Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long 'hạ thế' là tin đồn nhảm!

Hoàng Dung |

Ngày hôm nay, trên các diễn đàn tài chính chứng khoán xuất hiện tin đồn về ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) đã "hạ thế" vì đột quỵ và thông tin này chưa được công bố.

Trao đổi với PV báo An ninh tiền tệ lúc 14h chiều ngày 6/5, đại diện của Tập đoàn Hoà Phát cho rằng những tin đồn trên là thất thiệt. Hiện ông Long vẫn đang làm việc và sinh hoạt bình thường. Nguồn tin riêng cho hay, sáng nay ông vẫn đi đánh golf với người thân và giao lưu cùng bạn bè.

Tin đồn ông Long “hạ thế” gây xôn xao trong giới chứng khoán bất ngờ xuất hiện đã khiến nhiều người hoang mang mấy giờ qua.

Theo đánh giá của vị lãnh đạo tập đoàn, nhà đầu tư bây giờ họ rất tỉnh táo nên những tin đồn nêu trên hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến cổ phiếu của Hoà Phát hiện tại.

Trên thị trường chứng khoán, đối với các mã chứng khoán ngành tôn thép, HPG vẫn đang được nhà đầu tư đánh giá cao về giá trị và mức P/E. 

Nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra khuyến nghị mua vào với mã cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát, mức giá mục tiêu cho 12 tháng là 65.000 đồng/cp.

Kết quả kinh doanh năm 2017, sản lượng thép xây dựng cả năm của HPG đạt 2.2 triệu tấn, tăng 21% so với năm trước đó.

 Về kim ngạch xuất khẩu, HPG đã xuất hơn 161.000 tấn thép thanh, thép cuộn tới các thị trường như Mỹ, Canada, Úc, Malaysia, Campuchia,… Ước tính lợi nhuận sau thuế quý 4/2017 đạt 2.300 tỷ đồng, tương ứng, lợi nhuận sau thuế cả năm của HPG sẽ đạt 7.910 tỷ đồng.

Trong ngắn hạn, HPG sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận 500 tỷ đồng từ dự án Mandarin Garden 2 vào quý 4/2017 và quý 1/2018. 

Đồng thời diễn biến giá thép và quặng đang vô cùng thuận lợi, dự báo đem lại mức biên lợi nhuận hấp dẫn cho HPG trong quý 1/2018. Đồng thời, trong mùa cổ tức (tháng 5-6/2018) cổ phiếu HPG kỳ vọng giao dịch tích cực.

Trong trung và dài hạn, với việc nhà máy tôn mạ màu mới dự kiến đi vào hoạt động năm 2018, sẽ giúp HPG tăng trưởng mạnh và củng cố được vị trí số 1 ngành thép khi trở thành doanh nghiệp sản xuất thép tích hợp đầu tiên của Việt Nam đối với cả thép xây dựng và ống thép, tôn mạ.

Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HPG sẽ lần lượt đạt mức 55.000 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm trước đó. 

Bên cạnh đó, điểm rơi lợi nhuận của Hòa Phát bắt đầu vào năm 2019 với việc đưa vào hoạt động Khu liên hợp Dung Quất. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm 2019 dự báo có thể tăng trưởng tới 37%.

Bên cạnh mức lợi nhuận của Tập đoàn, giới đầu tư cũng nhìn nhận cổ phiếu qua cách điều hành doanh nghiệp của ông Trần Đình Long. Tuy là một doanh nhân khá kín tiếng trên thương trường nhưng được giới đầu tư ngưỡng mộ kể từ khi chèo lái con thuyền Hoà Phát.

Không thể phủ nhận, trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán tình trạng tung tin đồn thất thiệt với mục đích vu khống, hạ uy tín đối phương... vẫn tiếp tục diễn ra, làm ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường và tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp niêm yết.

Việt Nam hiện đang là một trong 20 quốc gia có TTCK phát triển nhanh nhất thế giới song cũng có mức độ rủi ro rất lớn do tốc độ phát triển thị trường quá nhanh, do đó rất cần có các công cụ kiểm soát chặt chẽ và chế tài đủ mạnh để đảm bảo TTCK và thị trường tài chính vận hành an toàn, ổn định, đồng thời đảm bảo an ninh tài chính cho Doanh nghiệp.

Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân vào năm 1986.

Năm 30 tuổi, ông bắt đầu nghiệp kinh doanh khi khởi nghiệp cùng nhóm bạn đại học vào năm 1992, thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, chủ yếu buôn đồ cũ từ Nga về, trước khi chuyển hướng xuất nhập khẩu bài bản.

Từ năm 1992 đến năm 1996, ông Long giữ vai trò Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH thiết bị phụ tùng Hòa Phát. Năm 1996, công ty chuyển hướng kinh doanh thép, ông Long trở thành Chủ tịch HĐQT các công ty thuộc nhóm Hòa Phát. Từ năm 2005 đến nay, ông Long gắn bó với chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.

Sở hữu 25,15% cổ phần của Hòa Phát, tổng tài sản của ông Long theo Forbes ghi nhận đạt 1,3 tỷ USD, trở thành một trong 4 tỷ phú thế giới có quốc tịch Việt Nam, bên cạnh những cái tên đình đám là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Bá Dương.

Được vinh danh trong danh sách tỷ phú Forbes năm 2018, ông Long cũng là một trong số ít các doanh nhân ngành thép trên thế giới có được mức tài sản trên 1 tỷ USD. Tính đến năm 2018, trong danh sách của Forbes chỉ ghi nhận 20 tỷ phú thế giới trong ngành thép, một con số rất khiêm tốn so với hơn 2.208 tỷ phú được vinh danh.

Năm 2018, ông Long cùng với ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) là 2 tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam xuất thân từ lĩnh vực sản xuất. Trước đó, ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo có nguồn gốc tài sản chủ yếu từ lĩnh vực bất động sản và dịch vụ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại