Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết, năm 2020, dịch COVID-19 và lũ lụt ở miền Trung đã tác động nặng nề tới đường sắt. Cùng với các tồn tại cỗ hữu như đường sắt lạc hậu, cũ kỹ, nhiều cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ, tác động của việc thi công gói 7.000 tỷ đồng nâng cấp đường sắt Hà Nội – TPHCM… càng làm cho đường sắt khó khăn thêm.
Do doanh thu của VNR hầu hết phụ thuộc vào hoạt động vận tải, nên khi hoạt động này bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mưa lũ, điều chỉnh lịch chạy tàu để phục vụ dự án sửa chữa, nâng cấp hạ tầng. Trong năm, có đoàn tàu chỉ đạt 10-15% lượng khách vẫn phải chạy để duy trì dù lỗ nặng nề, nhiều tuyến tàu du lịch vắng khách nên phải tạm dừng hoạt động, cắt giảm tần suất, như tuyến Hà Nội – Lào Cai… Do đó, doanh thu của công ty mẹ chịu ảnh hưởng thê thảm, sụt giảm lớn hơn nhiều so với dự báo.
“Với tình hình như hiện nay và dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp diễn tới hết năm 2021, thì tới hết năm 2022, vốn chủ sở hữu tại 2 công ty vận tải đường sắt (Hà Nội và Sài Gòn – PV) hơn 3.250 tỷ đồng sẽ về con số 0, mọi nỗ lực tích góp nhiều năm qua sẽ bị xoá sạch. Đồng nghĩa tổng công ty cũng mất sạch vốn”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, thực trạng đó phải thẳng thắn nhìn nhận để tìm giải pháp hiệu quả, trong đó có giải pháp phụ thuộc vào cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có giải pháp nội tại đường sắt phải tự làm, tự thay đổi.
Vì với các loại hình giao thông khác, khi phương tiện tăng thì hạ tầng phải được đầu tư, như thêm ô tô thì đường bộ phải được mở rộng, thêm máy bay thì sân bay phải được nâng cấp, và thêm phương tiện là thêm sản lượng mới. Tuy nhiên, với đường sắt, hiện chỉ thay phương tiện cũ chứ không tạo ra sản lượng mới, cũng không thể đặt thêm tàu để tạo sức ép mở rộng hạ tầng như các loại hình vận tải khác, nên phải tự tạo áp lực để thay đổi và phát triển.
“Chúng ta hiệu rõ những khó khăn phải đối diện, dịch bệnh sẽ qua, các dự án đầu tư sẽ kết thúc, nhưng cơ chế chính sách thì không biết khi nào được giải quyết. Chúng ta có thể thiếu nguồn lực về đầu tư, nhưng nguồn lực từ cơ chế chính sách thì không hữu hạn và có thể thay đổi. Đường sắt sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước để có thêm những thay đổi, có thêm dự địa để phát triển. Vì nếu không có sự thay đổi, tới năm 2022, VNR sẽ mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu”, ông Minh nói thêm.
Về nội tại đường sắt, Chủ tịch VNR cho biết, sẽ tái cơ cấu, sắp xếp lại toàn tổng công ty, dù điều này rất khó khăn và không ai muốn. Khi mà tái đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ, sản phẩm dịch vụ vẫn không thành công, thì buộc phải tái cơ cấu nhân sự, tổ chức.
Hiện Đề án tái cơ cấu VNR đã được báo cáo Chính phủ, trong đó một số nội dung tái cơ cấu sẽ được tác ra thực hiện trước trong năm 2021, trọng tâm là sắp xếp lại đơn vị vận tải, thu gọn đơn vị phụ thuộc, với mong muốn cuối cùng là giảm chi phí, giảm giá thành, khai thác hiệu quả nhất nguồn lực và tài sản hiện có. Cùng với đó, là đề xuất Thủ tướng cho lùi thời hạn áp dụng Nghị định 65 về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe. Vì để thay mới số đầu máy, toa xe hết niên hạn theo Nghị định 65 cần số vốn khoảng 7.000 tỷ đồng, trong bối cảnh hiện nay đường sắt chưa có vốn để thực hiện.
Chủ tịch VNR dự báo năm 2021 sẽ khó khăn hơn năm 2020, khi dịch bệnh chưa hết, bão lũ vẫn phức tạp, gói nâng cấp 7.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt, trong khi dòng tiền của VNR ngày càng cạn kiệt; hàng loạt chi phí chưa hạch toán sẽ được hạch toán vào năm tài chính 2020 và 2021.
Năm 2020, sản lượng khai thác hợp nhất của VNR chỉ đạt hơn 6.828 tỷ đồng (giảm 21% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu ước đạt hơn 6.565 tỷ đồng (giảm gần 22% so với cùng kỳ). Thu nhập bình quân của người lao động chỉ đạt hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng (giảm gần 14% so với năm trước).
Trong đó, công ty mẹ đạt tổng doanh thu hơn 1.713 tỷ đồng (giảm gần 34% so với cùng kỳ), ước lỗ hơn 1.324 tỷ đồng. Khối doanh nghiệp vận tải chỉ đạt doanh thu hơn 2.909 tỷ đồng (giảm hơn 32% so với cùng kỳ).