Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã chính thức khai mạc ở thành phố Đà Nẵng từ ngày 6/11. Với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, hơn 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế cùng hàng nghìn phóng viên của các hãng thông tấn báo chí, đây được xem là sự kiện đối ngoại lớn nhất trong nhiều năm qua, "là sự kiện lịch sử trong tiến trình hội nhập của Việt Nam", theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Chủ tịch APEC CEO Summit.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết trong Tuần lễ Cấp cao APEC, các hoạt động của doanh nghiệp là không thể thiếu. "Nó chiếm vị trí rất quan trọng", ông nhấn mạnh. Theo đó, APEC CEO Summit sẽ trở thành sự kiện lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và Việt Nam từ trước đến nay với sự tham dự của những nhà lãnh đạo, các "gã khổng lồ" đến từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
"Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt", TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ. Bởi như ông nhận định, thế giới đang biến đổi một cách mạnh mẽ với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặt các nền kinh tế trước những thử thách và cơ hội chưa từng có. Bên cạnh đó, dù hội nhập và toàn cầu hoá vẫn là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, nhưng khác với 11 năm trước, khi Việt Nam đăng cai APEC lần đầu (năm 2006), tại kỳ APEC này, "cái bóng" của chủ nghĩa bảo hộ đã trở lại.
"Nước Mỹ đang tìm kiếm những cách tiếp cận mới với các vấn đề toàn cầu và định vị lại vị thế của mình, trong khi đó, vai trò của Trung Quốc đang nổi lên", ông Lộc nói.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra cảnh báo về kinh tế toàn cầu và khu vực APEC dù vẫn có xu hướng tăng trưởng như trong dài hạn vẫn sẽ thấp hơn các thập kỷ trước. Nguyên nhân là năng suất thấp và bất bình đẳng tăng lên khi rất nhiều đối tượng bị bỏ lại phía sau. Như ông Lộc chỉ ra, đó là các quốc gia đang phát triển, khu vực nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, phụ nữ…
Bất bình đẳng gia tăng là mối đe doạ tới sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực, tạo áp lực cho chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Nhiều chuyên gia đã đánh giá 2017 là một trong những năm thách thức nhất đối với các cơ chế hợp tác đa phương trên toàn cầu – "APEC cũng không ngoại lệ", theo Chủ tịch APEC CEO Summit.
Do đó, nền kinh tế thế giới đang đòi hỏi một sự định hình mới và sự định hình này trước hết sẽ diễn ra tại APEC, khu vực đang dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu. Dưới góc nhìn của ông Vũ Tiến Lộc, sự kiện APEC lần này vừa hệ trọng, vừa thú vị bởi nó là cơ hội để các nhà lãnh đạo thẳng thắn nhìn lại các chính sách, mô hình tăng trưởng và sự thất bại của chúng trong việc tiến tới thịnh vượng chung. Tuy nhiên, ông Lộc cũng nhận định, giữa Việt Nam và APEC đang có một "chữ duyên", theo văn hoá phương Đông khi cả hai đang tìm kiếm những động lực mới cho cải cách và phát triển.
"Bước vào thập kỷ thứ 4 kể từ khi bắt đầu đổi mới, Việt Nam đang cần một làn sóng cải cách thứ hai. APEC cũng đang chuẩn bị bước vào thập kỷ phát triển thứ 4. Và Việt Nam cũng là nền kinh tế nhận được rất nhiều lợi ích từ toàn cầu hóa, từ khu vực APEC, nếu không muốn nói là nhiều nhất", ông Vũ Tiến Lộc nhận xét.
Nhìn lại cả một tiến trình, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng nếu như Việt Nam bắt đầu đổi mới bằng những nỗ lực tự cải cách, sau đó được tiếp sức bằng những cam kết hội nhập mạnh mẽ, thì bây giờ đã tới lúc chúng ta phải vươn tới những chuẩn mực cao của thế giới.
Và trên thực tế, Việt Nam đã đĩnh đạc tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chứ không chỉ tham gia vào những chính sách đã được được bàn thảo xong theo kiểu "ván đã đóng thuyền".
APEC lần này sẽ là một cơ hội lớn tiếp theo cho Việt Nam. Tất nhiên quá trình này cần sự chung tay của tất cả, nhưng với vị thế nền kinh tế chủ nhà, Việt Nam có thể gợi mở và dẫn dắt các thảo luận, định hướng các nội dung.
