Chủ nhân Nobel Y học được VinFuture trao giải từ 2 năm trước

Hà Cương/VTC News |

TS Katalin Karikó và GS Drew Weissman - đồng chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2021 vừa được trao giải thưởng Nobel Y học năm 2023.

Chiều qua 2/10 (giờ Việt Nam), TS Katalin Karikó và GS Drew Weissman được trao giải thưởng Nobel Y học năm 2023 cho công trình nghiên cứu về các biến đổi của nucleoside, từ đó giúp phát triển vaccine mRNA chống lại COVID-19.

Trước khi giải Nobel gọi tên TS Karikó và GS Weissman, Giải thưởng VinFuture năm 2021 là một trong số ít giải thưởng khoa học công nghệ quy mô toàn cầu đầu tiên tôn vinh công trình nghiên cứu hai nhà khoa học này.

Việc VinFuture vinh danh TS Karikó và GS Weissman trước Nobel 2 năm thể hiện tầm vóc và tầm nhìn của Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Mặc dù được vinh danh bởi nhiều giải thưởng quốc tế lớn, giải thưởng VinFuture vẫn có vị trí đặc biệt đối với TS Karikó.

Chủ nhân Nobel Y học được VinFuture trao giải từ 2 năm trước - Ảnh 1.

Nhà khoa học Katalin Kariko nhận giải thưởng VinFuture từ 2 năm trước.

Trong một chia sẻ vào cuối tháng 6/2023, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có những giải thưởng khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những giải thưởng có uy tín sẽ thu hút sự chú ý không chỉ ở trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Bà Karikó khẳng định rằng, từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế. Những giải thưởng quốc tế như VinFuture không chỉ là nguồn cảm hứng cho những nhà khoa học nội địa mà còn tạo nên sức hút, sự quan tâm từ các quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển mạnh, từ đó mở ra cơ hội cho sự hợp tác và chia sẻ kiến thức, đẩy mạnh tiến trình phát triển khoa học công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển.

TS Katalin Karikó và GS Drew Weissman đã phát triển công nghệ mRNA biến đổi nucleoside và các cải tiến mRNA khác liên quan đến vaccine, được sử dụng cho cả Pfizer-BioNTech và Moderna trong quá trình phát triển vaccine.

Công trình là bước đột phá trong việc biến đổi mRNA để ngăn hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với mRNA được đưa vào. Phần lớn các thử nghiệm nghiên cứu ban đầu đều gây ra phản ứng viêm nói chung vì hệ thống miễn dịch bẩm sinh của cơ thể nhận ra sự hiện diện đột ngột của RNA và phản ứng như thể chống lại virus thật.

Năm 2004-2005, tiến sĩ Karikó và cộng sự đã đạt được kết quả nghiên cứu đảm bảo cho RNA đi vào tế bào và đồng thời đưa ra các hướng dẫn đúng hướng để ứng dụng RNA trở nên khả thi trong điều trị mà không gây ra phản ứng cytokine, độc tính hoặc các tác dụng phụ.

Biến đổi trên mRNA thực hiện bởi tiến sĩ Karikó & Weissman đã giúp ổn định đáng kể phân tử, giảm khả năng sinh miễn dịch của chính nó với tế bào vật chủ, cung cấp tiềm năng điều hòa miễn dịch rất lớn khiến công nghệ mRNA trong vaccine trở nên khả thi và đưa các ứng dụng mRNA có độ tin cậy cao thành một loại thuốc chữa các bệnh phổ biến ở người.

Ý tưởng về vaccine mRNA đã được đón nhận bởi cộng đồng ung thư và các bệnh di truyền như một tác nhân điều trị, hơn là để phòng bệnh. Ngoài vaccine, trong tương lai, công nghệ mRNA còn có thể được ứng dụng trong điều trị các bệnh như cúm, HIV-1, bệnh dại và virus Zika, ung thư, bao gồm ung thư máu, u ác tính, ung thư não, ung thư tuyến tiền liệt.

Chủ nhân Nobel Y học được VinFuture trao giải từ 2 năm trước - Ảnh 3.

