Lý do Chủ tịch Hoàng Vĩnh Giang tin tưởng vào Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt
Cách đây ít ngày, khi nói về các tranh cãi liên quan tới Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam (LĐVTCTVN), Hoàng Vĩnh Giang cho biết ông đặt sự tin tưởng vào võ sư này.
Hỏi kĩ hơn từ đâu đặt niềm tin vào Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt, ông Hoàng Vĩnh Giang chia sẻ:
"Tôi tiếp xúc với anh Kiệt 1, 2 lần thôi. Tôi đến thăm võ đường của anh Kiệt thì thấy đó là võ đương nghiêm túc, có nhiều cơ sở vật chất tốt, võ sinh rất đông, toàn là những cháu có trình độ, giỏi cả.
Một võ đường nhiều học trò, kính trọng yêu quý thầy như thế thì phải có lý do. Bản thân Huỳnh Tuấn Kiệt là một người tôi đánh giá cao.
Điều tôi đánh giá cao hơn là hiện tại Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ Văn Hóa Thể Thao & Du Lịch có chủ trương đưa võ cổ truyền vào học đường, thì môn Nam Huỳnh Đạo đã đưa vào rất thành công các trường tại Vĩnh Phúc.
Hiện họ cũng đang xúc tiến đưa vào các trường khác ở phía Nam. Họ phối hợp với Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam, hướng dẫn 3 bài quyền cho cấp 1, 2 và 3. Đó là những việc làm chung của họ.
Còn người ta nói, tuyên truyền như thế nào về một số công phu như Lăng Không Kình thì tôi cũng không biết rõ đâu. Khi tôi tiếp xúc với Huỳnh Tuấn Kiệt thì cậu ấy không biểu diễn công phu đó. Tuy nhiên khi đó thì có biểu diễn của môn phái, rất hay".
Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang
Chủ tịch Hoàng Vĩnh Giang còn cho rằng, Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt có rất nhiều tuyệt kĩ khác, ngoài công phu gọi là Lăng không kình đang bị dư luận hoài nghi. Lý do khiến Chủ tịch LĐVTCTVN tin ông Kiệt có nhiều tuyệt kĩ là vì:
"Anh Kiệt bây giờ đã được phong là Đại võ sư rồi đấy. Các học sinh của anh ấy thể hiện những màn thiết tuyến đánh quyền rất đẹp. Cái đó có thể xuất xứ không phải của Việt Nam nhưng đâu ai cấm. Cái gì hay thì mình du nhập, tập luyện. Tiết mục đó của họ rất đẹp, đẹp lắm ấy chứ không phải đẹp vừa. Điều đó là rất tốt.
Khi mà vào trong võ đường của Nam Huỳnh Đạo thì thấy rất nhiều mộc nhân, đủ các loại, trên 20 cái mà toàn loại có giá trị. Những người tập Vịnh Xuân ai cũng mong chỉ có 1 cái trong nhà thôi nhưng ở đây cái nào cũng có. Thì chắc là anh Kiệt cũng phải có các bài tập hướng dẫn, có những buổi truyền dạy. Đây là đoán thôi nhé, thì mới nhiều như thế.
Ngoài đánh thiết tuyến ra thì còn một số công phu khác nữa. Một đời võ sư cũng ngoài 40 tuổi rồi thì chắc công phu cũng phải nhiều".
Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt biểu diễn "nội công tâm pháp"
Tuy nhiên, khi được hỏi về thông tin Nam Huỳnh Đạo có tới 10.000 môn sinh, ông Hoàng Vĩnh Giang cho rằng con số đó không thật sự chuẩn xác.
"Tôi không nghĩ có đến 10.000 môn sinh đâu. Như Karate, Taekwondo là những môn thể thao quốc tế, số lượng người tập luyện dù chưa ai tổng kết nhưng từ đó nhìn sang thì con số 10.000 của Nam Huỳnh Đạo có lẽ là quá nhiều chăng?
Tất nhiên, họ đã phổ biến những bài quyền, chương trình tại tỉnh Vĩnh Phúc và một số tỉnh trong Nam. Nam Huỳnh Đạo đã xin được giấy phép để truyền bá võ thuật ở 2 – 3 tỉnh trong Nam là quá tốt".
Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam không có hứng thú và trách nhiệm làm rõ về công phu Lăng Không Kình
Về việc dư luận hoài nghi Lăng Không Kình của Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt và phía Nam Huỳnh Đạo đưa ra lời giải đáp chưa thật sự thấu đáo, ông Hoàng Vĩnh Giang khẳng định LĐVTCTVN không có hứng thú và trách nhiệm tìm hiểu về công phu này.
Ông cho rằng, LĐVTCTVN còn có nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn cần triển khai: "Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam không có trách nhiệm và không có hứng thú để đi tìm hiểu những điều đó đâu.
Có những chương trình thi đấu giải vô địch trẻ, vô địch toàn quốc, cúp quốc gia này… rồi còn duy trì, không để thất truyền các công phu đặc dị của các môn phái, đặc biệt là các bài quyền cổ, các bài binh khí, cách đánh đặc dị của dân tộc qua 4000 năm dựng nước và giữ nước. Các cụ đấu tranh giữ nước thì phải có nhiều bài võ chứ.
Còn công phu đặc dị của anh Kiệt, tôi không dám nói là có mà cũng không dám nói là không có.
Trên thế giới cũng không thiếu các trường hợp đặc dị. Như 2 đại sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường dùng tam muội chân hỏa để tu luyện cho tới mức khô kiệt cả đi, còn lại mười mấy cân đã cả trăm năm rồi… những điều đó thì ai giải thích được?
Hoặc vừa rồi đào mộ bên Trung Quốc, thấy ướp xác mà bên trong không có gì thay đổi, như vừa mới chôn. Rồi có ông sư mạ vàng, cắt lớp ra thì thấy não, xương cốt như mới chôn gần đây. Những điều đó ai hiểu được?".
Lăng Không Kình của Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt thật giả thế nào?
Nói thêm về công phu của Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Hoàng Vĩnh Giang cho rằng còn là rất bình thường nếu đem so sánh với các tuyệt kĩ ở truyện chưởng Kim Dung, Cổ Long… Và rằng người luyện võ đều có mục đích, thành tựu sau nhiều năm nên khả năng ông Huỳnh Tuấn Kiệt có công phu cao siêu phần nào hiểu được.
"Những công phu cũng phải có cơ sở. Công phu của Huỳnh Tuấn Kiệt thì quá bình thường so với các bộ truyện chưởng Thiên Long Bát Bộ, Tiếu Ngạo Giang Hồ… cái đó chắc rằng không đến mức như vậy, nhưng người luyện võ không lẽ luyện để chơi à? Họ phải có công phu chứ, phải đạt được tới mức nào chứ?
Lăng không kình như thế nào thì mình không biết nhưng phát lực ra chắc chắn là có, kiểu như nhân điện ấy. Mình biết tới đâu thì nói tới đó, không khẳng định là có như thế nào, chỉ biết chưa nên tin là không có vì có nhiều võ công khác nhau".
Khi được hỏi thêm về các công phu đặc dị mà chính mình từng thấy, ông Hoàng Vĩnh Giang tiếp:
"Mình nghe truyền thuyết (về các công phu đặc biệt) thì nhiều, còn các khả năng đặc dị của con người có thể là chịu đấm đá thoải mái vào ngực, bụng, người… rất nhiều môn phái có trong đó có Vịnh Xuân.
Việt Nam mình có vài chục người có thể chịu đấm đá thoải mái, mình đã chứng kiến tận mặt. Họ có công phu như thế để luyện thì cũng là tốt.
Trên thế giới thiếu gì những chuyện lạ, ví dụ hút tất cả kim loại vào hay nhìn là có thể bẻ cong đồ vật… mình chưa thấy nhưng có nghe tin rằng có chụp ảnh này kia… Những chuyện lạ thì không hiếm. Tuy nhiên để liên hệ nó với chuyện Lăng Không Kình thì mình không bình luận.
Chỉ biết, ông Huỳnh Tuấn Kiệt và Nam Huỳnh Đạo là tuân thủ được chỉ đạo của nhà nước và Liên đoàn".
Chủ tịch Hoàng Vĩnh Giang cho rằng Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt không tiếp chuẩn võ sư Flores là theo đúng chỉ đạo.