chống dịch. Đây là một cách chúng ta chủ động tấn công dịch, xây dựng mỗi nhà máy là một pháo đài chống dịch, nơi đó sẽ bảo vệ công nhân, bảo vệ sản xuất, bảo vệ nền kinh tế. Mỗi nhà máy là một pháo đài chống dịch, cả KCN sẽ thành pháo đài lớn chống dịch. Đây chính là ý nghĩa quan trọng của việc đưa các KCN hoạt động trở lại.
Như thế không phải là quyết định mạo hiểm mà là giải pháp chống dịch, kết hợp hài hòa giữa chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch. Đây chính là chìa khóa để phát triển KT-XH trong điều kiện dịch vẫn còn diễn biến phức tạp bởi không ai dám chắc hết đợt dịch này sẽ không còn những đợt dịch khác. Vì thế chúng ta có bài học rồi sẽ không bao giờ để tái diễn việc bùng phát dịch ở mức độ như giai đoạn vừa qua.
Chính Bắc Giang sẽ đóng góp cho cả nước bài học trong ứng phó với dịch bệnh. Hiện Bắc Ninh và một số tỉnh cũng đã áp dụng theo mô hình của chúng ta. Mô hình này sẽ phát huy tác dụng trong giai đoạn mà chúng ta đang chống dịch, chưa tiêm phòng vắc- xin đại trà. Khi đã tiêm phòng vắc- xin đại trà, hình thành miễn dịch cộng đồng thì mô hình sẽ nới lỏng, dần dần quay lại guồng sản xuất như trước.
- Dịch Covid-19 lần này là đợt thứ tư xảy ra trong nước mà Bắc Giang là một trong những tâm dịch. Gần đây, dịch bùng phát ở TP Đà Nẵng vào giữa năm 2020 và tỉnh Hải Dương xảy ra đầu năm nay. So với các địa phương trên, đợt dịch này tại Bắc Giang có những điểm nào khác biệt ảnh hưởng đến các DN, KCN thưa đồng chí?
Ảnh 1: Công nhân Công ty TNHH Fuhong Presicion Component làm việc tại nhà xưởng bảo đảm giãn khoảng cách theo quy định. Ảnh 2: Khu nhà ăn của công nhân Công ty TNHH Fuhong Presicion Component. Ảnh 3: Xét nghiệm sàng lọc cho công nhân, khử khuẩn tại KCN tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương: So với một số địa phương từng có dịch, ở Bắc Giang có khác là các tỉnh, TP dịch chủ yếu ở cộng đồng, sau đó có nơi lan vào cụm công nghiệp song quy mô nhỏ. Ví như ở Đà Nẵng dịch từ trong bệnh viện lây ra bên ngoài nên truy xuất nguồn lây dễ hơn Bắc Giang.
Còn ở Hải Dương, dịch xảy ra ở một công ty nhỏ trong cụm công nghiệp nhỏ sau đó lây ra cộng đồng đúng thời điểm có nhiều sự kiện tập trung đông người, mật độ giao lưu cộng đồng nhiều nên lan ra các huyện. Tương tự, tại các địa phương khác cũng chỉ là các đốm dịch nhỏ trong cộng đồng nên dễ khống chế.
Ở Bắc Giang lại xuất phát từ trong KCN, quy mô lớn, nhất là có 4 KCN liền nhau. Nếu tỉnh không đóng cửa các KCN ngay thì không chỉ Quang Châu, Vân Trung mà hai KCN Đình Trám, Song Khê – Nội Hoàng cũng sẽ trở thành những ổ dịch. Cùng đó, thiết chế nhà ở cho công nhân của chúng ta hạn chế nên phần lớn công nhân ở tỉnh ngoài đến Bắc Giang ở trong các xóm trọ với mật độ dày nên dịch từ nhà máy lan ra cộng đồng rất nhanh, khó kiểm soát.
Ngày 8/6, các đại biểu cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều Bắc Giang tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế.
- Bên cạnh khôi phục sản xuất công nghiệp thì Bắc Giang cũng đang tập trung giải bài toán tiêu thụ nông sản trong dịch bệnh, nhất là vải thiều. Thưa đồng chí, các nhiệm vụ này đang được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện như thế nào để bảo đảm hoàn thành mục tiêu kép?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương: Cả hai nhiệm vụ khôi phục công nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở Bắc Giang đều được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ. Các tỉnh, TP cũng hỗ trợ đắc lực, tạo điều kiện cho phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông.
Nhận thức của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, TP đối với bảo đảm mục tiêu kép rất rõ. Mặc dù tập trung cao cho chống dịch song vẫn có những chủ trương, giải pháp để phát triển KT-XH, nhất là trong khôi phục sản xuất công nghiệp cũng như hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, đồng thời đề ra các chủ trương đúng đắn.
