CHỦ TỊCH CLB HẢI PHÒNG PHÁT BIỂU GÂY SỐT
"Khi có bàn thắng, VAR cứ phải quay lại, làm tụt hứng, làm tụt cảm xúc của khán giả. Khi khán giả đang ào lên, đang bùng nổ thì trên màn hình lại xuất hiện "Kiểm tra bàn thắng", chủ tịch Văn Trần Hoàn của CLB Hải Phòng nói sau trận hòa 1-1 của đội nhà với Thể Công Viettel vào tối qua (2/3).
Ông tiếp tục: "Các góc máy của VAR chưa nói được hết lên sự công bằng của trận đấu.
VAR là rất tốt. VAR mang lại sự công bằng cho bóng bá. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, tôi thấy VAR chỉ mang lại sự công bằng cho một trận đấu, chứ chưa công bằng cho một giải đấu, bởi miền Bắc thì có VAR, còn miền Nam không có, trong khi các trận đấu đều chung hệ thống của giải V.League.
Theo tôi, VAR bây giờ chưa nên có, bởi chưa đáp ứng đầy đủ thì đừng làm, chứ làm thế này lại phản tác dụng của VAR".
VÌ SAO VAR CHƯA THỂ PHỦ SÓNG TOÀN BỘ V.LEAGUE?
Cuộc đọ sức giữa CLB Hải Phòng và Thể Công Viettel là 1 trong 3 trận đấu có VAR ở vòng 12. Vậy tại sao ban tổ chức không thể bố trí VAR ở toàn bộ 7 trận đấu của mỗi vòng V.League?
Hiện tại, VPF đang có 2 xe VAR. Mỗi vòng sẽ có tối đa 4 trận đấu áp dụng VAR. Các trận đấu này thuộc khu vực từ sân vận động Hà Tĩnh đổ ra. Sau khi FIFA tài trợ thêm 2 xe VAR nữa, VPF sẽ tính toán để tất cả các trận đấu đều được hỗ trợAR.
Nguyên nhân số lượng xe VAR mới chỉ có 2 chiếc bởi để triển khai công nghệ này yêu cầu số tiền không hề nhỏ.
Cận cảnh xe VAR tại V.League. (Ảnh: Như Đạt)
Chi phí mỗi xe VAR vào khoảng 9 đến 11 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí vận hành, nhân sự liên quan và các khoản phát sinh. Theo tìm hiểu, để đưa được VAR vào áp dụng tại V.League 2023/24, con số ban tổ chức phải bỏ ra rơi vào khoảng 3 triệu USD (hơn 70 tỷ đồng).
FIFA quy định rất nghiêm về việc áp dụng VAR, yêu cầu các liên đoàn thành viên muốn áp dụng cần triển khai đúng với quy chuẩn do tổ chức này đề ra. Trên thế giới cũng chỉ có 2 nhà cung cấp thiết bị công nghệ VAR do FIFA chỉ định, khiến ban tổ chức V.League không có nhiều lựa chọn về giá cả.
Hơn nữa VAR ở V.League hiện tại có thể coi là dạng VAR "con nhà nghèo". VPF hiện đang sử dụng gói VAR Light với 8 camera. Trong khi đó, gói VAR hoàn chỉnh có thể lên đến 42 camera nhưng chi phí hơn rất nhiều.
Còn nhớ trong lần đầu được áp dụng tại World Cup 2018, chi phí cho VAR ở mỗi trận đấu rơi vào khoảng 700.000 USD (hơn 17 tỷ đồng). Khi ấy, chủ nhà Nga triển khai VAR với 33 camera đặt quanh sân. FIFA sau đó công bố thống kê VAR ở World Cup 2018 đã giúp quyết định của các trọng tài tăng độ chính xác từ 95% trước đó lên thành 99,3%.
Sau kỳ World Cup đó, VAR dần bắt đầu xuất hiện ở các giải đấu trên toàn thế giới. Tuy nhiên tùy thuộc vào tình hình tài chính ở mỗi nơi, chất lượng VAR lại khác nhau.
Hiện tại ở Đông Nam Á, chỉ có giải đấu ở Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam áp dụng VAR. Với V.League, ban tổ chức có lẽ cũng mong muốn VAR sẽ sớm có mặt ở cả 7 trận đấu, tuy nhiên điều này cũng cần có lộ trình phù hợp để triển khai.