Gia trại trong đất rừng sản xuất
Ngay sau thông tin về "cả nhà làm quan huyện", trong ngày 6/10, báo chí lại tiếp tục phản ánh về khu gia trại "khủng", "rộng mênh mông", với nhiều công trình đang xây dựng... nằm trong khu vực rừng trồng thuộc xã Hương Phong của Chủ tịch UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).
Trao đổi với chúng tôi vào tối 6/10, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) xác nhận, khu gia trại rộng khoảng 3,2 ha này đúng là thuộc sở hữu của vợ chồng ông.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, một số thông tin phản ánh về khu đất và việc xây dựng gia trại của gia đình ông chưa chính xác nên dễ gây hiểu nhầm cho mọi người.
Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới, khu đất này được vợ chồng ông mua lại của 3 người dân thuộc đất rừng sản xuất tại xã Hương Phong với mức giá khoảng 100 triệu đồng "chứ có gì đâu mà khủng với lớn".
Sau đó, gia đình có xin chuyển đổi 200m2 sang đất thổ cư để xây dựng nhà và đầu tư xây dựng một số công trình khác nhằm phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt...
Về thông tin cho rằng, khu gia trại này xây dựng không phép, ông Hùng khẳng định, đã có đầy đủ giấy tờ, sổ đỏ và việc xây dựng cũng tuân thủ các quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định, việc xây dựng ở nông thôn, nhất là trong vùng sâu, xa thì không phải xin giấy phép xây dựng mà chỉ cần báo cáo cho chính quyền địa phương nắm được để quản lý.
"Trang trại này được gia đình tôi làm là trên đất rừng sản xuất được mua lại của người dân chứ không phải đất rừng nguyên sinh nên việc đầu tư để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, phù hợp với chủ trương thì không có gì sai cả", ông Hùng nói.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới cũng thông tin thêm về việc, vợ chồng ông định giao cho người anh trai để phát triển du lịch cộng đồng homestay trong thời gian tới và chăn nuôi tại đây.
"Ở đây, đa phần mọi người đều biết tôi làm như thế nào, mình đi đầu về phát triển kinh tế, đánh thức tiềm năng cho A Lưới, giải quyết vấn đề cho người nghèo rồi chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với chủ trương, đường lối chứ đâu có phải tham ô, tham nhũng, lấy đất của dân để làm đâu.
Đất này gia đình tôi mua và là đất rừng sản xuất, gia đình tôi còn phải vay tiền để nuôi bò, để làm thứ khác... chứ đâu phải như người ta phản ánh thế", ông Hùng chia sẻ thêm.
Tuân thủ các quy trình, quy định
Liên quan đến thông tin "cả nhà làm quan huyện", ông Hùng xác nhận, có việc nhiều cán bộ huyện là họ hàng, anh em trong gia đình.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, các cán bộ chủ chốt của huyện như Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện là thuộc quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và việc đề bạt, bầu, bổ nhiệm đều tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định.
"Từ lấy phiếu tín nhiệm, rồi làm quy trình, quy hoạch đối với các vị trí chủ chốt của huyện là do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chứ chúng tôi có thể quyết được đâu.
Ở đây, là cả một tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy chứ đâu phải Ban Thường vụ huyện ủy muốn tham mưu thế nào cũng được", ông Hùng chỉ rõ.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới cũng nhấn mạnh, Luật hiện nay không cấm anh em, người nhà cùng làm cán bộ ở 1 địa phương mà ở đây giữa ông và Bí thư huyện ủy lại là anh em cột chèo chứ không phải anh em ruột.
"Ở đây, Luật không cấm anh em cột chèo cùng làm cán bộ, thứ nữa là cùng đoàn kết, đưa huyện đi lên, năng lực anh em thể hiện rõ qua sự đánh giá của cán bộ, người dân chứ đâu phải mình thao túng, gây mất đoàn kết", ông Hùng nói thêm.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trường Lưu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, khẳng định luật không cấm anh em, người nhà cùng làm cán bộ nhưng đang chỉ đạo kiểm tra vụ việc "cả nhà làm quan huyện" ở A Lưới.