Chủ tịch CLB phản ứng trọng tài: Cần "chuyên nghiệp" làm gì, khi đã có dư luận?

Phan Huỳnh Tuấn |

V-League 2017 lại "lên cơn sốt nóng" bởi sự bức xúc của quyền chủ tịch Lê Công Vinh của CLB TP.HCM với vấn đề trọng tài trong trận đấu mà CLB của anh để thua trước FLC Thanh Hóa.

Chuyện Quốc Phương (FLC Thanh Hóa) "bỏ bóng đạp người" với Âu Văn Hoàn đang là chủ đề gây xôn xao mấy ngày nay. Nhưng ở đây, xin không bàn đến sự việc ấy mà hãy nói về thái độ của những người có liên quan. 

Giám sát Đoàn Phú Tấn sau trận đấu đã chia sẻ, rằng Công Vinh đã xuống phàn nàn vấn đề trọng tài, và khi ông kéo anh đi kèm lời nhắc "Có gì muốn nói thì nói với tôi", Công Vinh đã lên tiếng: "Tôi nói với chú làm chi? Chú là cái chi? Tôi sẽ đưa lên công luận!".

Tất nhiên là Công Vinh cũng đã phản hồi rằng anh chỉ phàn nàn thôi chứ không có những lời "nói hỗn", nhưng có lẽ lời ông Đoàn Phú Tấn kể lại là chính xác, vì những gì diễn ra tiếp theo rất phù hợp.

Công Vinh sau khi đăng đàn trên báo chí nói ra hết những bức xúc của mình, thì cũng đã cho biết rằng có lẽ đội bóng của anh sẽ không kiện cáo gì cả, chỉ mong dư luận và các chuyên gia bóng đá biết đến trường hợp này mà thôi.

Cho rằng mình bị xử ép mà không gửi đơn khiếu nại, chỉ "đánh động" dư luận thì liệu có phải là hành động chuyên nghiệp? Nhất là đối với một cựu danh thủ dành hơn chục năm cho sự nghiệp bóng đá, từng được coi là cầu thủ chuyên nghiệp nhất Việt Nam, từng được thi đấu ở những giải đấu châu Âu và Nhật Bản như Lê Công Vinh.

Mà ở V-League không chỉ có Công Vinh hành động như thế.

Cách đây không lâu, ông bầu nổi tiếng Đoàn Nguyên Đức cũng đã có một cuộc trả lời phỏng vấn, khi phóng viên hỏi chuyện tại sao HAGL không khiếu nại việc cầu thủ bị tiền đạo Samson của Hà Nội FC phạm lỗi thô bạo, bầu Đức cũng cho rằng với vị trí là phó chủ tịch VFF, nếu ông chỉ đạo cấp dưới khiếu nại thì hơi "kỳ kỳ", và rằng ông thấy dư luận cũng đã lên tiếng nên chắc BTC sẽ không thể làm ngơ.

Ngay cả một cầu thủ chuyên nghiệp nhất Việt Nam, hay một ông bầu của một đội bóng cũng thuộc loại chuyên nghiệp hàng đầu V-League mà còn như vậy thì giải bóng đá quốc gia thiếu chuyên nghiệp cũng đâu có gì lạ.

Mà dường như nhiều người vẫn hiểu sai từ "chuyên nghiệp". Chuyên nghiệp ở đây không phải là làm việc 100% chính xác, mà làm việc tuân thủ quy trình, chấp hành nghiêm chỉnh các luật lệ và nội quy. Nếu luật sai thì đóng góp chất xám để sửa lại cho phù hợp, nhưng khi đã ban hành ra thì phải tuân theo.

Khiếu nại ở đâu, kháng cáo ở đâu... đều phải làm theo quy định. Các giải bóng đá hàng đầu thế giới như Premier League, La Liga, Serie A... có những lùm xùm trọng tài sai sót, thiên vị... hay không?

Tất nhiên là có, nhưng không ai dám nói những giải đấu đó thiếu chuyên nghiệp, vì các CLB của họ biết dựa vào luật, biết trưng ra các bằng chứng để kháng cáo, khiếu nại đúng luật, và quan trọng là sau đó họ biết chấp nhận phán quyết của cơ quan quản lý, chấp nhận luật chơi.

Chuyện dùng sức mạnh của truyền thông báo chí, của dư luận, nếu có thì chỉ là hành động phụ, chứ không phải là cách hành xử duy nhất.

Những đóng góp của bầu Đức hay Lê Công Vinh, cũng như rất nhiều những ông bầu, những chủ tịch khác đối với bóng đá Việt Nam là không ai có thể phủ nhận. Nhưng cũng xin những vị chủ tịch nhớ rằng họ chính là một phần của nền bóng đá, nếu có người nói rằng nền bóng đá đất nước này đang "nát bét", thì các vị cũng có phần trách nhiệm trong đó.

Tính chuyên nghiệp của một giải đấu, bắt nguồn từ sự chuyên nghiệp của mỗi CLB thành viên mà ra.

Bóng đá Việt đang cần những con người hành động. Hãy hành động đi chứ đừng chỉ nói suông. Bắt đầu từ việc đấu tranh với những bất công mà đội bóng phải chịu một cách đúng luật, đừng lôi dư luận vào cuộc hết lần này đến lần khác nữa, vì "dư luận" vốn không thể là quan tòa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại