Đó là chia sẻ ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kido (trước đây là Kinh Đô), chia sẻ về việc bán mảng bánh kẹo, mảng truyền thống và mang đậm dấu ấn trong lòng người Việt, tại buổi tọa đàm Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngày 29/7 ở TP HCM.
Tháng 11/2014, Mondelēz International, tập đoàn thức ăn nhẹ lớn hàng đầu thế giới của Mỹ, đã đầu tư 7.846 tỉ đồng (tương đương 370 triệu đô la Mỹ) để nắm giữ 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô (nay là Kido).
Cho đến thời điểm này, đây được xem là thương vụ mua bán, sáp nhập có quy mô lớn nhất trong ngành bánh kẹo ở thị trường trong nước.
Tháng 6 vừa qua, Kido bán nốt 20% cổ phần còn lại của mảng bánh kẹo. Kido hiện tập trung cho kem, dầu ăn và mì gói.
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Tập đoàn Kido ví von "việc bán mảng bánh kẹo chỉ như bán trái cam, trái táo chín trên cây có nhiều trái. Mất trái đó, chất dinh dưỡng sẽ cung cấp cho các bộ phận khác của công ty".
Ông Thành cũng chỉ ra 3 trường hợp một công ty muốn bán cổ phần.
Trường hợp thứ nhất, ông ví một công ty giống như con người ở giai đoạn tuổi già, con cháu không chịu làm. Những người đó không phải không có ý chí nhưng sức khỏe không theo được ý chí nên họ sẽ rời cuộc chơi.
Trường hợp thứ 2 là người ta xây công ty để bán. Và tại trường hợp này sẽ khác. Họ không có ý định xây lâu dài và xác định là để bán.
Trường hợp thứ 3, công ty phát triển tới một giai đoạn không đủ sức để đi, cần một đối tác chiến lược vào để mình đi. Ở đây, người muốn đi phải phân tích tốt và chọn đối tác chiến lược phù hợp.
"Giữ bạn đời và phát triển kinh doanh khó y như nhau. Không có lời cũng có chuyện và có lời cũng có chuyện. Không phải giải quyết vấn đề khó mà giải quyết vấn đề về mối quan hệ trong cổ đông còn khó hơn.
Cổ đông mà không nhất trí là rất khó. Một số trường hợp khác, nếu cổ đông đồng ý thì cũng kéo dài hết năm này qua năm kia và doanh nghiệp sẽ bị đi xuống", ông Thành nói.
"Công ty Kinh Đô doanh số 5.000 - 6.000 tỷ. Với thời gian giống nhau, với những cái mà có thể làm được lớn hơn thì việc rút khỏi ngành bánh kẹo và chuyển qua ngành bánh kẹo không phải chuyện mới có. Tôi đã nhìn thấy tiềm năng của ngành dầu từ 7 năm trước.
Dầu ăn là đồ dùng thiết yếu của cuộc sống. Ngày nào người tiêu dùng cũng cần và né khỏi những biến động của kinh tế", Chủ tịch Kido chia sẻ.
"Khi bán mảng bánh, tôi khóc 3 lần. Không dễ dàng gì bán cái bánh kinh doanh 20 năm. Đang nói chuyện với anh em, tôi lại chạy ra toa lét khóc. Khóc đã rồi vô nói chuyện tiếp. Cuối cùng vì tập thể, vì cổ đông, tôi không cản sự phát triển, phát tài của mọi người nên tôi siêu lòng bán", ông Thành nói.
Ông thành đã gắn bó với Kido hơn thập kỷ. Bánh trung thu, bánh kẹo Kinh Đô từ lâu đã trở nên rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Thậm chí, chỉ cần nhắc đến "bánh trung thu" là người ta nghĩ ngay đến Kinh Đô.
Logo "Vương niệm đỏ" của Kinh Đô trên bao bì sản phẩm từ lúc nào đã trở thành hình ảnh thân quen với nhiều thế hệ người Việt trong suốt hơn 20 năm qua. Kido của ông Thành giờ tập trung vào kem, dầu ăn, mì ăn liền.