'Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc' và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông

Nội dung: Vân Hồng; Thiết kế: Đỗ Linh |

Trong xã hội bận rộn, chúng ta cố gắng có được mọi thứ nhưng lại vô tình hay cố ý đánh đổi sức khỏe. Hãy lắng nghe những "lời vàng" của lương y Trịnh Văn Tuấn để thay đổi sớm hơn.

Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh 1.
Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh 2.

PV: Xin chào lương y Trịnh Văn Tuấn, là thầy thuốc, từng chứng kiến bệnh tình của rất nhiều người, hẳn ông rất lo sợ mình sẽ ốm yếu. Ông có thể chia sẻ câu chuyện dưỡng sinh của chính mình?

Lương y Trịnh Văn Tuấn: Xin chào chị Vân Hồng và quý độc giả. Chủ đề về sức khỏe và dưỡng sinh đúng là một câu chuyện dài. Nhưng tôi xin được nói ngắn gọn trước. Đông y xem mọi bệnh chỉ có 3 nguyên nhân: Ngoại nhân [nguyên nhân bên ngoài], Nội nhân [Nguyên nhân bên trong], Bất nội bất ngoại nhân [Những nguyên nhân khác ngoài hai nguyên nhân đã nói].

Vì vậy mà, bí quyết sống khỏe của cá nhân tôi cũng chính là những áp dụng kinh điển của khoa học Đông y mà thôi. Tức là thấu hiểu những nguyên nhân gây bệnh mà ngăn ngừa bệnh từ khi nó chưa đến.

Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh 3.

Một là, hạn chế bệnh đến từ nguyên nhân bên ngoài, tuân thủ lối sống thuận với trời đất. Thuận với trời đất ở đây có nghĩa chúng ta không nên cưỡng lại những gì của tự nhiên. Tự nhiên có Lục Khí: Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa. Đây được xem là sáu thứ tà khí, mà Đông y gọi là Lục Dục Tà Khí. Chúng ta khi đối diện với chúng phải biết nương, biết tránh.

Ví dụ, trời nắng quá thì không nên ăn mặc phong phanh đi ra ngoài nắng, dễ bị cảm nắng, ung thư da. Trời lạnh quá thì phải ăn mặc đủ ấm, giữ thân nhiệt tốt, tránh bị nhiễm lạnh…

Hai là, sống trung dung, tự cảnh giác với những cảm xúc, không để cảm xúc đánh úp mình. Ngay khi có những cảm xúc tiêu cực như buồn, giận, bi, ai… ta nhận biết nó, không cố phản kháng nhưng nhanh chóng nhận diện những cảm xúc đó. Điều thú vị là, khi bạn nhận biết được mình đang giận, đang buồn, thì bạn sẽ rất nhanh chóng ra khỏi cảm xúc đó.

Với tôi, khi cảm xúc không tốt, tôi thường đi bộ nhẹ vài chục phút, trong thời gian ấy, sự chuyển biến thân tâm rất rõ rệt. Bên cạnh đó, huân tập nếp sống vị tha, bác ái cũng đem lại rất nhiều năng lượng.

Ba là, ăn uống lành mạnh, đủ chất và đúng bữa. Trước đây, thời thanh niên tôi có thói quen ăn uống thiên lệch, thích gì là ăn bằng chán thì thôi. Về sau, tôi nhận ra việc ăn uống thiên lệch đem lại rất nhiều hệ lụy. Từ đó, tôi chuyển sang chế độ ăn đa dạng, giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.

Mỗi bữa ăn lượng tinh bột vừa phải nhưng không quá ít hay quá nhiều. Điều quan trong nhất là nhai kỹ và ăn chậm. Tôi nhận về những kết quả rất tốt, không còn bị táo bón đi lỏng khi ăn thức ăn lạ nữa.

Bên cạnh đó, việc hoạt động chân tay, tiêu hao calo thừa trong một ngày cũng được quan tâm. Tôi đi bộ từ 4-5km mỗi ngày, tập một vài động tác khí công vùng đầu mặt buổi sáng, và tắm nước ấm. Duy trì nếp sống ấy, sức khỏe của tôi rất ổn định. Đặc biệt là sức đề kháng rất tốt.

Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh 4.

PV: Tôi từng đọc nhiều bí quyết dưỡng sinh của các danh y, thấy họ chia bệnh nhân thành các nhóm thể chất, mỗi người cần dựa vào đặc điểm riêng của bản thân để chăm sóc sức khỏe cho phù hợp. Ông có thể giải thích rõ hơn?

