Ông Tập Cận Bình đã đến Johannesburg vào thứ Hai để tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS hàng năm của các nền kinh tế mới nổi lớn, dự kiến sẽ có bài phát biểu tại phiên khai mạc vào chiều 22/8 cùng với các nhà lãnh đạo từ Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.
Nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không xuất hiện tại sự kiện này mà không có thông báo hay lời giải thích chính thức nào từ Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến đi tới Nam Phi (Ảnh: Reuters)
Trong bài phát biểu được Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào thay mặt đọc tại buổi khai mạc hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi ngày 22/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc không muốn tham gia vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc hoặc tạo ra “sự đối đầu trong khối”.
Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi mở rộng nhóm BRICS, gồm các nền kinh tế mới nổi để xây dựng một trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng hơn, đồng thời khẳng định “chủ nghĩa bá quyền không có trong gen của Trung Quốc”.
"Bất kể có thể có sự phản kháng nào, BRICS, một lực lượng tích cực và ổn định đại diện cho sự thiện chí, sẽ tiếp tục phát triển", ông bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cho hay. "Chúng tôi sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với BRICS mạnh mẽ hơn".
Ông cũng nhấn mạnh những thay đổi kinh tế, chính trị trên thế giới đang diễn ra theo cách chưa từng có trước đây và xã hội loài người sắp đến thời điểm quan trọng.
Theo đó, Trung Quốc và Nga, hai quốc gia bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây cô lập bằng hàng loạt các lệnh trừng phạt, đã mong muốn mở rộng BRICS để phát triển nhằm đối phó với sự thống trị của phương Tây đối với kinh tế và vấn đề chính trị.
Các quốc gia BRICS gồm Nga, Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc và Nam Phi, đại diện cho 1/4 nền kinh tế toàn cầu và đang nắm giữ 40% dân số trên thế giới.
BRICS được thành lập vào năm 2009, với các thành viên sáng lập là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi, thành viên thứ 5 gia nhập năm 2010. Cho đến nay, 22 quốc gia đã thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Các quan chức Nam Phi cho biết thêm, những nước chính thức nộp đơn bao gồm Argentina, Mexico, Iran, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Nigeria và Bangladesh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, người không tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tiếp, cho biết trong một tuyên bố rằng quá trình phi đô la hóa trong khối là “không thể đảo ngược” và đang trên đà phát triển.
Ngoài việc mở rộng thành viên, hội nghị thượng đỉnh năm nay cũng được thiết lập để thảo luận về cách thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại và tài chính để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.