Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã bàn và ban hành 2 Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Trước đó, cải cách tiền lương dự kiến bắt đầu từ 2021, tuy nhiên, do ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch COVID-19 nên Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã trình Trung ương xin phép lùi lại thời điểm thực hiện. Theo kế hoạch, cải cách tiền lương sẽ thực hiện từ 1/7/2024.
Về cải cách chính sách bảo hiểm, đã có một số nội dung được thể chế hóa như tuổi nghỉ hưu trong Bộ Luật lao động. Còn những nội dung khác tiến hành chậm hơn so với cải cách tiền lương. Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu kỳ họp thứ 7 thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội thì cũng có thể áp dụng vào thời điểm trùng với cải cách tiền lương (1/7/2024).
Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, theo Chủ tịch Quốc hội, sẽ giảm thời gian đóng - hưởng từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm. Đây là xu hướng của thế giới hiện đại vì tiền lương ngày càng tăng lên, tỷ lệ đóng "cho cái bánh bảo hiểm" ngày càng to ra. Tức là số năm đóng ngày càng ít nhưng tiền đóng thì nhiều lên.
"Không những vậy, tiền lương tối thiểu vùng của người lao động hầu như năm nào chúng ta cũng tăng thêm khoảng 6-8%. Tới đây cải cách tiền lương cũng cải cách cả khu vực công và khu vực tư", Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những nhân tố quan trọng nhất để hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần là giảm thời gian đóng bảo hiểm và làm tốt công tác truyền thông.
"Người ta thấy nếu đóng 20 năm thì quá xa xôi, 15 năm còn thấy có tương lai, tiến tới 10 năm thì càng có điều kiện để đóng bảo hiểm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trợ cấp này có bản chất giống như trợ cấp cho người cao tuổi từ ngân sách Nhà nước. Về mặt nguyên tắc, độ tuổi được hưởng ngày càng giảm xuống và sẽ giảm cho đến khi nào chạm đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, các mức hưởng sẽ ngày càng tăng lên, tùy thuộc vào ngân sách Nhà nước: "Hiện nay tuổi được hưởng đang là 80, luật này sẽ giảm xuống 75 tuổi. Về việc giảm dần độ tuổi và mức hưởng thế nào, tôi cũng đồng tình với các đại biểu là nên có sự linh động, linh hoạt. Luật này nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong từng thời kỳ theo đề nghị của Chính phủ và căn cứ vào khả năng của ngân sách Nhà nước".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị thiết kế luật phải có quy định, có mốc thực hiện, bởi hai vấn đề quan trọng nhất là độ tuổi và mức hưởng thì nên linh hoạt để không phải sửa luật về sau; luật cũng cần phải quy định rõ khoản chi này do ngân sách Nhà nước đóng.
Về rút bảo hiểm xã hội một lần, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề người lao động quan tâm nhất. Trong đó, chính sách rút thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm cũng có một phần tác động.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Đóng BHXH 15 năm còn thấy có tương lai"
Theo Chủ tịch Quốc hội, làm việc với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có thể thấy, các nước không cho rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, lưới an sinh của các nước phải được đảm bảo, thu nhập người dân cao.
"Còn với nước ta sẽ khác nhưng nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm đoán. Chỉ có thể thiết kế chính sách để giữ người lao động ở lại hệ thống, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần. Đồng thời, cũng không nên phân biệt trước khi luật có hiệu lực hay sau khi có hiệu lực", Chủ tịch Quốc hội nói.
Thực trạng rút bảo hiểm xã hội một lần là do nhiều người dân gặp khó khăn trước mắt. Trong thống kê đã cho thấy rõ số người rút bảo hiểm để đảm bảo nhu cầu cuộc sống hàng ngày, bao nhiêu người rút để trả nợ...