Bên cạnh đó, việc tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC lần này sẽ khẳng định một thông điệp quan trọng: Việt Nam có thể tư duy cùng một đẳng cấp với toàn cầu. Cho tới thời điểm này, các đề xuất của cộng đồng kinh doanh APEC vẫn cơ bản nằm trong khung định hướng mà nước chủ nhà Việt Nam đưa ra. Tuần lễ Cấp cao APEC cũng là cơ hội lớn để Việt Nam xúc tiến thương mại, đầu tư. Các hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp "nhân đôi" giá trị gia tăng cho Việt Nam trong tuần lễ cấp cao này.
TS. Vũ Tiến Lộc cho biết trong các cuộc đối thoại, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau bàn thảo về nhiều vấn đề, trong đó, tập trung vào bốn nhóm vấn đề lớn.
Mặc dù các quan điểm chống lại toàn cầu hoá có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng doanh nghiệp APEC vẫn coi hội nhập về thương mại, đầu tư là con đường tốt nhất cho phát triển kinh tế và khẳng định WTO vẫn là nền tảng của thương mại và thịnh vượng toàn cầu.
"Ủng hộ và hỗ trợ WTO trong các mục tiêu toàn cầu hóa, đẩy mạnh tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực để đạt được các mục tiêu Bô-go, hình thành khu vực thương mại tự do Châu Á Thái Bình Dương (FTAAP), theo đuổi chương trình nghị sự mới về dịch vụ… là những hướng đi quan trọng của APEC", TS. Vũ Tiến Lộc nói.
Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường cam kết của các nền kinh tế APEC chống lại chủ nghĩa bảo hộ, tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư như tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ (TiSA), Hiệp định Hàng hóa Môi trường (EGA), đề ra lộ trình cạnh tranh về dịch vụ của APEC (ASCR)...
Doanh nghiệp cũng kiến nghị thúc đẩy các nỗ lực dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan có thể làm tăng chi phí kinh doanh, hạn chế đầu tư và tăng trưởng thông qua thúc đẩy công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử.
Chủ tịch APEC CEO Summit thẳng thắn chia sẻ rằng để có thể đạt được những mục tiêu đấy, các nền kinh tế thành viên cần có quyết tâm cao nhằm vượt qua những lợi ích cục bộ, ngắn hạn, những xung đột về địa chính trị, cũng như những khác biệt về văn hóa để tiến tới những lợi ích chung, bền vững theo nguyên tắc tất cả cùng có lợi.
Bên cạnh việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ, ông Lộc nhận định cần phải phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, xoá bỏ sự chia cắt kỹ thuật số, xây dựng thương mại kỹ thuật số và khuyến khích sự di chuyển dữ liệu và thông tin qua biên giới trên khắp khu vực. "Trong kỷ nguyên mới, khi nguồn dữ liệu trở thành tài nguyên cốt lõi thì mỗi nền kinh tế phải coi phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để nâng cao năng lực cạnh tranh là ưu tiên đặc biệt", ông Vũ Tiến Lộc nói.
"MSMEs được coi là huyết mạnh của mọi nền kinh tế trong khu vực", TS. Vũ Tiến Lộc nhận định. MSME chiếm trên 90% doanh nghiệp, sử dụng trên 60% lực lượng lao động, nhưng chỉ chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu.
Hiện với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông, các MSMEs có thể trực tiếp tham gia vào thương mại xuyên biên giới với chi phí thấp thông qua kinh tế số và các nền tảng thương mại điện tử.
Viễn cảnh một nông dân ở Việt Nam có thể trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng ở Mỹ, châu u hay ở bất kỳ quốc gia nào là không còn quá xa vời, nếu giải quyết được những vấn đề liên quan đến thanh toán, hậu cần vận chuyển hàng hóa hoặc giao nhận dịch vụ, và quan trọng hơn là vấn đề xác lập thị trường thương mại điện tử đáng tin cậy cũng như vấn đề an ninh và bảo vệ dữ liệu.
Mặc dù vậy, các chi phí giới thiệu, quảng bá sản phẩm có thể rất tốn kém nên việc kết hợp với các doanh nghiệp lớn trong các chuỗi giá trị rất có ý nghĩa đối với các MSMEs. Bên cạnh đó, để mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn tài chính cho các MSMEs thì cần phải vượt qua được các rào cản về các quy định pháp lý.
