Từ ngày TPHCM bắt đầu vào tâm dịch, điện thoại tôi lại thêm một nhóm zalo mới, nhóm dành cho các doanh nghiệp có phân xưởng tại Long An. Có một vấn đề nhóm thường xuyên trao đổi nhất, đó là làm sao để có giấy xét nghiệm cho công nhân như là một "giấy thông hành" để công nhân từ thành phố Hồ chí Minh có thể về Long An làm việc.
Đến khi có lệnh thực hiện "3 tại chỗ", việc xét nghiệm định kỳ vẫn phải thực hiện và kết quả xét nghiệm vẫn là tờ giấy bắt buộc để trình khi đi qua lại giữa hai tỉnh! Các doanh nghiệp phải loay hoay tìm chỗ để xét nghiệm cho công nhân, nhiều doanh nghiệp đành phải nghỉ làm vì không thể thực hiện quy định này.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong toàn quốc với ca mắc mỗi ngày đều tạo ra kỷ lục mới, biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thật sự cần thiết. Từ đó, việc đi lại giữa các tỉnh thành đều phải hạn chế, người dân đi lại giữa các tỉnh hầu như phải có giấy thông hành là xét nghiệm test nhanh hoặc PCR âm tính với Covid-19.
Dùng giấy xét nghiệm âm tính để làm giấy thông hành gây bất cập, lãng phí, theo chuyên gia.
Tuy nhiên chúng ta cần phải phân tích rõ liệu yêu cầu này có thực sự có hiệu quả hay không, hay chỉ là "lợi bất cập hại?". Nhiều địa phương cho rằng việc xét giấy thông hành này sẽ đảm bảo cho địa phương họ không có người nhiễm Covid-19, điều này có thực sự đạt được không?
Tùy theo quy định của từng địa phương, giấy thông hành xét nghiệm Covid-19 âm tính có giá trị từ 3 đến 7 ngày. Chúng ta đều biết rằng, mẫu xét nghiệm nào cũng chỉ có giá trị tại thời điểm lấy mẫu.
Đối với xét nghiệm xác định SARS- COV-2, việc xét nghiệm âm tính hôm nay chưa chắc là ngày mai chúng ta thử lại vẫn âm tính. Con số 3 đến 7 ngày là do dựa vào việc khả năng dương tính cao nhất vào khoảng thời gian này sau khi tiếp xúc với F0.
Ví dụ như hôm nay tôi tiếp xúc với F0, nếu tôi bị lây nhiễm thì khả năng dương tính sẽ được xác định vào khoảng từ ngày 3 đến ngày 7 sau khi tiếp xúc. Nhưng vấn đề là chúng ta không thể biết được người đang di chuyển đã tiếp xúc với F0 vào ngày nào.
Do đó, khi người di chuyển nộp giấy xét nghiệm cách đó 3 đến ngày 7 ngày rõ ràng không loại trừ được là người đó âm tính với Covid-19 vào thời điểm họ đi vào tỉnh, và rõ ràng cũng không xác định được họ vẫn tiếp tục âm tính sau đó.
PGS Lê Thị Anh Thư.
Ngoài ra, không phải có kết quả xét nghiệm âm tính nghĩa là xác định người đó âm tính. Ví dụ độ nhạy, độ chuyên của xét nghiệm test nhanh kháng nguyên không phải 100% mà chỉ trung bình tầm 80%, vẫn có 20% dương tính giả hoặc âm tính giả, do đó vẫn có những trường hợp âm tính nhưng có thể có dương.
Cách lấy mẫu không đúng cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, có thể cho âm tính giả nếu lấy mẫu sai, nhất là trong những trường hợp lấy mẫu cho quá đông người trong một thời gian ngắn như hiện tại.
Lợi điểm của xét nghiệm như vậy là không rõ ràng, nhưng những nguy hại do việc xét nghiệm rộng rãi lại rất nhiều. Ngoài việc gây ra rất nhiều tốn kém do chi phí xét nghiệm mà chúng ta đều thấy rõ, việc lây nhiễm SARS-COV-2 do phải lấy mẫu xét nghiệm gần như khó thể tránh khỏi.
Có trong tay giấy xét nghiệm âm tính khiến cho người dân chủ quan, nghĩ là mình âm tính rồi nên không tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm.
Việc tập trung đông người lấy mẫu xét nghiệm sẽ làm quá tải khâu xét nghiệm và làm tăng lây nhiễm cho người tới lấy mẫu.
Bình thường SARS-COV- 2 chủ yếu chỉ lây qua giọt bắn và tiếp xúc, nhưng việc thực hiện thao tác lấy mẫu xét nghiệm là một thao tác giúp cho virus SARS-COV-2 có thể phát tán trong không khí, như vậy sẽ tạo nguy hiểm cho những người đến lấy mẫu, ngay cả khi có đảm bảo khoảng cách 2m.
Nếu một người bị nhiễm trong khu vực lấy mẫu thì sẽ làm lây lan ra cho những người xung quanh nhanh chóng. Vì thế, theo đúng nguyên tắc lấy mẫu tại cộng đồng, người ngồi chờ lấy mẫu phải ngồi ngăn cách với khu vực thực hiện lấy mẫu, chứ không thể xếp hàng ngay trong khu vực lấy mẫu như hiện tại.
Ngoài ra, áp lực số lượng lấy mẫu quá nhiều trong 1 thời gian ngắn nên nhân viên lấy mẫu không thể tuân thủ đúng việc thay găng, rửa tay giữa mỗi lần lấy mẫu và có thể làm lây nhiễm chéo qua đường tiếp xúc cho những người đến lấy mẫu.
Theo đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, mỗi nhân viên y tế khi lấy mẫu phải mang găng và sau đó tháo găng, rửa tay trước khi chuyển qua lấy mẫu cho người kế tiếp.
Tuy nhiên, do áp lực về số lượng người đến lấy mẫu, đa phần các điểm xét nghiệm đều không thể thực hiện được yêu cầu này. Do đó nguy cơ lây nhiễm cho người đến lấy mẫu sẽ tăng lên, Đặc biệt, với những người cần phải đi lại nhiều, cứ phải yêu cầu lấy mẫu mỗi 3 ngày, sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho họ lên cao hơn.
Việc truy vết hiện nay đã không còn hiệu quả, việc xét nghiệm diện rộng cho thấy mất quá nhiều nguồn lực mà tỉ lệ phát hiện rất thấp, do đó chỉ cần xét nghiệm theo từng khu vực nguy cơ.
Việc xem xét nghiệm như là một giấy thông hành như đã phân tích chỉ làm tăng thêm gánh nặng về kinh tế cho người dân, tăng nguy cơ lây nhiễm cho người dân khi có nhu cầu phải đi lại. Thay vào giấy thông hành xét nghiệm này, tại sao chúng ta không sử dụng việc tiêm ngừa vaccine như một giấy thông hành?
Những người cần phải đi lại thường xuyên cần phải cho họ được tiêm ngừa, như vậy hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn nhiều việc phải xét nghiệm thường xuyên.
Những người dân cần phải về quê sinh sống, việc xét nghiệm có thể thực hiện khi họ về đến quê, lúc đó xét nghiệm mới có giá trị thực sự, và cũng giảm tải cho xét nghiệm tại thành phố.
Mỗi giai đoạn dịch phải có một chiến thuật khác nhau, chúng ta cần phải thay đổi chiến lược khác với trước đây và phải chọn những phương án sao cho hiệu quả và ít tốn kém nhất.