Ngày 13-9, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đang khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy karaoke làm 32 người tử vong, cũng như chia sẻ mất mát với gia đình các nạn nhân.
Theo đó, hiện địa phương đã hỗ trợ mỗi trường hợp tử vong 97 triệu đồng, 2 nạn nhân bị thương nặng đang được tích cực điều trị tại bệnh viện, các nạn nhân bị thương nhẹ cũng đã được tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/người, trước đó UBND TP Thuận An cũng đã trực tiếp đi thăm hỏi, động viên và hỗ trợ.
Ông Võ Văn Minh (áo trắng giữa) cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến bệnh viện thăm các nạn nhân trong vụ cháy
Thông tin rõ hơn về vụ cháy tại quán karaoke An Phú, ông Minh cho biết vào lúc 20 giờ 40 phút ngày 6-9, Công an tỉnh nhận được tin báo về vụ cháy tại quán karaoke. Sau đó khoảng 5 phút, lực lượng chính quyền địa phương có mặt tại hiện trường. Và sau đó khoảng 12 phút, Công an có mặt tại nơi xảy ra cháy.
Đám cháy đã được dập tắt vào khoảng 21 giờ 30 phút, có nghĩa là trong khoảng 50 phút, đám cháy được khống chế và lực lượng chức năng thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn (CHCN).
"Phạm vi của cơ sở bị cháy này nhỏ, thời gian tiếp cận để CHCN nhanh nhưng hậu quả để lại rất lớn, thiệt mạng 32 người. Trong đó, nguyên nhân chính là do đặc điểm quán karaoke này xây theo mô hình nhà phố hình ống, khói độc đổ lên cao nên gây thiệt hại về người rất lớn"- ông Minh nói.
Sau khi vụ việc xảy ra, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ, chính xác, rõ ràng cho các cơ quan truyền thông. Đồng thời, Công an tỉnh đã khởi tố hình sự vụ án để điều tra làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vụ việc này.
Công an tỉnh cũng đã tập trung ra quân rà soát lại tất cả các cơ sở karaoke trên địa bàn. Tính đến sáng 12-9, lực lượng công an các địa phương đã kiểm tra 85% cơ sở karaoke, theo tính toán trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương có 231 cơ sở kinh doanh. Đã phạt hành chính 118 trường hợp, đồng thời đình chỉ hoạt động 24 cơ sở. Và tiếp tục thực hiện 15% số cơ sở còn lại.
Khoảng 12 phút sau công an đã có mặt tại đám cháy
Ông Minh cho rằng sau vụ cháy này, địa phương rút ra một số bài học. Thứ nhất, đối với công tác CHCN, người chỉ huy tại hiện trường cần phải khẩn trương, linh hoạt trong cơ cấu lực lượng, phương tiện để tiếp cận, trinh sát nắm tình hình, khẩn trương đưa ra phương án cứu người còn sống.
Người lãnh đạo chỉ huy cao nhất phải thực hiện tốt công tác chỉ huy điều hành các lực lượng để phát huy hiệu quả công tác cứu nạn khi vụ việc xảy ra.
Thứ hai, đối với các vụ xảy cháy tại các cơ sở karaoke có thiết kế xây dựng khép kín, nhà ống, nhiều vật liệu dễ cháy, và có nhiều khí độc, phải sử dụng các biện pháp phá dỡ tường xây để giảm khí độc và tiếp cận để cứu nạn nhân.
Mặc dù Bộ Công an và Bình Dương đã đầu tư thiết bị chữa cháy nhưng vụ việc vừa qua cho thấy việc tiếp cận hiện trường còn khó khăn. Việc đục tường, khoan bê tông rất khó, mỗi lỗ khoan phải mất gần một tiếng đồng hồ. Như vậy thời gian vàng để cứu nạn nhân qua đi.
Đối với công tác quản lý nhà nước, theo ông Minh, việc thẩm định PCCC, đặc biệt là đối với các cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar… cần hết sức chặt chẽ, kiên quyết xử lý nghiêm đối các trường hợp cơi nới sai.
Đồng thời phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về PCCC.
Nhấn mạnh ý thức của người dân về PCCC rất quan trọng, ông Minh lý giải, vụ việc xảy ra, lực lượng cơ sở, chủ cơ sở nếu làm tốt công tác hướng dẫn người dân, khách tham gia dịch vụ tại đây, và bản thân khách nếu có sự quan tâm đến PCCC thì trước khi bước vào các cơ sở, có thể xem xét trước các cơ sở có đảm bảo hay không.
Ông Minh cũng cho rằng tăng cường công tác hậu kiểm là hết sức quan trọng. Nhìn chung lực lượng PCCC ở Bình Dương, lực lượng công an nói chung biên chế khó khăn nhưng anh em rất nỗ lực. Tuy nhiên, với số lượng cơ sở kinh doanh trên địa bàn lớn, anh em cũng khó đảm nhận xuể. Chính vì vậy cần tiếp tục tăng cường hậu kiểm để phát hiện kịp thời các điểm bất cập và xử lý.
Khoảng 50 phút sau các lực lượng đã khống chế được đám cháy
Từ đó, người đứng đầu chính quyền địa phương này kiến nghị ngành công an cần tiếp tục quan tâm để đảm bảo thiết bị CHCN chuyên dụng, đặc biệt thiết bị tháo dỡ công trình trong thời gian ngắn nhất. Ví dụ như có thiết bị chuyên dụng khoan cắt bê tông trong vòng 3 phút, như vậy mới có khả năng thực hiện tốt công tác CHCN.
Bình Dương cũng đề nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát lại các tiêu chuẩn, tiêu chí về PCCC đối với các cơ sở kinh doanh; đặc biệt là đối với cơ sở kinh doanh dễ gây cháy như karaoke, vũ trường cũng như mô hình kinh doanh của các hộ dân vừa ở vừa kết hợp kinh doanh - cái này rất phổ biến giữa các đô thị.
Cùng với đó, Bộ Công an quan tâm chỉ đạo bố trí các nguồn lực về cứu hộ, đặc biệt là các thiết bị chuyên dụng để phục vụ cho công tác cứu hộ hiện nay.
Liên quan đến vụ cháy, hiện Công an tỉnh Bình Dương đang phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học hình sự và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, khám nghiệm hiện trường để xác định nguyên nhân vụ cháy.