Các đề xuất xoay quanh việc xây dựng hệ thống thông tin về tài chính, việc định giá, các giao dịch bảo đảm hay phát triển fintech… cùng nhiều sáng kiến thành lập Mạng lưới Khởi nghiệp APEC và Thị trường doanh nghiệp MSMEs APEC cũng được VCCI và ABAC (Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC) nêu ra như các nền tảng thúc đẩy sự phát triển và quốc tế hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Chủ tịch APEC CEO Summit cho biết đây là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị APEC lần này vì những lợi ích từ tăng trưởng kinh tế đã không được phân bổ đồng đều. Một bộ phận lớn dân cư vẫn chưa nhận được đầy đủ những lợi ích của tự do thương mại.
Sự phát triển mạnh mẽ hạ tầng kỹ thuật số cũng góp phần thúc đẩy phát triển bao trùm vì đem đến lợi ích cụ thể cho các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp phụ nữ làm chủ trong nền kinh tế. Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) và VCCI khuyến nghị tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế, bởi họ phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm việc huy động vốn, tiếp cận thị trường, phát triển kỹ năng và năng lực, cũng như xây dựng các mối quan hệ kinh doanh.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, để thúc đẩy phát triển nền kinh tế sáng tạo, cần tăng cường hợp tác giữa các cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ trong công tác đào tạo, chú trọng các ngành STEM (khoa học, công nghệ, chế tạo và quản trị), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các MSMEs, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Thêm vào đó, cần quan tâm thúc đẩy đầu tư cho việc chăm sóc sức khoẻ để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy hình thành lực lượng lao động có thể lực tốt cũng là vấn đề quan trọng.
"Theo một số tính toán được đưa ra, nếu không có các khoản đầu tư bổ sung, mô hình kinh doanh thông thường hiện nay dự kiến sẽ làm giảm GDP khu vực APEC tới 8,5% do các vấn đề sức khoẻ. Để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ họ tham gia vào thị trường toàn cầu, VCCI và ABAC đã đề xuất sáng kiến về thành lập Mạng lưới Doanh nhân nữ APEC", TS. Vũ Tiến Lộc nói.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết các hàng rào phi thuế quan (yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh và kiểm dịch động thực vật không thỏa đáng về mặt khoa học, các trở ngại trong thủ tục thông quan và các thủ tục hành chính rườm rà khác) đang cản trở, làm tắc nghẽn dòng chảy lương thực và nông nghiệp một cách không cần thiết, đặc biệt là đối với nguồn hàng nông sản từ các nền kinh tế đang phát triển.
Bởi vậy cần thiết phải hài hoà hoá, thừa nhận lẫn nhau và thống nhất các quy định. Doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về việc chưa có tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu an ninh lương thực của APEC, đồng thời khuyến nghị cần có sự tham gia sâu hơn của khu vực tư nhân để bảo đảm an ninh lương thực bền vững.
Về an ninh năng lượng, sự sụt giảm của giá năng lượng được đánh giá là sẽ có những tác động nghiêm trọng tới cả đầu tư của khu vực nhà nước và tư nhân. ABAC cho rằng các chính sách cởi mở và tạo sự cạnh tranh công bằng trên một sân chơi bình đẳng với giá cả dựa trên thị trường, không bị ảnh hưởng bởi các chính sách trợ cấp, là những yêu cầu để thuận lợi hoá việc phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo và tăng cường hợp tác năng lượng đa phương. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu năng lượng Châu Á – Thái Bình Dương, nhiên liệu hoá thạch sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng chính cho khu vực APEC đến năm 2040 trừ khi có các thay đổi đáng kể trong chính sách năng lượng. Đó là điều đáng quan ngại.
Chủ tịch APEC CEO Summit Vũ Tiến Lộc nói rằng với sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp APEC kiến nghị các nền kinh tế APEC nên thực hiện ngay các chính sách kinh tế phù hợp để duy trì sự hồi phục, đặc biệt bằng cách tập trung giải quyết các rủi ro và nắm bắt những cơ hội mà nền kinh tế số mang lại.
Song song đó, cần có những nỗ lực để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng để tạo ra tính năng động mới trong khu vực và giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Các lĩnh vực hoạt động chính của APEC bao gồm thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng, tăng cường liên kết khu vực, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hướng tới phát triển bao trùm, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. "Cộng đồng doanh nghiệp tin rằng tập trung vào những hoạt động chính yếu nêu trên, APEC sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng là xây dựng một cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương phát triển thịnh vượng, một tương lai chung mà không ai bị bỏ lại phía sau", Chủ tịch APEC CEO Summit Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.