Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẩn thiết cảnh báo căn bệnh sắp thành "đại dịch" ở nước ta

Tiểu Nhã |

Ung thư gan chủ yếu do 2 vi rút viêm gan B và viêm gan C. Hai vi rút này truyền từ người này sang người khác qua đường máu, tiêm truyền, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con.

Bệnh khó phát hiện, tiến triển rất nhanh

Ông Nguyễn Văn C. 62 tuổi, quê ở Thái Bình được người thân đưa lên bệnh viện Bạch Mai điều trị ung thư gan. Ông C có tiền sử bị viêm gan siêu vi rút C từ 4 năm trước và đã điều trị ổn định. Tuy nhiên, cách đây khoảng 3 tháng ông cảm thấy đau hạ sườn kèm mệt mỏi mãn tính nên đã đến Bệnh viện K trung ương kiểm tra.

Kết quả, các bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư gan, nhưng sau đó ông C. đã quyết định về nhà uống thuốc nam. Sau 2 tháng tình trạng bệnh ngày càng nặng, ông C lại được người thân đưa lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Sau khi khám và làm các kết quả xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán ông C bị ung thư biểu mô tế bào gan di căn phổi giai đoạn C trên nền viêm gan C.

Ông C được bác sĩ chỉ định điều trị Thalidomide - dẫn xuất của acid glutamic có tác dụng ức chế sản xuất TNF-α và ngăn chặn quá trình hình thành mạch máu. Với tình trạng bệnh của ông C, nếu ông C đáp ứng được thuốc thì có thể kéo dài cuộc sống thêm từ 9 đến 14 tháng.

Trường hợp của ông Phạm Duy H. 54 tuổi, quê Nam Định cũng nhập viện vì đau hạ sườn phải, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân. Các bác sĩ tại Bệnh viện K trung ương chẩn đoán ông H bị ung thư gan di căn phổi. Bác sĩ cho biết trường hợp của ông H hiện tại không thể phẫu thuật được vì khối u đã phát triển to quá lớn.

Theo các bác sĩ ung thư gan đang trở thành "đại dịch" ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, Trung Quốc - những nơi có tỷ lệ bệnh viêm gan vi rút tăng cao.

GS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội ung thư học Việt Nam – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, ung thư gan là bệnh lý ác tính của tế bào gan, xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân có bệnh gan mạn tính và xơ gan.

Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẩn thiết cảnh báo căn bệnh sắp thành đại dịch ở nước ta - Ảnh 1.

GS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội ung thư học Việt Nam.

Ung thư gan chủ yếu do hai vi rút viêm gan B và viêm gan C. Hai vi rút này truyền từ người này sang người khác qua đường máu, tiêm truyền, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con.

Các vi rút này thường âm thầm tấn công tế bào gan làm xơ gan, ung thư gan. Khi nhiễm vi rút viêm gan B thường gây ra các triệu chứng như cảm cúm, vàng da và nhanh chóng phục hồi trong vài tháng nhưng một số chuyển thành viêm gan B mãn tính và tiến triển gây ung thư.

Viêm gan C mới được phát hiện nhưng cũng giống viêm gan B làm tổn thương tế bào gan, gây viêm, xơ gan nhưng cũng có thể ẩn mất triệu chứng.

Ngoài ra, nguyên nhân khác gây ung thư gan đó là rượu, thuốc lá, aflatoxin. Aflatoxin là độc tố do nấm ở bắp ngô, đậu tương, lạc, lúa gạo và lúa mì đã được chứng minh có thể dẫn tới ung thư gan.

GS Hùng cho biết tỷ lện mắc ung thư gan ở nam giới cao hơn nữ giới bởi đối tượng này có sở thích nhậu nhẹt, cộng với việc nhấm nháp các loại ngũ cốc rang, chiên có nấm mốc và thêm vi rút viêm gan tạo thành các "mũi tên" liên thủ nhau tấn công lá gan, tăng nguy cơ ung thư gan.

Chi phí điều trị bệnh đắt đỏ

GS Mai Trọng Khoa – Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai cho biết. hiện nay ung thư gan đứng hàng thứ 6 trong các loại ung thư, là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng hàng thứ hai (chỉ sau ung thư phổi) trên toàn thế giới.

Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẩn thiết cảnh báo căn bệnh sắp thành đại dịch ở nước ta - Ảnh 2.

Chi phí điều trị ung thư gan khá đắt đỏ.

Tỷ lệ mắc ung thư gan cao nhất ở khu vực Châu Á và Châu Phi - nơi có tỷ lệ mắc viêm gan do virus viêm gan B và viêm gan C cao. Trong khi đó, tỷ lệ mắc ung thư gan thấp hơn nhiều ở các quốc gia phát triển thuộc khu vực Châu Mỹ và Châu Âu (trừ Nam Âu).

Ở Việt Nam, ung thư gan là loại ung thư hàng đầu về mức độ phổ biến cũng như tỷ lệ tử vong, chiếm 20,8% trong tổng số các loại ung thư, với số mới mắc khoảng hơn 23.000 người, nằm trong khu vực các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh rất cao.

GS Khoa cho biết hiện, nay các phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bao gồm: điều trị tại chỗ (Phẫu thuật, ghép gan, đốt sóng cao tần, nút mạch, xạ trị trong chọn lọc...), điều trị toàn thân (hóa chất, thuốc điều trị đích, thuốc ức chế tăng sinh mạch...), điều trị triệu chứng (giảm đau, nâng cao thể trạng), điều trị nguyên nhân (điều trị xơ gan, viêm gan).

Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp được chẩn đoán ở giai đoạn muộn nên ít bệnh nhân có khả năng điều trị được bằng các phương pháp triệt căn. Mặt khác, tỷ lệ tái phát bệnh sau điều trị phẫu thuật hoặc tiêu hủy khối u tại chỗ là rất cao.

Phần lớn các trường hợp có khối u gan kích thước lớn, chức năng gan đã bị suy giảm trên nền bệnh gan mạn tính đã có trước, do dó điều trị toàn thân với hóa chất truyền thống gây độc tế bào cho kết quả thấp và độc tính nặng nề khi sử dụng liều cao.

Hiện nay, phương pháp điều trị đích đang là tiến bộ mới trong ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng. Khối u ung thư gan giàu mạch máu do đó các chất điều trị đích như phân tử nhỏ có hoạt động ức chế sinh mạch, làm giảm sự hình thành mạch và làm tăng quá trình chết theo chương trình của tế bào khối u.

Tuy nhiên, chi phí phương pháp điều trị này khá cao nên không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện để được điều trị. Chính vì thế, căn bệnh ung thư gan vẫn trở thành điều ám ảnh với bất cứ ai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại