Ngày 6/10, UBND TP.HCM tổ chức chương trình Talkshow truyền cảm hứng với chủ đề "Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ", có sự tham gia của Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và nhiều lãnh đạo, doanh nghiệp TP.HCM.
Kinh tế tri thức
Trong phần mở đầu, Giáo sư Klaus Schwab chia sẻ tổng quan về nền kinh tế tri thức (KTTT) và sự liên kết với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ông cũng phân tích những thuận lợi và thách thức mà Việt Nam đang đối diện trong bối cảnh này.
Phần giao lưu hỏi đáp giữa Giáo sư Schwab và các bạn trẻ làm nổi bật vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong sự phát triển của kinh tế tri thức, cũng như sự cần thiết của họ trong công cuộc xây dựng đất nước.
Trước bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ, TP.HCM phải không ngừng phát triển và hợp tác để bắt kịp xu thế toàn cầu. Thành phố đã tiên phong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chủ động chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang nền kinh tế xanh, số và bền vững.
Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh rằng việc phát triển kinh tế tri thức là một xu hướng tất yếu và cấp thiết. Điều này đòi hỏi người lao động phải được trang bị những kiến thức và kỹ năng mới để có thể tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức của thời đại công nghệ.
Theo Giáo sư Schwab, chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế tri thức đòi hỏi sự tái cơ cấu toàn diện và hợp lý. Trong đó, con người là trụ cột quan trọng thúc đẩy quá trình này.
TP.HCM có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế tri thức, như lực lượng lao động trẻ, sáng tạo và nhanh nhạy với công nghệ. Tuy nhiên, để biến những lợi thế này thành hiện thực, cần có các giải pháp đột phá trong giáo dục và đào tạo nhằm gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế.
Giáo sư Schwab dự báo, với tiềm năng hiện tại, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt giá trị 2.000 tỷ USD vào năm 2050. Các yếu tố như quy mô dân số trên 100 triệu người, GDP dự kiến đạt 430 tỷ USD vào năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP từ 6% đến 7%, và độ tuổi trung vị của dân số chỉ hơn 30 tuổi, đều là những tiền đề quan trọng để Việt Nam phát triển.
Những lĩnh vực trọng điểm
Giáo sư Schwab chỉ ra bốn lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình nền kinh tế Việt Nam.
Ông Schwab cho rằng thứ nhất là AI và tự động hóa trong sản xuất. Việt Nam, với các ngành công nghiệp như điện tử, dệt may và ô tô, đã đạt được sự phát triển đáng kể.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của AI và tự động hóa sẽ làm thay đổi các quy trình sản xuất, tăng hiệu quả và giảm chi phí. Điều này cũng đặt ra thách thức về việc làm cho lao động tay nghề thấp.
Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai các sáng kiến như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030 nhằm tái đào tạo lực lượng lao động.
Thứ hai, thương mại điện tử và dịch vụ số cần được quan tâm hơn nữa. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 55% dân số sẽ tham gia mua sắm trực tuyến, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, thách thức lớn là đảm bảo hạ tầng số phát triển kịp thời, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Thứ ba, hạ tầng số và đô thị thông minh cần được đầu tư. Chính phủ đang đầu tư mạnh vào xây dựng các đô thị thông minh tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Việc sử dụng IoT, AI và dữ liệu lớn sẽ giúp quản lý đô thị hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, để thành công, cần đầu tư liên tục vào hạ tầng số và đảm bảo khả năng tiếp cận công nghệ cho người dân, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Cuối cùng, Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh việc phát triển bền vững và công nghệ xanh. Kỷ nguyên trí tuệ mang đến cơ hội cho Việt Nam tiên phong trong phát triển bền vững. Đổi mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh và phương tiện giao thông điện sẽ góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh rằng Việt Nam đang chủ động chuẩn bị cho tương lai số. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đưa Việt Nam vào top 50 quốc gia về Chính phủ số và kinh tế số vào năm 2025 là nền tảng quan trọng cho quá trình này.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức về bất bình đẳng xã hội, nguy cơ gia tăng tỷ lệ người nghèo và thất nghiệp, đòi hỏi các chính sách quản lý phù hợp nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực.
Cơ hội quý giá cho thế hệ trẻ Việt Nam
Cũng phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nhấn mạnh tầm ảnh hưởng sâu rộng của Giáo sư Klaus Schwab, người tiên phong trong việc dự báo và phân tích các xu hướng phát triển của thế giới.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, với khả năng truyền đạt kiến thức và khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong giới trẻ, Giáo sư Schwab đã mang đến một cơ hội quý giá để thế hệ trẻ Việt Nam nắm bắt những xu hướng phát triển mới của thế giới.
“Chúng ta cần một thế hệ không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn được trang bị kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới ,” ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Liên quan đến sự phát triển của TP.HCM, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng bày tỏ hy vọng rằng giới trẻ sẽ cùng chung tay xây dựng và phát triển thành phố, khẳng định rằng nền kinh tế tri thức chính là tương lai.
“ Những hành động quyết liệt từ thế hệ trẻ sẽ quyết định sự thành công của quốc gia và địa phương đó" , ông Mãi nói và cho rằng TP.HCM luôn là trung tâm hội tụ nhân tài từ khắp cả nước, là môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hàng năm, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tổ chức tại đây thu hút hàng ngàn ý tưởng và dự án từ học sinh, sinh viên và các nhà khoa học trẻ. Nhiều trong số đó liên quan đến công nghệ, vật liệu mới và kỹ thuật môi trường.
Sự bùng nổ của phong trào sáng tạo này đã chứng minh năng lực và sức sáng tạo của giới trẻ TP.HCM, góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức - một yếu tố then chốt trong quá trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.