Cũng trong trao đổi với ICTnews liên quan đến tuyên bố “Make in Vietnam - Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất” đã được Bộ TT&TT đưa ra tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT NextTech Group, Công ty công nghệ đã có hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực CNTT cho rằng: cơ hội, thời cơ để các doanh nghiệp công nghệ nước nhà phát triển các sản phẩm, giải pháp giải quyết các vấn đề, bài toán Việt Nam thì lúc nào cũng có.
Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, theo ông Bình, Việt Nam đang có thuận lợi hơn so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… để phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Trong đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc thời gian vừa qua đã đưa đến thuận lợi nhất định cho ngành công nghệ Việt Nam.
Bởi lẽ, cuộc chiến thương mại này sẽ dẫn đến sự “xoay trục” của các doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ theo xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, đem các kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ rời khỏi Trung Quốc, chuyển dịch sang quốc gia khác.
“Đã có nhiều dự báo về việc Việt Nam sẽ là điểm đến mới của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Đây là thuận lợi với ngành công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, cá nhân tôi không quá lạc quan về việc chúng ta có thể nắm bắt và hưởng lợi được từ những thời cơ, thuận lợi này”, ông Bình chia sẻ.
Lý giải rõ hơn nhận định trên, Chủ tịch NextTech Nguyễn Hòa Bình phân tích: “Thuận lợi có được từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có vẻ “ập” đến bất ngờ và dường như các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chưa được chuẩn bị trước vấn đề này”.
Người đứng đầu NextTech Group còn cho rằng, về bản chất, thuận lợi có được từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thời gian qua cũng có mặt tiêu cực, đó là: một số quốc gia khác sẽ nhận thấy rằng làm ăn ở Việt Nam đang thuận lợi, đang có cơ hội và vì thế họ sẽ “đổ” vào Việt Nam, đem nhân lực, vốn sang và “lấn át” người lao động Việt Nam ngay trên sân nhà chúng ta.
“Trên thực tế, hiện đang manh nha có làn sóng di cư của những người trẻ ở châu Á và hẹp hơn là Đông Nam Á sang làm việc ở các nước trong khu vực. Điều này đặt ra thách thức cho nhân lực Việt Nam, phải đối mặt với việc cạnh tranh về việc làm với người lao động các nước khác ngay trong chính nước mình.
Và nguy cơ sản phẩm công nghệ “Made in Vietnam” nhưng “Made by” Korea, China, (Hàn Quốc, Trung Quốc) là hoàn toàn có thể xảy ra! Bởi lẽ, theo quan sát của chúng tôi, hiện nay ngay tại Việt Nam, trong lĩnh vực công nghệ cũng đã có rất nhiều người Trung Quốc, Hàn Quốc sang tìm cơ hội làm việc”, đại diện NextTech Group cho hay.
Một lần nữa bày tỏ quan điểm "không quá lạc quan về cơ hội, thuận lợi của ngành CNTT, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam", người đứng đầu NextTech Group nhấn mạnh, cái gì cũng cần phải có gốc, có nền tảng và vấn đề quan trọng hơn cả là nội lực, con người, sự chuẩn bị của chúng ta như thế nào để đón cơ hội, sự thuận lợi đó.
Khẳng định sự ủng hộ định hướng "Make in Vietnam" được Bộ TT&TT khởi xướng, ông Bình cho rằng, để có thể thực hiện được định hướng mới này thì điều kiện cần đầu tiên, quan trọng vẫn là năng lực của chính dân tộc Việt Nam, mà cụ thể ở đây là đội ngũ người làm công nghệ Việt Nam. "Năng lực của Việt Nam đến từ rất nhiều thứ như giáo dục để có được đội ngũ nhân lực tốt, xây dựng và hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ", ông Bình nói.
Viện dẫn triết lý "Dĩ bất biến ứng vạn biến" (lấy yếu tố bất biến, không thay đổi để ứng phó với yếu tố vạn biến, thay đổi – PV), ông Bình chỉ rõ: "Thời cơ, sự thuận lợi chính là yếu tố "vạn biến", sẽ thay đổi theo từng giai đoạn, vì thế trong bối cảnh cuộc sống luôn biến động, điều quan trọng hơn cả là cần bồi đắp, tích lũy để nâng cao năng lực, nội lực của người Việt Nam – yếu tố "bất biến" sẽ giúp chúng ta ứng phó trước những biến động, nắm bắt và thu được lợi khi thời cơ, thuận lợi đến!".
Ở góc độ của một doanh nghiệp đã và đang sản xuất sản phẩm công nghệ Việt, ông Bình đề xuất, nhà nước khi xây dựng chính sách rất cần có sự ưu tiên, ưu đãi nhất định cho người Việt Nam, và đặc biệt là cần tránh tình trạng "bảo hộ ngược".
"Theo tôi, chính sách của nhà nước rất nên có sự ưu đãi nhiều hơn cho các doanh nghiệp làm sản phẩm, có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ trọn gói ra nước ngoài.
Thực tế, gia công hiện đang tạo ra nhiều công ăn việc làm, nhưng nếu doanh nghiệp làm được sản phẩm thì giá trị gia tăng, năng suất lao động sẽ cao hơn, đồng thời trình độ, năng lực công nghệ cũng phát triển lên và quan trọng góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, của ngành", ông Bình nêu ý kiến.