Trình bày tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đạt được những kết quả quan trọng như: việc quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được bảo đảm chặt chẽ, trang bị đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích; công tác bảo quản, kiểm kê vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đi vào nền nếp; công tác tuyên truyền, đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao; hoạt động đấu tranh phòng, chống sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được đẩy mạnh; công tác kiểm tra, vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được Bộ Công an, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên thực hiện.
Do đó, đã nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới.
Do vậy, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và để tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới thì việc xây dựng Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là cần thiết.
Về sự cần thiết phải ban hành dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại diện Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, đa số ý kiến tán thành về sự cần thiết ban hành luật như nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh rằng, Pháp lệnh hiện hành có nhiều nội dung hạn chế quyền cơ bản của công dân như: quy định cấm cá nhân sở hữu vũ khí (hạn chế quyền sở hữu); quy định sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ (liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân).
Do dó, việc xây dựng dự án Luật không chỉ nhằm thi hành Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà còn khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thi hành Pháp lệnh hiện hành sau 4 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, dẫn đến tình hình vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong khai thác khoáng sản, đánh bắt hải sản, buôn bán phế liệu khó kiểm soát, các vụ việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng; nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hiện nay, nhiều đạo luật có quy định việc trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ nhưng quy định của pháp luật về thẩm quyền quản lý, sử dụng mới chỉ do văn bản dưới luật quy định.
Mặt khác, cùng với sự tiến bộ về khoa học - kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, an ninh đã có những bước phát triển nhanh, nhiều loại vũ khí cầm tay hiện đại được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, sản xuất, theo đó Việt Nam đã và đang nghiên cứu nhập khẩu để trang bị.
Về đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; loại vũ khí quân dụng được trang bị, đại diện Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được trang bị vũ khí quân dụng vì cho rằng, đây là cơ quan trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ý kiến khác đề nghị cân nhắc vì cho rằng, đối tượng điều tra của cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hầu hết là người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, ít có hành vi chống đối manh động như một số tội phạm nguy hiểm khác, hơn nữa khi tiến hành hoạt động điều tra còn có các lực lượng khác tham gia hỗ trợ.
Về quy định nổ súng (Điều 21), đại diện Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, một số ý kiến cho rằng, quy định nổ súng như dự thảo Luật chưa cụ thể, còn chung chung khó vận dụng trong thực tiễn; một số trường hợp cụ thể người thi hành công vụ không thể nhận biết.
Do đó đề nghị quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn; đồng thời đề nghị cân nhắc việc mở rộng tình huống nổ súng (đối với đối tượng phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng…) để quy định phù hợp với chính sách xử lý hình sự.
Cho ý kiến về dự án luật, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, luật này là luật quan trọng và tác động đến quyền sống và tính mạng sức khỏe của con người.
Do đó, việc tổng kết thực tiễn là vấn đề quan trọng khi Pháp lệnh mới thi hành được 4 năm.
“Việc tổng kết này đã được những cái gì? Việc sử dụng thời gian qua đặt ra vấn đề gì bức xúc, có hay không lạm dụng công cụ hỗ trợ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân?”, bà Nga nêu.
Bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, qua báo cáo tổng kết thì chỉ thiên về tổng kết quản lý nhưng kết quả tổ chức thực hiện thì chưa có và cũng chưa có đánh giá về sử dụng như thế nào, nhất là các trường hợp nổ súng thời gian qua có vấn đề gì không.
“Chúng tôi theo dõi rất nhiều trên báo chí, người dân phản ánh có cá nhân lạm dụng công cụ gây thương tích, nhưng vắng bóng trong báo cáo tổng kết.
Tôi đề nghị Ban soạn thảo trả lời câu hỏi luật này liên quan đến luật nào và cách xử lý xung đột như thế nào?”, bà Nga nêu ra hàng loạt câu hỏi.
Trả lời chất vấn của đại diện Ủy ban Tư pháp, đại diện Bộ Công an cho biết, luật này liên quan nhiều đến các văn bản pháp luật khác, hướng xử lý xung đột dựa trên nguyên tắc theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó và luật vũ khí.
Đại diện Bộ Công an cho biết, việc quy định cụ thể trường hợp nổ súng rất khó quy định cụ thể trong luật.
“Hạn chế trong thời gian qua là quy định chưa rõ nên trong nhiều trường hợp anh em thi hành công vụ đáng nhẽ cần nổ súng lại không nổ súng, lúc không cần thì lại nổ súng.
Việc này là do nhận thức và diễn biến tình hình lúc đó rất mau lẹ”, đại diện Bộ Công an nói.