Chiều 15/3, trao đổi với PV, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết, chiều cùng ngày, ông đã chủ trì cuộc họp khẩn với các cơ quan chức năng xung quanh thông tin hàng trăm trẻ em ở Thuận Thành đi xét nghiệm, trong đó hàng chục trẻ dương tính với sán lợn và vấn đề cung cấp thực phẩm tại trường mầm non Thanh Khương.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo về sự việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh căn cứ vào các xét nghiệm, báo cáo chính thức đến các cơ quan chức năng liên quan.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức xét nghiệm đối với các học sinh của Trường Mầm non xã Thanh Khương. Hướng dẫn người dân về ảnh hưởng, nguyên nhân và cách phòng chống sán lợn.
Ông Quỳnh yêu cầu Công an tỉnh Bắc Ninh khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho các trường học.
Lấy mẫu xét nghiệm tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Cùng với đó, điều tra làm rõ việc cung cấp, phát tán thông tin không đúng sự thật gây hoang mang dư luận.
Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại Trường mầm non Thanh Khương và các Trường học trên địa bàn huyện Thuận Thành, xử lý hành vi kích động gây rối làm mất an ninh trật tự.
Người đứng đầu UBND tỉnh, yêu cầu Ban quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học.
Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Thuận Thành phối hợp với Sở Y tế tuyên truyền cho các phụ huynh học sinh để tránh hoang mang, lo lắng. Chỉ đạo các cơ sở chủ động thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát, truy suất nguồn cho các bếp ăn tập thể bán trú tại trường học theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu UBND huyện Thuận Thành thành lập tổ công tác tuyên truyền ổn định tình hình dư luận.
Trước đó, tính đến 18h ngày 15/3, kết quả xét nghiệm tại BV Bệnh nhiệt đới TW và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng TƯ đã phát hiện có 57 trẻ tại Thuận Thành- Bắc Ninh dương tính với sán lợn.
Hiện các bệnh viện đang tiếp tục tiến hành xét nghiệm, chạy kết quả đối với những mẫu bệnh phẩm còn lại.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn (lợn gạo) mắc phải do liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành.
Theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, qua các cơ sở điều trị đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn.
Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triêu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ.
Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.
Nguyên tắc phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn.
Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.