Tại nhà máy Asanzo đặt ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Tân, TP HCM, ông Phạm Văn Tam vừa tự tay tháo lắp sản phẩm tivi Asanzo vừa trần tình về sự việc. Ông cho biết, quy trình sản xuất một chiếc tivi của Asanzo bao gồm các phần lắp ghép bộ phận bo mạch – panel – mặt kính, chạy hệ điều hành mà công ty tự phát triển, đóng nắp nhựa mặt sau tivi, bắt ốc vít và dán các loại tem bảo hành khác nhau, bỏ tivi vào túi giấy và cuối cùng là thùng giấy.
Linh kiện của tivi Asanzo có bo mạch và panel lưng nhập từ Trung Quốc, màn hình kính nhập của Samsung. "Riêng bo mạch phát triển theo thiết kế của Asanzo nhằm phù hợp với đặc thù của từng vùng của Việt Nam", ông Tam nói.
Người đứng đầu Asanzo cho rằng, việc Asanzo bóc tem Made in China rồi dán đè tem xuất xứ Việt Nam lên phía trên sản phẩm là không có trong quy trình sản xuất của hãng. CEO cho biết con tem Trung Quốc được dán trên linh kiện panel lưng tivi. Tem Việt Nam dán đằng sau tivi, khi sản phẩm hoàn thiện bước cuối cùng.
Ông Tam trần tình, nhiều linh kiện điện tử trong tivi và điện thoại mà Việt Nam chưa sản xuất được, đều là hàng nhập Trung Quốc. Trong khi đó, tem Trung Quốc nằm bên trong linh kiện, qua tấm nhựa lưng và tem bảo hành (vốn được yêu cầu giữ nguyên để thực hiện chế độ bảo hành), người tiêu dùng đâu thể thấy được. Vậy việc cạo tem Trung Quốc, dán tem Việt để làm gì, vì như vậy chỉ khiến quy trình thêm rắc rối?
Về lô hàng linh kiện lò nướng thủy tinh bị Cục Hải quan TP.HCM kiểm tra ngày 7/9/2018, ông Tam khẳng định, đơn vị đã ngừng sản xuất các mặt hàng này từ giữa năm 2018.
Vị này cho biết thêm thị trường có 2 dòng sản phẩm khác nhau nhưng cùng logo Asanzo, đó là thiết bị điện gia dụng được Asanzo lắp ráp trong nửa đầu năm 2018 trở về trước và gắn nhãn Việt Nam và sản phẩm do công ty phụ trợ của Asanzo nhập khẩu về Việt Nam và có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong đó, việc thông qua các công ty phụ trợ nhập hàng gia công Asanzo ở nước ngoài về Việt Nam và bán lại cho Asanzo là cách nhằm đảm bảo sự linh động của nguồn vốn.
"Hiện đang có khoảng 100 công ty phụ trợ cung cấp hàng cho Asanzo. Chúng tôi sẽ nhờ đến luật sư kiểm tra, xem xét và báo cáo, công ty phụ trợ nào không đạt chất lượng sẽ ngừng hợp tác", ông Tam nói.
Cuối năm 2013, CEO Phạm Văn Tam thành lập Asanzo, định vị dòng sản phẩm tivi có kích thước tầm trung từ 21, 24 – 32 inch, mức giá rẻ, tập trung vào phân khúc khách hàng ở nông thôn và các vùng như Tây Nguyên, miền Tây sông nước.
Chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, Asanzo đã đạt doanh số hơn 100.000 chiếc tivi. Năm 2015, con số này đã tăng gấp 3 lần. Năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017.
Không chỉ tập trung ở mảng tivi, Asanzo lấn sân sang làm điều hòa, smartphone, đồ gia dụng. Tuy nhiên, tivi là sản phẩm chủ đạo, chiếm 90% doanh thu của cả Tập đoàn.