Phát biểu thẳng thắn của Chủ tịch nước nêu tại hội nghị tổng kết hoạt động của đoàn ĐBQH TP.HCM năm 2016 và triển khai chương trình công tác năm 2017 chiều nay.
Ứng cử ở quận 3 nhưng Chủ tịch nước cho hay ông mong muốn có thể đa dạng hóa tiếp xúc cử tri như đi tiếp xúc ở huyện Củ Chi, Cần Giờ…
Từng 3 lần đi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang kể vẫn thấy mấy gương mặt quen. Vì thế không nghe được những ý kiến mới.
"Văn phòng đoàn ĐBQH TP nên sắp xếp, cái gì nên giản lược thì nên giản lược, chứ những cái thông báo thì họp QH xong dân biết hết, cần gì phải thông báo nữa. Cần tập trung vào nghe ý kiến của nhân dân", Chủ tịch nước thẳng thắn.
Ông bày tỏ chia sẻ những căng thẳng của các ĐBQH trong công tác tiếp dân và khiếu nại tố cáo.
"Luật ghi rõ ràng nhưng mình chỉ là người tiếp thu thôi, đến khi chuyển lại kéo dài, dân kêu thì không biết trả lời như thế nào, nhiều khi phải đành tránh né. Mình thấy rất là trăn trở. Khâu tiếp và nhận kiến nghị cần thay đổi và kiện toàn", Chủ tịch nước góp ý thêm.
Đại biểu kiêm nhiệm ngại phát biểu
Đánh giá chung, Chủ tịch nước nhấn mạnh truyền thống hoạt động chất lượng, uy tín của đoàn ĐBQH TP, đóng góp rất cao trên rất nhiều lĩnh vực nhưng phải làm nhiều nữa để đóng góp được vào hoạt động chung của QH.
"Nhân dân cả nước kỳ vọng rất nhiều vào cử tri TPHCM. Chúng ta phải có trách nhiệm cố gắng để đừng phụ sự kỳ vọng của nhân dân TP và nhân dân cả nước", Chủ tịch nước cho rằng đoàn ĐBQH TP phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng pháp luật.
"Thành phố là nơi luôn năng động, đi đầu trong mọi lĩnh vực. Từ thực tiễn năng động sáng tạo của thành phố, chúng ta kiến nghị cho QH những thay đổi có lợi cho nhân dân".
Năm 2016, đoàn ĐBQH TP.HCM đã có 78 cuộc tiếp xúc cử tri, thực hiện 95 lượt tiếp xúc công dân, xử lý theo quy định 469 đơn thư khiếu nại..
Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa kỳ vọng cải tiến công tác tiếp dân và tiếp xúc cử tri để giải quyết đến nơi đến chốn những vấn đề người dân đặt ra. Vì nếu giải quyết được có thể tạo ra một gợi ý để biến thành chủ trương chính sách chung cho cả nước.
"Nhân dân và cử tri rất trông chờ tiếng nói của các đại biểu trên các diễn đàn công luận. Vừa rồi có những vấn đề tiêu cực, môi trường chỉ cần 2-3 đại biểu nêu lên là có tác động rất lớn, có tác dụng thúc đẩy vụ việc được giải quyết mạnh mẽ hơn.
Có xu hướng là các đại biểu kiêm nhiệm rất ngại phát biểu trên công luận, trong khi dân đang chờ tiếng nói", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đồng tình với Chủ tịch nước phải đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri, đa dạng hoá về hình thức và phương pháp.
"Chúng ta không để những kiến nghị, bức xúc của nhân dân kéo dài. Tiếp xúc cử tri không chỉ cả nơi ứng cử, mà cả nơi cư trú, nơi công tác và cả những nơi không ứng cử".
Nguyên đại biểu chuyên trách 3 nhiệm kỳ QH của TP Trần Du Lịch chia sẻ kinh nghiệm mời những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực để hiệu quả giám sát của đoàn ĐBQH TP cao hơn. Hoặc sự có mặt của Chủ tịch nước tham gia trong công tác giám sát sẽ tạo hiệu quả.
"Đặc biệt, nếu một năm mấy lần Chủ tịch nước tham gia có mặt thì rất hiệu quả, ngồi một buổi bằng chúng tôi ngồi cả năm", ông Trần Du Lịch chia sẻ.