Ngày 23-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".
Trình bày báo cáo, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh sau khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được ban hành và có hiệu lực, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mạng lưới giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước ngày càng được phát triển, thông suốt, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... Trong đó, đã tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Báo cáo cũng nêu rõ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm "nồng độ cồn", quá tải trọng, xe "cơi nới" thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng đã chỉ rõ các bất cập, hạn chế như việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của nhân dân.
Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm xe ô tô chưa được triển khai quyết liệt; trong công tác đăng kiểm còn để xảy ra sai sót, sai phạm, thậm chí nhiều sai phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe tuy có nhiều đổi mới, nhưng chất lượng, kết quả vẫn còn hạn chế.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là chuyên đề rất có ỹ nghĩa, đã được cân nhắc kỹ lưỡng khi đồng thời tổng kết pháp luật về giao thông và trật tự an toàn giao thông, khác với những giám sát khác.
Đi vào một số vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề cập đến hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí về kết cấu hạ tầng giao thông, phân kỳ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc phân kỳ cũng phải phải đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu về vận hành, khai thác và đảm bảo an toàn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết cao tốc La Sơn - Túy Loan đã hoàn thành xây dựng quy mô 2 làn xe nhưng không có làn dừng khẩn cấp. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất kịp thời, Quốc hội đã dành quan tâm cho những dự án như này.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, các trạm dừng nghỉ trên cao tốc cũng phải được đầu tư đồng bộ. Bởi theo Chủ tịch Quốc hội, với lái xe chạy đường dài, chạy liên tục, nêu không dừng cũng dễ căng thẳng, gây ra tai nạn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nếu có trạm dừng nghỉ hợp lý sẽ giúp lái xe vừa hồi phục về thể chất, vừa hồi phục về tinh thần. Đo đó, đây là những vấn đề thực tiễn đặt ra, phải quan tâm trong quá trình xây dựng báo cáo của Đoàn giám sát.
Về phân bổ nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, Chủ tịch Quốc hội cho rằng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đường bộ yếu nhưng đường thủy nội địa cũng chưa được quan tâm. Nếu đường thủy làm tốt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh sẽ giảm tải cho đường bộ và hiệu quả logistics cũng tốt hơn.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát đôn đốc các bộ, ngành, các cơ quan gửi báo cáo đầy đủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an để hoàn thiện các báo cáo, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của UBTVQH.
Bên cạnh việc bổ sung các kiến nghị, đề xuất cụ thể hơn về hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, UBTVQH cũng đề nghị, bổ sung các đề xuất về hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, quản lý đăng kiểm phương tiện giao thông.
Về đầu tư mạng lưới giao thông, cần giải quyết mối quan hệ giữa phân kỳ nhưng phải bảo đảm giao thông thông suốt; về phân bổ nguồn lực kết nối các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt và hàng không.