Lương y Trịnh Văn Tuấn: Quả đúng là mỗi người thuộc một nhóm thể chất khác nhau, vì mang trong mình những gen khác nhau, môi trường sống và làm việc khác nhau, quan niệm về cách thức ăn uống và sinh hoạt khác nhau… nên sức khỏe của mỗi người cũng khác nhau.

Tuy nhiên, bệnh tình xuất hiện hoặc thể trạng khỏe hay yếu phụ thuộc vào sự quân bình. Đông Y lấy Đạo Quân Bình để điều phối và "sửa bệnh". Quân bình ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bên trong là sự quân bình về âm dương, khí huyết, hàn nhiệt… bên ngoài là sự quân bình với môi trường, không đặt mình ở thế chống đối với ngoại cảnh mà hòa thuận với ngoại cảnh.

Mỗi người trước khi có vấn đề về sức khỏe, tối quan trong là Biết Lắng Nghe Cơ Thể Mình, để chủ động phòng ngừa bệnh tật. Còn khi có bệnh, thầy thuốc sẽ khám và tìm ra nguyên nhân, điều trị và khuyên bạn nên như thế nào để bệnh không tái phát hay có nguy cơ bị bệnh khác.

Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh 5.
Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh 6.

PV: Danh y Hoa Đà – một trong "tứ đại thần y" của Trung Quốc, được coi là ông tổ của ngành Đông y từng đưa ra những lời khuyên chi tiết về thói quen sinh hoạt hàng ngày để mỗi người có thể áp dụng. Với cá nhân ông, một ngày diễn ra thế nào?

Lương y Trịnh Văn Tuấn: Tôi tập thói quen sống dễ với người mà khó với mình. Nên thời gian biểu của tôi cũng đặc hơi đặc biệt, có phần lập dị.

Tôi thường dậy vào lúc 5h15 sáng, nằm nguyên trên giường tập thở chừng 10 phút, rồi khởi động ấm hai lòng bàn tay, sau đó tập các bài tập như xoa mắt, xoa mặt, xoa mũi, xoa tai, cào đầu… Khi cơ thể đã thấy sảng khoái, tôi ra khỏi giường lúc 5h45 và làm vệ sinh cá nhân buổi sáng.

Pha trà cúng Tổ Nghề và dùng cà phê và đọc sách đến 7h15.

Tôi ăn sáng nhiều hay ít phụ thuộc vào tính toán năng lượng của bản thân sẽ tiêu hao trong buổi sáng. Nếu hôm nào chỉ thuần làm công việc trí óc, tôi thường ăn sáng những đồ ăn có nhiều nước như bún, phở. Nếu có phải làm thêm các công việc chân tay, sẽ ăn kèm thêm những thức ăn khô và đủ no.

Bốn giờ tiếp theo của buổi sáng khi đi làm, tôi nhắc mình bổ sung vitamin bằng cách ăn trái cây khi bụng đã chớm đói, trước giờ ăn trưa khoảng 45 phút đến 1h.

Buổi trưa, dù bận hay không, cố gắng nghỉ trưa từ 15-25 phút. Khi ngủ dậy, không bỏ bài tập về vùng đầu mặt.

Sau bốn giờ lao động buổi chiều về, tôi đi bộ và tham gia việc gia đình. Giờ cơm chiều đặc biệt không bao giờ ăn muộn. Tôi ăn tối vào khoảng 18h30. Buổi tối, tôi thường đọc sách, trò chuyện với gia đình hoặc xem một bộ phim mình thích. Nhìn chung, trong vòng 6-7 năm qua, thời gian biểu của tôi chưa có nhiều thay đổi.

Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh 7.

PV: Xem ra, sức khỏe của chúng ta lại dựa vào việc ăn, ngủ, sinh hoạt theo lịch trình hàng ngày của mỗi người. Ông có thường xuyên khuyên người bệnh của mình về những thứ đơn giản này không?

Lương y Trịnh Văn Tuấn: Có chứ. Về bí quyết có một bữa ăn đúng, ngủ đúng và sinh hoạt đúng, tôi nghĩ rằng, sẽ không có một mẫu chung chính xác tuyệt đối nào cả. Bí quyết Sống Thuận được Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai thị trong bài Cư Trần Lạc Đạo vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, với góc độ chuyên môn, tôi xin có một hai suy nghĩ như sau:

Một là, Ăn đúng: Ăn đúng trước hết phải cần Ăn Đủ. Ăn đủ ở đây là ăn đủ những thứ cơ thể cần. Các nhu cầu thiết yếu về gluxit, protein, lipit, vitamin và khoáng chất không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Tức trong mỗi bữa ăn phải có đủ tinh bột, rau củ quả, thịt cá, dầu mỡ v.v… Đấy là ăn đủ.

Từ ăn đủ, tiến thêm một nấc là ăn đúng và hợp khẩu vị. Cái này khó hơn vì hầu hết chúng ta không biết ăn bao nhiêu thì vừa, bao nhiều thì thiếu, bao nhiêu thì thừa. Nên tham khảo các bảng định lượng về dinh dưỡng và calo để biết nên ăn bao nhiêu.

Trong việc ăn đúng, thứ tối quan trọng là Tinh Thần trong bữa ăn. Cần phải ăn uống trong không khí ấm cúng, vui vẻ, yêu thương. Đây là một dạng năng lượng tích cực rất hữu ích, song cuộc sống hiện đại, con người ta phải ăn nhanh, ăn vội, bỏ qua bữa cơm gia đình, đã phần nào đánh mất đi không khí các bữa ăn gia đình.

Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh 8.

Hai là, Ngủ đúng: Ngủ đúng trước tiên cũng cần ngủ đủ. Ngủ là sinh hoạt bắt buộc trong cơ chế của một cơ thể sống. Nếu không ngủ đủ giấc, chúng ta sẽ có nguy cơ bị giảm trí nhớ, căng thẳng, nhanh đói, suy giảm miễn dịch, lão hóa, béo phì và nguy cơ mắc các loại ung thư…

Người trường thành cần từ 6-9h mỗi ngày để ngủ và nghỉ ngơi. Từ một giấc ngủ đủ, ta tìm cho mình cách để có giấc ngủ đúng.

Danh y Hoa Đà có câu "Tâm ngủ trước, thân ngủ sau". Từ khi đặt mình vào trạng thái nghỉ ngơi để ngủ, bạn cần thả lỏng toàn bộ cơ thể. Tôi thường nhắc mình rằng, hãy ngủ say như chết, để khi thức giấc, ta sẽ như tái sinh thành một cơ thể khác, khỏe mạnh hơn, tinh tấn hơn.

Ba là, Sinh hoạt đúng: Về sinh hoạt thế nào cho đúng, điều này thật khó, vì nó phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Tuy nhiên, muốn có cuộc sống khỏe mạnh thì sinh hoạt cần phải hợp lý. Hợp lý ở đây được hiểu là không lao động quá sức, không ăn uống buông thả, hạn chế tối đa các chất kích thích, sống tích cực, vui vẻ và luôn phấn chấn, có niềm tin.

Quan niệm của tôi là, chúng ta đến với thế giới này không phải để hùng hục làm việc và kiếm tiền. Chúng ta đến đây để dự mình nơi trần gian tuyệt vời này, nên chúng ta không nên quá ép mình trong những hoạt động có tỷ lệ thời gian choán quá lớn. Ăn-ngủ-làm việc là ba quá trình tương đương, nên chúng cũng cần được sắp xếp và bố trí về mức độ và cường độ tương đương.

Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh 9.

PV: Hầu hết các nghiên cứu về sức khỏe từ cổ chí kim đều khẳng định, người có lối sống tốt sẽ sở hữu tuổi thọ cao. Ông có thể lý giải thế nào là một lối sống tốt?

Lương y Trịnh Văn Tuấn: Thật khó để đưa ra một tiêu chuẩn thế nào là một lối sống tốt, vì nó vướng đến hệ quy chiếu về quan niệm và nhận thức của mỗi người.

Tuy nhiên, từ ngàn đời nay, phương Đông cũng như phương Tây, luôn khuyến khích con người sống lành mạnh, bao dung, yêu lao động, có niềm tin, dũng cảm đấu tranh và tránh xa với những thói quen xấu, ăn uống khoa học và lao động điều độ… thiết nghĩ, một lối sống như vậy là một lối sống tốt.

Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh 10.

PV: Khoa học hiện đại cho rằng, thói quen xấu là nguyên nhân gây tổn hại sức khỏe hàng đầu, nhưng đây lại là điều khó khăn nhất để chúng ta thay đổi. Với cá nhân ông, liệu nói bỏ là bỏ được không?

Lương y Trịnh Văn Tuấn: Thói quen, ban đầu giống như một sợi chỉ. Lâu dần nó trở thành một sợi dây cáp chắc chắn. Muốn cắt bỏ nó, tốt nhất ta cắt khi nó còn là sợi chỉ. Bí quyết để thay đổi không gì ngoài sự hiểu biết, nghị lực và môi trường.

Tại sao tôi nói đến sự hiểu biết trước? Vì hầu hết những thói quen không bỏ được là do ta thiếu hiểu biết về tác hại của nó gây ra cho mình và cho những người xung quanh. Khi ta thực sự nhận thức về tác hại của những thói quen xấu, ta sẽ khởi tâm từ bỏ. Khi có tâm từ bỏ, ta cần thêm động lực và nghị lực.

Động lực ở đây một phần là chủ quan do ta đã nhận thức được tác hại của chúng, một phần khách quan nhờ vào sự động viên, khích lệ của người thân. Hai động lực ấy cộng với quyết tâm cao của chúng ta, chúng ta sẽ dễ dàng từ bỏ.

Bên cạnh đó, môi trường xung quanh đóng vai trò rất quan trọng. Có câu "cận châu giả minh, cận mặc giả hắc", dân gian ta vẫn dịch nôm na là "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng". Cần thiết phải đưa mình vào những môi trường thuận lợi cho việc từ bỏ những thói quen xấu, thì ta mới từ bỏ dễ dàng được.

Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh 11.

PV: Tôi đã quen với câu nói cửa miệng của các danh y: "Hãy dùng những ngón tay trước khi phải sử dụng kim tiêm". Ông có lời khuyên hay bài tập nào về cách xoa bóp, bấm huyệt có tác dụng tốt mà dễ thực hiện hàng ngày không?

Lương y Trịnh Văn Tuấn: Khoa học Đông y là một khoa học huyền diệu, đầy minh triết. Thuyết đồng ứng đã chỉ ra các liên hệ của cơ thể chúng ta là đồng dạng, phản ảnh nhau, tác động cho nhau.

Ví như trên mặt có những vị trí phản ánh cơ thể, trên tai cũng vậy, trên lưỡi cũng vậy, nơi bàn tay, bàn chân cũng vậy. Từ đó mà các môn khoa học như diện chẩn, nhĩ châm, thiệt chẩn v.v… ra đời, đóng góp vào kho tàng y học Đông y những thành quả to lớn.

Về bài tập dưỡng sinh đơn giản mà hiệu quả rất tốt, có câu: "Sáng xoa mặt, tối xoa chân", buổi sáng ngủ dậy, dùng tay xoa ấm mặt, mũi, tai, miệng, rồi cào đầu, khởi động các khớp cổ, gáy, tay… việc làm đó rất tốt cho việc dẫn lưu khí huyết, giúp ta nhanh chóng tỉnh táo đón chào một ngày mới, đồng thời có tác dụng kích thích những tạng phủ đồng ứng trong cơ thể.

Buổi tối, có thể vừa ngâm chân nước ấm, vừa xoa bóp gan lòng bàn chân, nơi tập trung các huyệt đầu các đường kinh âm, giúp cho việc âm thăng dương giáng được lưu lợi, giảm thiểu các bệnh về âm huyết hay xơ vữa động tĩnh mạch. Đồng thời cũng giúp cho giấc ngủ được sâu hơn, ngon hơn…

Hướng dẫn tập Xoa đầu mặt buổi sáng và Xoa chân buổi tối - Đông y sĩ Chu Giang Phong

Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh 13.

PV: Hiện nay, nhiều người chỉ đang chú ý đến chăm sóc sức khỏe thể chất mà chưa chú trọng đến sức khỏe tinh thần, áp lực cuộc sống tăng cao, chỉ số vui vẻ thấp. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Lương y Trịnh Văn Tuấn: Xã hội hiện đại cuốn con người vào những vòng xoáy của áp lực công việc, với tần suất lao động cao, cạnh tranh lớn… vì vậy mà số người mắc các bệnh liên quan đến stress rất lớn. Các chỉ số về hạnh phúc, vui vẻ cũng suy giảm.

Đây là hiện trạng chung, không riêng gì ai cả. Nó đòi hỏi mỗi người cần phải có một thời gian biểu trong ngày hợp lý. Dành thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn để tái sức lao động. Nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý cũng có tác dụng như làm việc hiệu quả vậy.

Tưởng nó là hai vấn đề, nhưng kỳ thực, nó liên hệ mật thiết với nhau. Bạn nghỉ ngơi tốt thì bạn cũng sẽ có đủ sức khỏe để làm việc tốt. Vì vậy, mỗi người sẽ phải tự sắp xếp thời gian biểu cho bản thân mình một cách hợp lý nhất, phù hợp với công việc và hoàn cảnh cụ thể.

PV: Trước đây, dù cuộc sống khó khăn nhưng con người rất lạc quan vì họ chú trọng đến cách thể hiện tình yêu, sự vui sống. Ông có nghĩ rằng, điều đó giúp cho mình sống tích cực hơn không?

Lương y Trịnh Văn Tuấn: Tất nhiên là có rồi! Khoa học Đông y cũng như Tây y đã có nhiều công trình nghiên cứu về tình yêu, niềm vui giúp con người sống khỏe, sống thọ, đẩy lùi bệnh tật và sự lão hóa. Các hoóc môn có lợi như oxytocin làm giảm tỉ lệ tử vong của các tế bào tim, giảm các yếu tố viêm nhất định – tác nhân khiến các vết thương chậm lành v.v…

Quan trọng hơn, tình yêu và niềm vui sống khiến cho cuộc sống trở nên đáng sống hơn, con người tiến đến các giá trị nhân văn, nhân bản hơn. Đó cũng là mục tiêu mà khoa học cũng như nhiều tôn giáo lớn hướng đến.

Chúng ta đến thế giới này không phải để hùng hục làm việc và bí quyết của thần y Hoa Đà, Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh 14.

PV: Cuộc sống hiện đại dù đầy đủ vật chất hơn nhưng cũng có rất nhiều những áp lực. Làm sao để chúng ta có một tinh thần tốt, luôn cảm thấy hạnh phúc?

Lương y Trịnh Văn Tuấn: Đây quả thực là một câu hỏi khó, bởi để có một tinh thần tốt, luôn vui tươi và hạnh phúc cần rất nhiều yếu tố cấu thành nên những trạng thái tinh thần đó. Thêm nữa là các hệ quy chiếu, tư tưởng và các quan niệm nhân sinh không đồng nhất, nên việc đua ra một công thức là không thể.

Tuy nhiên, như đã nói, hạnh phúc là một trạng thái của tinh thần, nên nó không phải là cái đích để đi đến, càng không phải thứ có sẵn đợi ở đâu đó chờ chúng ta đến lấy. Vì vậy, nên duy trì và kéo dài trạng thái ấy trong cuộc sống.

Đọc nhiều hơn về các sách chỉ dẫn về tinh thần, để nâng cao nhận thức về chân giá trị cuộc sống. Huân dưỡng và vun bồi các đức tính về sự vị tha và lòng trắc ẩn, đó là những hạt giống tâm hồn rất đẹp, giúp ta gieo những nhân lành và mầm thiện, kiến tạo niềm vui trong thì tương lai…

PV: Vậy chúng ta có thể kết thúc câu chuyện này với ví dụ từ chính mình, khi gặp căng thẳng, mệt mỏi, ông vượt qua thế nào?

Lương y Trịnh Văn Tuấn: Điều đầu tiên tôi thường làm là tìm cho mình một nơi thoáng mát và yên tĩnh, ngồi thả lỏng và thở đều. Khi cơ thể có sự an yên, tôi thường có một suy nghĩ: Giống như ta đạp xe lên dốc, ta thấy nặng và mệt, nhưng nó chứng minh cho ta biết là ta đang đi lên.

Khi ta xuống dốc, gần như ta không còn phải cố sức để đạp nữa, xe chạy rất bon, thậm chí còn phải phanh lại. Nó cũng chứng minh ta đang đi xuống. Cuộc sống cũng như vậy.

Khi ta đi lên, khi ta tiến bộ, thì những vất vả, mệt nhọc, khó khăn, căng thẳng cũng sẽ đến. Điều quan trọng nhất là ta không được để những thứ đó trở nên quá mức. Ví như đạp cố xe đứt xích, hỏng xe mà vẫn không tiến lên được vậy. Xen kẽ thời gian leo dốc là chế độ nghỉ ngơi hợp lí và ổn định về tinh thần phấn chấn, sẽ giúp ta vượt qua.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại