Chủ nợ - "bạn vàng" Trung Quốc bỏ rơi Venezuela giữa cơn bĩ cực

Quang. T |

Giữa cơn khốn khó, với lạm phát có thể lên tới 700%, và người dân phải chạy ra nước ngoài mua từng cuộn giấy vệ sinh, Venezuela đột nhiên nhận ra rằng Trung Quốc đã bỏ rơi họ.

Chủ nợ quan trọng nhất

Sau khi đã đổ hàng chục tỷ USD vào Venezuela trong thập kỷ trước, Trung Quốc đang cắt dần các khoản vay mới dành cho đất nước Mỹ Latinh. Theo các chuyên gia, đây là sự thay đổi lớn trong quan hệ hai nước. Nó xảy ra vào đúng thời điểm tồi tệ nhất của Venezuela, đất nước đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo.

"Trung Quốc không muốn cho Venezuela vay thêm tiền nữa", Margaret Myers, giám đốc tổ chức Inter-American Dialogue, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington vẫn theo dõi các khoản vay giữa Trung Quốc với Mỹ Latinh cho biết.

Chủ nợ - bạn vàng Trung Quốc bỏ rơi Venezuela giữa cơn bĩ cực - Ảnh 1.

Siêu thị trống rỗng trong cuộc khủng hoảng ở Venezuela

Từ năm 2007 đến nay, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã cho Venezuela vay 60 tỷ USD, nhiều hơn bất cứ nước Mỹ Latinh nào khác. Trung Quốc được coi là chủ nợ quan trọng nhất của Venezuela.

Trong số tiền vay nói trên, Venezuela hiện còn nợ Trung Quốc khoảng 20 tỷ, và không có dấu hiệu nào cho thấy họ có khả năng hoàn trả, trong khi còn phải chèo chống vất vả với cuộc khủng hoảng.

Phần lớn khoản vay được Venezuela trả cho Trung Quốc bằng dầu mỏ. Chỉ riêng trong năm ngoái, công ty dầu khí nhà nước PDVSA của Venezuela đã chuyển cho Trung Quốc 579.000 thùng dầu mỗi ngày.

Nhưng năm nay, Venezuela, nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, đã phải đối diện với thực tế là sản lượng của họ tụt xuống mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Một số nhà cung cấp dịch vụ dầu khí đã giảm đáng kể các hoạt động, do chính phủ Venezuela không thanh toán được cho họ các khoản nợ.

Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đã không biết cách quản lý các nguồn tài nguyên và đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Giờ đây, Trung Quốc đã hết sạch kiên nhẫn.

"Người Trung Quốc đã để người Venezuela làm những việc dại dột", Derek Scissors, học giả của American Enterprise Institute, người chuyên theo dõi tình hình đầu tư của Trung Quốc trên khắp thế giới nhận xét. "Họ không muốn những việc như thế tiếp tục diễn ra".

Khi được hỏi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc im lặng. Bộ Tài chính Venezuela cũng phản ứng theo cách tương tự.

Giống như chính phủ, các công ty Trung Quốc cũng đang mất dần hứng thú với Venezuela. Từ năm 2010, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư tới 2,5 tỷ USD mỗi năm vào các dự án ở đất nước Nam Mỹ này. Nhưng trong nửa đầu năm nay, họ chỉ rót vào đây 300 triệu USD.

Thắt chặt hầu bao

Scissors nhấn mạnh rằng tình hình có thể thay đổi nếu từ giờ đến cuối năm, Trung Quốc đồng ý cho Venezuela vay một khoản lớn. Nhưng theo ông, Bắc Kinh tỏ ra không còn hứng thú với việc đổ tiền cho Caracas nữa.

Tâm lý lạnh nhạt này đã xuất hiện từ cuối năm ngoái, khi Công ty đường sắt Trung Quốc dừng việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc mà họ đã triển khai ở Venezuela. Địa điểm dự án, vốn từng là biểu tượng của một mối quan hệ thăng hoa, thì nay bị bỏ hoang.

Chủ nợ - bạn vàng Trung Quốc bỏ rơi Venezuela giữa cơn bĩ cực - Ảnh 2.

Địa điểm của dự án tàu cao tốc với Trung Quốc đã trở thành bãi hoang

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc lâu nay vẫn coi Venezuela là một trong những đồng minh hàng đầu ở Mỹ Latinh. Đổi lại các khoản vay hậu hĩnh và phát triển hạ tầng, Trung Quốc muốn có một nguồn dầu mỏ ổn định trong nhiều năm tới.

Và không chỉ có thế. Tại Hội nghị cấp cao phong trào Không liên kết diễn ra tại Venezuela mới đây, khi nước chủ nhà, đồng thời là chủ tịch luân phiên của phong trào từ chối cập nhật tình hình Biển Đông vào tuyên bố chung, một số nhà phân tích cũng cho rằng có bóng dáng Trung Quốc trong quyết định đó.

Nếu không có cuộc khủng hoảng tồi tệ tại Venezuela hiện nay, quan hệ Bắc Kinh - Caracas có thể sẽ tiếp tục nở hoa.

Đầu năm ngoái, khi được hỏi liệu Trung Quốc có sẵn sàng bày tỏ sự ủng hộ với chính phủ Venezuela, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nói những lời "có cánh" về "cơ chế hợp tác toàn diện và hiệu quả trong lĩnh vực tài chính", và rằng "hợp tác hai nước vẫn đang diễn ra trơn tru, thuận lợi".

Nhưng tham vọng của Trung Quốc đã vấp phải thực tế khắc nghiệt tại Venezuela, nơi lạm phát có thể lên đến 700% theo ước tính của IMF. Đồng tiền nước này đang lao dốc, và nhiều chuyên gia cho rằng, Venezuela có thể vỡ nợ.

Do các khoản thu teo lại, Venezuela thậm chí không còn khả năng chi trả cho nhiều mặt hàng thiết yếu phải nhập khẩu như thuốc men, thực phẩm, dẫn đến thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng. Một số người Venezuela phải sang tận Mỹ để mua giấy vệ sinh, cá ngừ...

Giữa lúc làn sóng biểu tình đòi Tổng thống Maduro từ chức, chính phủ của ông lúc này phải tự xoay xở mà không có sự trợ giúp của Trung Quốc.

"Trong trường hợp cụ thể của Venezuela, thực tế là người Trung Quốc không còn tự muốn tự nguyện nhận vai trò người cho vay cuối cùng", Mauro Roca chuyên gia kinh tế Mỹ Latinh tại Goldman Sachs nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại