Sáng 4/4, UBND TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học về Đề án “ Xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030”.
Phát biểu mở đầu, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đặt kỳ vọng hội thảo sẽ có những kết quả rất tốt để tiếp tục hoàn thiện đề án, từ những ý kiến, chia sẻ tại hội thảo cũng như những ý kiến sau đó.
Theo ông Mãi, yêu cầu xây dựng một nền công vụ, nền hành chính tiên tiến, phục vụ người dân, kiến tạo phát triển là một yêu cầu xem như kim chỉ nam cho công việc chúng ta đang bàn và tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Với yêu cầu này, Chủ tịch TPHCM cho rằng yêu cầu đầu tiên là các chuyên gia, nhà khoa học cần chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và trong nước để từ đó thành phố liên hệ, xác định mô hình cho nền công vụ, nền hành chính phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời tiếp thu được những điểm tiên tiến, tích cực của quốc tế phù hợp với vị trí, vai trò của TPHCM với tư cách là một đầu tàu kinh tế, là một đô thị đặc biệt, siêu đô thị và trong xu hướng vận hành, phát triển trong thời gian tới.
Ông Phan Văn Mãi cũng chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu, thành phố đã tham khảo kinh nghiệm của Singapore. Do đó, thành phố mong muốn từ kinh nghiệm quốc tế và trong nước sẽ liên hệ, xác định cho được mô hình và phải xác định nền công vụ của TPHCM trước nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả nền công vụ .
Cũng theo người đứng đầu chính quyền TPHCM, trên cơ sở hiện trạng của thành phố, vừa qua thành phố có khảo sát và tổ chức các hội thảo, các buổi làm việc nhỏ để đánh giá hiện trạng. Từ đó biết được cần phải tập trung vào điều gì để đạt được mục tiêu đã xác lập.
“Mục tiêu bao gồm từ thể chế, tổ chức bộ máy, con người, công nghệ, phương tiện và các điều kiện khác… Ban đầu thành phố xác định ở 5 trụ cột, 5 nhóm như thế…”, ông Mãi nêu rõ.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận đi liền với đó là các điều kiện đảm bảo các chính sách, bởi có những việc luật chưa có, có những việc cần phải đầu tư thêm, do đó cần kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ và có những việc TPHCM phải điều chỉnh.
Tiếp theo đó là điều kiện khả thi, tức là tổ chức thực hiện và các điều kiện. “Bằng kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, của những người làm thực tế, chúng ta có những dự báo và đề xuất. Song song với việc chúng ta vẽ ra bức tranh đẹp này thì phải đảm bảo những điều kiện để nó có trên thực tế, vận hành trên thực tế”, ông Mãi nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định, mục tiêu của TPHCM là không chỉ viết đề án cho hay mà phải xây dựng cho được nền công vụ tiên tiến, quay trở lại kim chỉ nam là phục vụ người dân, kiến tạo sự phát triển của thành phố, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.
Chia sẻ thêm, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thành phố đã có những cơ sở chính trị, những cơ sở pháp lý tương đối. Dù vậy, ở đây có những điểm cần lưu ý. Đó là, Trung ương đã nhận thấy sự năng động, sự phát triển và quy mô của TPHCM nên đã cho thành phố những cơ chế đặc thù và gần đây nhất là Nghị quyết 98 .
“Chúng ta cũng tiếp cận trên nền pháp lý hiện có nhưng cũng phải hướng đến có những cái vượt khung hiện tại để xin với Trung ương, với Quốc hội nhằm làm sao có được khung pháp lý phù hợp với vị trí, vai trò của TPHCM để vận hành tốt hơn, thực hiện mục tiêu phục vụ nhân dân tốt hơn, kiến tạo phát triển tốt hơn”, ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Khảo sát gần 90.000 cán bộ
Trước đó, đề dẫn hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Duy Tân cho biết, ngày 27/10/2023, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành kết luận giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo, nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện dự thảo Đề án “Xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030”.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, thời gian qua, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển thành phố tham mưu tổ chức nghiên cứu, xây dựng đề án. UBND thành phố đã ban hành quyết định kiện toàn, thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Giúp việc Ban Soạn thảo đề án đảm bảo đầy đủ thành phần, đa dạng các lĩnh vực nhằm hướng đến soạn thảo có chất lượng những nội dung của đề án; đồng thời, ban hành kế hoạch về triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án.
Trên cơ sở tham mưu của Sở Nội vụ và Viện Nghiên cứu phát triển, UBND thành phố đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả đã thực hiện khảo sát gần 13.000 phiếu đối với các đối tượng công chức và 76.601 phiếu đối với các đối tượng viên chức trên địa bàn thành phố.