Ảnh 1: Công ty New Wing Interconect Technology (KCN Vân Trung) đang nỗ lực khôi phục sản xuất, kịp thời đáp ứng các đơn hàng tồn đọng do tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Ảnh 2: Hơn 1.000 công nhân Công ty New Wing Interconect Technology được xét nghiệm Covid-19 khi đến làm việc. Ảnh 3: Mọi phương tiện ra vào Công ty New Wing Interconect Technology được phun khử khuẩn, bảo đảm phòng dịch.
Ví như khi bắt dầu có dịch, chúng ta đưa ra chủ trương cùng các biện pháp cụ thể khoanh vùng vùng vải thiều để xây dựng, bảo vệ vùng vải an toàn dịch bệnh. Hay như việc xây dựng 3 kịch bản để tiêu thụ vải thiều, hiện đang triển khai thực hiện hiệu quả. Các huyện, TP cũng tích cực hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ nông sản.
Điển hình như dứa Lục Nam cơ bản tiêu thụ xong, dưa hấu cũng tiêu thụ tốt, vải thiều cũng vậy… Nhờ đó không để xảy ra nông sản bị tồn ứ, không tiêu thụ được, các sản phẩm nông nghiệp khác cũng tiêu thụ ổn định.
- Xây dựng được mô hình mới, chưa có tiền lệ là khó khăn. Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, Bắc Giang đã từng bước khống chế dịch, khôi phục lại sản xuất. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào thưa đồng chí?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương: Thời gian tới, còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà chúng ta phải nỗ lực thực hiện và quyết tâm vượt qua.
Thứ nhất phải nhanh chóng khống chế hoàn toàn dịch. Hiện chúng ta đã thành công đẩy dịch về huyện Việt Yên rồi khoanh vùng tại một số điểm và đưa dịch vào trong các khu cách ly tập trung. Tuy nhiên chưa chấm dứt được dịch nên đây vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Do đó, chúng ta sẽ đưa ra những giải pháp quyết liệt hơn bởi giai đoạn cuối là giai đoạn rất khó.
Thứ hai đẩy mạnh hơn quá trình tái khởi động các KCN cũng như hoạt động sản xuất công nghiệp chung trong toàn tỉnh. Ngoài ra khởi động lại các công trường xây dựng, các hoạt động thương mại cũng phải được nối lại theo tinh thần "dịch lui đến đâu phải tổ chức lại hoạt động sản xuất đến đó" chứ không chờ hết dịch. Suy cho cùng tổ chức tốt hoạt động phát triển KT-XH cũng chính là bảo vệ thành quả chống dịch. Khi dịch chấm dứt cũng là lúc mọi hoạt động sẽ về trạng thái bình thường.
Thứ ba, vẫn phải tập trung vào vụ vải thiều bởi chuẩn bị bước vào chính vụ. Với sản lượng khoảng 180 nghìn tấn, hiện mới tiêu thụ hơn 60 nghìn tấn, phần chưa tiêu thụ lớn, giá trị cao. Tập trung cao tìm hướng tiêu thụ hết sản lượng vải thiềi của tỉnh, nếu thành công đây là thắng lợi kép.
Thứ tư, giải quyết vấn đề về xã hội sau dịch, nhất là chăm sóc sức khỏe người dân. Hiện tỉnh đã có kế hoạch làm sạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Cùng đó tập trung giải quyết vấn đề môi trường, rác thải, nhất là tại khu vực bị phong tỏa, cách ly xã hội. Với 210 khu cách ly tập trung, 16 bệnh viện dã chiến, tỉnh có kế hoạch hết cách ly tập trung đến đâu giải quyết môi trường đến đó. Quan tâm chuẩn bị khởi động lại năm học mới, bảo đảm điều kiện thi tốt nghiệp, tuyển sinh và năm học mới; quan tâm vấn đề việc làm, chế độ chính sách cho người lao động…
Ảnh 1: Công nhân Công ty Sản xuất Sanwa Việt Nam được kiểm tra sức khỏe tại Trạm Y tế xã Hồng Thái (Việt Yên) trước khi được đón về làm việc tại Công ty. Ảnh 2: Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang bố trí khu vực ăn cho công nhân bảo đảm khoảng cách để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh 3: Công nhân Công ty Fuhong Precision Component Bắc Giang, KCN Đình Trám hoạt động trở lại từ ngày 29/5. Ảnh 4: Xưởng sản xuất của Công ty Newwing Interconect Technology Bắc Giang.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nhóm Phóng viên Kinh tế
• Ngọc Nhi