Chủ nhân Nobel Y học Drew Weissman và Katalin Kariko. (Ảnh: Penn Medicine)

Giáo sư, bác sĩ Drew Weissman (SN 1959 tại bang Massachusetts, Mỹ). Ông là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ). Ông nghiên cứu RNA để sử dụng trong vaccine trong hơn 15 năm.

Ông nuôi ước mơ về khả năng điều trị bệnh dường như vô tận với mRNA tùy chỉnh. Tuy nhiên, ông không ngờ rằng công nghệ mRNA mà ông đồng sáng tạo với đồng nghiệp cũ - tiến sĩ Katalin Kariko lại trở thành một công nghệ quan trọng được sử dụng trong một số vaccine COVID-19 đang ở giai đoạn sau của quá trình hoàn thiện.

Bà Katalin Kariko (SN 1955) trong một gia đình làm nghề bán thịt ở Kisújszállás, một thị trấn cách Budapest (Hungary) 150 km về phía đông. Ngay từ nhỏ, Kariko mơ ước trở thành nhà khoa học dù chưa từng gặp nhà khoa học nào.

Bà yêu toán học và khoa học khi còn rất trẻ. Nhưng con đường học hành của bà không hề dễ dàng. Đến năm 1989, bà Kariko bắt đầu làm việc tại Đại học Pennsylvania (Mỹ). Nữ sinh gốc Hungary khi ấy tập trung nghiên cứu về ứng dụng trị bệnh của mRNA được phiên mã trong ống nghiệm. Thời điểm cuối thập niên 80 đầu 90 của thế kỷ trước lĩnh vực mRNA đang ở thời kỳ sơ khai. Ngay cả những nhiệm vụ cơ bản nhất cũng khó khăn nếu không nói là bất khả thi.

Tại trường, tình cờ nhà khoa học Hungary gặp được ông Drew Weissman, người đang có những kế hoạch đầy tham vọng trong việc tìm kiếm vaccine cho bệnh nhân AIDS. Khi bà chia sẻ về nghiên cứu mRNA, Weissman đã nhận ra những tiềm năng độc đáo của công nghệ này. Từ đây, họ có thời gian dài cộng tác cùng nhau.

Năm 2005, họ đưa ra nghiên cứu mang tính đột phá với việc sửa đổi một trong các nucleoside của mRNA. Sau khi sửa đổi, mRNA có thể đi vào tế bào và hoạt động đúng chức năng mà không gây ra các phản ứng của hệ thống miễn dịch. Hai nhà khoa học tin rằng công nghệ của họ có tiềm năng mở ra cánh cửa cho vô số vaccine, protein điều trị và liệu pháp gen mới.

Đến tháng 7/2010, hai công ty công nghệ chú ý tới công trình của họ là Moderna ở Mỹ và BioNTech ở Đức. Pfizer hợp tác với BioNTech và hai công ty đang hỗ trợ kinh phí cho phòng thí nghiệm của tiến sĩ Weissman. Không lâu sau đó, những thử nghiệm lâm sàng với vaccine cúm mRNA được thực hiện, đồng thời vaccine chống virus cytomegalovirus và Zika cũng đang trong quá trình phát triển. Khi đó, nCoV xuất hiện.

Công nghệ của bà thành công hơn nữa khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới. Hai công ty BioNTech và Moderna thiết kế vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian rất ngắn nhờ vào công nghệ gốc là đưa mRNA vào cơ thể để chỉ thị tế bào người sản sinh protein hình gai của nCoV. Hệ miễn dịch sẽ phát hiện protein đó, xem nó là vật thể lạ và biết cách tấn công nCoV nếu nó xuất hiện trở lại trong cơ thể.

Giải Nobel có giải thưởng tiền mặt trị giá 11 triệu kronor Thụy Điển (1 triệu USD). Số tiền này đến từ di chúc của người tạo ra giải thưởng, nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel, sau khi ông qua đời năm 1896.

Việc công bố các giải Nobel 2023 sẽ tiếp tục với giải vật lý vào 3/10, hóa học vào 4/10 và văn học vào 5/10. Giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố vào 6/10 và giải thưởng kinh tế vào ngày 9/10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại