Khoanh vùng vừa đủ để dập dịch và phát triển kinh tế
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ vào chiều tối 3/8, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương ngày 2/8, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề xuất cách ly Đà Nẵng và nêu kinh nghiệm chống dịch ở Vũ Hán (Trung Quốc), quan điểm của Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, đối với ổ dịch tại 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, khi dịch bùng phát đã được khoanh vùng ngay.
Ông nói, mặc dù là ngày nghỉ nhưng Thủ tướng đã họp và chỉ đạo rất quyết liệt, đưa ra các giải pháp đồng bộ.
Các ổ dịch bao gồm ba bệnh viện (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương và chỉnh hình); khu dân cư, nhà hàng, dịch vụ... quanh các bệnh viện này và những người từng đến và đi từ các ổ dịch này cũng được rà soát, cách ly.
"Quan điểm chung, các vùng dịch chúng ta phải khoanh, dập", ông Dũng nói.
Những vùng khác không phải ổ dịch, như thôn Bùi (Hòa Tiến, Hưng Hà, Thái Bình), theo Bộ trưởng Dũng, người ta chỉ khoanh vùng, giãn cách xã hội thôn và khoanh vùng với bán kính nhỏ vừa đủ để dập dịch nhưng vẫn bảo đảm kinh doanh, thông thương của nền kinh tế.
"Kinh nghiệm các nước cũng đều thực hiện chiến lược "mục tiêu kép" như chỉ đạo của Thủ tướng đã chỉ đạo ở Việt Nam.
Hiện phần lớn các địa phương chưa có dịch, chưa phát hiện ca nhiễm Covid-19, có địa phương có ca dịch xuất phát từ ổ dịch Đà Nẵng… Chúng ta phải tính toán làm sao vừa đủ chứ không đưa ra trạng thái cứng quá", ông Dũng nói.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ lấy thêm bài học từ Singapore, khi có dịch bệnh bùng phát ở khu công nhân, Chính phủ đã đóng cửa toàn quốc, vì vậy sau đó cần nguồn lực lớn để "giải cứu" nền kinh tế, trong khi 99% ca lây nhiễm chỉ trong khu ký túc xá của công nhân.
Ông nói thêm, nhiều chuyên gia của Singapore cho rằng chỉ cần cách ly khu ký túc xá của công nhân là giải quyết được vấn đề, không cần đóng cửa toàn quốc vì nó gây ra hậu quả vô cùng lớn. Quyết định thực hiện giãn cách, phong toả thế nào là vấn đề rất quan trọng.
"Về ý kiến của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Thủ tướng sẽ tiếp tục nghiên cứu, để làm sao hợp lý, bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép" là phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội trong thời điểm hiện nay", ông Dũng nêu rõ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nói thêm, một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM phản ứng rất nhanh, tạm thời dừng những hoạt động tụ tập đông người và những hoạt động chưa phải thiết yếu. Đây là những biện pháp rất tích cực của các thành phố và đây là hai thành phố rất có kinh nghiệm trong vấn đề này.
Tất cả "đội quân" có kinh nghiệm nhất ở chống dịch đợt 1 đều được đưa vào Đà Nẵng
Trả lời thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phân tích, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dịch ở Đà Nẵng đã âm thầm lây nhiễm trong vòng 1 tháng và đã diễn ra 2 - 2,5 chu kỳ rồi, nên phải chuẩn bị tinh thần áp dụng biện pháp cao nhất.
Việc này, có nghĩa là yêu cầu tất cả người dân ở trong nhà và hàng tuần cử 1 người đại diện gia đình ra ngoài mua đồ ăn Tiếp đó, người này không được đi ra ngoài nữa mà cử người khác mang đến.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
"Chúng tôi tiếp thu và nghiên cứu phương án của Bí thư Thành ủy TP.HCM đưa ra để áp dụng phù hợp với tình hình dịch bệnh của chúng ta", ông Cường nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, việc khống chế dịch ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác nhiều kinh nghiệm nhất do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn và Thứ trưởng Sơn hôm qua,có nói sẽ ở đến khi nào hết dịch thì thôi.
Cùng với đó, trong đoàn có đội điều trị, đội dập dịch cũng rất nhiều kinh nghiệm. Tong đó có các bác sỹ từng tham gia dập dịch ở Bạch Mai, ngay Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cũng trực tiếp vào Đà Nẵng.
Tất cả đội quân có kinh nghiệm nhất ở đợt 1 phòng chống dịch đều được đưa vào chiến dịch này.
Ông nói thêm, lực lượng chức năng đã tiến hành khoanh vùng cách ly, tiêu độc khử trùng để dập dịch ở 3 bệnh viện ở Đà Nẵng và một số điểm ghi nhận có ca mắc cộng đồng. Sau đó tiến hành phong tỏa những nơi nguy cơ lây nhiễm cao.
"Hiện chúng tôi huy động hơn 1.000 người gồm sinh viên trường y, quân đội để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch Đà Nẵng, với tinh thần hết sức quyết liệt.
Hiện tình hình đang trong tầm kiểm soát tốt, truy vết rất quyết liệt để dịch không lây lan trên diện rộng. Hy vọng thời gian tháo gỡ tình hình này sớm", ông Cường nói thêm.
Về câu hỏi liên quan đến việc Chủ tịch TP Đà Nẵng cho rằng hướng tới cách ly tại nhà, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, hiện khu cách ly tập trung tương đối đông và 1 số khu quá tải, cho nên đã sẵn sàng phương án cách ly tại nhà.
"Chúng tôi chuẩn đã bị phương án này từ lâu và sẽ đưa ra cụ thể sẵn sàng thực hiện khi có lệnh của Ban chỉ đạo", ông Cường nêu rõ.